Đại học Kinh tế quốc dân năm 2024 lấy điểm chuẩn cao nhất 28,18 điểm, các ngành còn lại đều không dưới 26,57.
Cụ thể, ở thang 30, ngành Quan hệ công chúng lấy cao nhất với 28,18 điểm, kế tiếp là Thương mại điện tử 28,02. Đây cũng là hai ngành lấy điểm chuẩn trên 28, còn lại đều từ 26,57 trở lên.
Với thang 40, ngưỡng trúng tuyển cao nhất là 37,49 tại ngành Truyền thông Marketing. Nhiều ngành khác lấy điểm chuẩn trên 36 là Quản trị kinh doanh thương mại, Thẩm định giá, Quản trị khách sạn và sự kiện... Thấp nhất ở nhóm này là ngành Kỹ thuật Phần mềm với 34,06 điểm.
Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) công bố điểm chuẩn 2024 từ 33,1 đến 33,62 điểm (theo thang điểm 40).
Ngành Tài chính - Ngân hàng có điểm chuẩn cao nhất với 33,62 điểm. Những thí sinh có điểm xét tuyển bằng mức này cần đáp ứng tiêu chí phụ là điểm Toán từ 8,2 trở lên và xếp nguyện vọng vào trường ở vị trí cao nhất. Các ngành khác của trường Đại học Kinh tế có điểm chuẩn gần như nhau từ 33,1 đến 33,43 điểm.
Đại học Ngoại thương chốt điểm chuẩn từ 25,25 đến 28,5 điểm; cao nhất là ngành Ngôn ngữ Trung Quốc, chuyên ngành tiếng Trung thương mại ở tổ hợp D01 (Toán, Văn, Anh).
Theo sau là ba ngành Kinh doanh quốc tế, Quản trị kinh doanh, Quản trị khách sạn và Marketing với 28,1 điểm; tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa).
Trường Đại học Ngoại thương cho biết trên 95% thí sinh trúng tuyển đạt từ 27 điểm trở lên.
Học viện Ngân hàng công bố điểm chuẩn xét theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, cao nhất là ngành Luật Kinh tế với 28,13 điểm. Với mức này, trung bình mỗi môn thí sinh phải đạt hơn 9 điểm mới đỗ.
Nhiều ngành khác lấy trên 26 điểm như: Kinh doanh quốc tế, Kế toán, Kiểm toán, Tài chính, Ngân hàng, Ngân hàng số, Kinh tế đầu tư, Quản trị kinh doanh, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Ngành Quản trị Kinh doanh liên kết quốc tế thấp nhất với 23 điểm.
Đại học Kinh tế TP.HCM có điểm chuẩn tăng mạnh so với năm 2023. Cụ thể tại TP.HCM, điểm chuẩn các ngành trong khoảng từ 25,3 đến 27,2 điểm; hầu hết đều tăng so với năm ngoái từ 0,5-2 điểm. Cao nhất là ngành Công nghệ Marketing.
Tại cơ sở Vĩnh Long, điểm chuẩn tăng từ 1-5 điểm, các ngành lấy từ 17 đến 22 điểm.
Đại học Kinh tế (Đại học Huế) lấy điểm chuẩn dao động từ 17 đến 23 điểm. Ngành lấy điểm chuẩn cao nhất là ngành Marketing. Hai ngành khác lấy trên 20 điểm là Thương mại điện tử (21 điểm) và Logistics và quản lý chuỗi cung ứng (22 điểm), các ngành còn lại lấy từ 17 đến 20 điểm.
Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) lấy điểm chuẩn thấp nhất là 23,75 điểm ở ngành Quản lý nhà nước; cao nhất là 27 điểm ở ngành Kinh tế quốc tế.
Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) có tới 22 ngành có điểm chuẩn tăng so với năm ngoái, mức tăng trung bình 0,39 điểm. Ngành Thương mại điện tử lấy đầu vào cao nhất với 27,44 điểm. Thấp nhất là ngành Quản lý công với 24,39 điểm.
Học viện Tài chính năm 2024 lấy điểm chuẩn từ 34,35-36,15 điểm theo thang điểm 40 (tiếng Anh nhân hệ số 2) và 26,3-26,85 theo thang điểm 30.
Với các ngành lấy điểm chuẩn thang 40, Hải quan và Logistics cao nhất, những ngành còn lại đều lấy từ 34 trở lên. Với thang điểm 30, ngành Tài chính - Ngân hàng 2 lấy cao nhất 26,85 điểm; Hệ thống quản lý thông tin lấy thấp nhất 26,3 điểm.
Đại học Tài chính - Marketing công bố điểm chuẩn tuyển sinh năm 2024 với ngành có điểm chuẩn cao nhất là Marketing, lấy 25,9 điểm. Các ngành còn lại lấy từ 22-25,3 điểm.