Giá cà phê thế giới
Đầu giờ sáng 27/9 (giờ Việt Nam), trên sàn London, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 11/2024 ở mức 5.527 USD/tấn, tăng 81 USD/tấn so với đầu giờ sáng qua, đây là mức giá cao nhất từ trước tới nay. Kỳ hạn giao tháng 1/2025 giao dịch ở mức 5.242 USD/tấn, tăng 90 USD.
Giá cà phê Arabica trên sàn New York giao tháng 12/2024 tăng 4 cent/lb, ở mức 273 cent/lb. Giá giao tháng 3/2025 cent/lb ở mức 271 cent/lb, tăng 5 cent so với phiên giao dịch trước.
Giá cà phê trong nước
Giá cà phê trong nước hôm nay đồng loạt tăng ở các địa phương, giao dịch trong khoảng 120.800 - 122.000 đồng/kg.
Cụ thể, giá cà phê hôm nay tại Đắk Lắk là 122.000 đồng/kg, tăng 1.200 đồng/kg so với phiên giao dịch hôm qua.
Giá cà phê hôm nay tại Lâm Đồng ghi nhận ở mức 121.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg.
Giá cà phê tại Gia Lai hôm nay ghi nhận giao dịch ở mức 120.800 đồng, tăng 100 đồng/kg so với phiên giao dịch trước.
Giá cà phê hôm nay tại Đắk Nông giao dịch ở mức 122.000 đồng/kg, tăng 1.200 đồng/kg so với một ngày trước.
Hãng tư vấn Hedgepoint dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2024-2025 của Brazil sẽ đạt 63 triệu bao, giảm 3 triệu bao so với niên vụ trước; trong khi đó, sản lượng cà phê của Việt Nam ước tính khoảng 27 triệu bao, thấp hơn dự báo trước đó. Hedgepoint cho rằng thị trường cà phê toàn cầu có thể thâm hụt năm thứ tư liên tiếp, do sự sụt giảm sản lượng tại Việt Nam và Brazil, đồng thời nhận định giá cà phê sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi các yếu tố cơ bản trong thời gian tới.
Trước đó, Cơ quan cung ứng mùa vụ thuộc chính phủ Brazil (CONAB) cũng đã hạ dự báo sản lượng cà phê của Brazil trong năm 2024, giảm hơn 4 triệu bao, xuống 54,79 triệu bao, thấp hơn 0,51% so với năm 2023 và giảm gần 7% so với dự báo trước đó. Trong đó, sản lượng cà phê Arabica giảm 2,52 triệu bao, còn cà phê Robusta giảm hơn 1,5 triệu bao, chỉ còn 15,2 triệu bao, thấp hơn 6% so với năm trước.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sụt giảm sản lượng ở cả hai quốc gia là do thời tiết bất lợi. Tại Brazil, mặc dù đã có dự báo mưa nhưng lượng mưa không đủ, khiến một số khu vực vẫn chịu tình trạng khô hạn cục bộ. Trong khi đó, tại Việt Nam, sau nhiều tháng có mưa, năng suất cà phê đã được cải thiện so với đầu năm khi gặp hạn hán.
Trong nửa đầu tháng 9, chủ lực xuất khẩu của Việt Nam vẫn là cà phê Robusta với 15.155 tấn, đơn giá bình quân 5.053 USD/tấn, mang về 76,583 triệu USD. Cà phê Arabica xuất khẩu được 1.129 tấn, giá bình quân 4.166 USD/tấn, mang về 4,705 triệu USD. Như vậy, giá cà phê Robusta Việt Nam xuất khẩu đã vượt giá cà phê Arabica 887 USD/tấn.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu lần đầu được ghi nhận cao hơn giá cà phê Arabica vào tháng 5 với khoảng cách 32 USD/tấn (cà phê nhân Robusta 3.920 USD/tấn và cà phê Arabica 3.888 USD/tấn). Sau đó khoảng cách càng kéo giãn khi tốc độ tăng giá của cà phê Robusta mạnh hơn.
Các chuyên gia kinh tế lý giải, trước đây, giá cà phê Robusta chỉ duy trì trong khoảng bằng 1/3 giá cà phê Arabica. Do giá cà phê Robusta rẻ và chất lượng ngày càng cải thiện nên các nhà rang xay trên thế giới đã tăng tỷ lệ sử dụng khiến nhu cầu tăng cao. Trong khi đó, sản lượng cà phê Robusta lại giảm do ảnh hưởng thời tiết và nông dân chuyển đổi cây trồng sau một thời gian dài giá cà phê ở mức thấp, khiến diện tích trồng cà phê bị thu hẹp.