Giá xăng dầu có thể tăng trở lại, dầu diesel dự kiến tăng 2.000 đồng/lít

Giá xăng dầu trong kỳ điều chỉnh ngày mai 11-10 dự kiến tăng trở lại sau nhiều đợt giảm liên tiếp, trong đó dầu diesel có thể tăng đến 2.000 đồng/lít.Nếu đúng như dự báo, giá các mặt hàng xăng dầu trong nước sẽ tăng

10

Người dân xếp hàng chờ mua xăng tại một cây xăng trong hệ thống Petrolimex vào sáng 10-10. Ảnh: Lê Vũ

Bộ Công Thương sẽ điều chỉnh tăng mức chi phí vận chuyển xăng dầu trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu vào kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11-10-2022 để bảo đảm phản ánh đúng mức chi phí phát sinh thực tế của doanh nghiệp.

Trong khi đó, trước tình trạng có 54 cửa hàng tạm hết xăng, Sở Công Thương TPHCM đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối cấp tập chuẩn bị nguồn hàng cho các hệ thống thiếu hụt.

Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, giá thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 6-10 của một thùng xăng RON 92 là 91,84 đô la Mỹ, RON 95 là 94,67 đô la, tăng nhẹ so với chu kỳ trước. Đáng chú ý, dầu diesel tăng mạnh lên 134,38 đô la một thùng.

Trong khi đó, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới kỳ điều hành trước là 89,17 đô la/thùng xăng RON 92; 92,64 đô la/thùng xăng RON 95 và 119,68 đô la/thùng dầu diesel.

Như vậy, trong tuần vừa qua giá dầu tăng vọt trở lại nên theo doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở kỳ điều hành định kỳ vào ngày mai, giá mặt hàng xăng, dầu trong nước sẽ tăng theo giá thế giới. Tuy nhiên, doanh nghiệp này dự báo giá xăng chỉ tăng nhẹ còn dầu tăng mạnh.

Theo đó, giá xăng dự báo tăng ở mức 200-300 đồng/lít, dầu tăng khoảng 1.700-2.000 đồng/lít. Trường hợp, cơ quan điều hành là liên Bộ Công Thương – Tài chính chi quỹ bình ổn, giá mặt hàng xăng có thể giữ nguyên và dầu có thể tăng ít hơn.

Theo một người ai hiểu thị trường xăng dầu nhận định giá dầu kỳ điều hành ngày mai sẽ tăng lên nên điều này cũng phần nào lý giải cho một trong những nguyên nhân khiến mấy ngày qua nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở TPHCM và một số tỉnh thành thiếu hàng, gây khó khăn cho người đi đường khi cần đổ xăng dầu. Bởi lẽ, doanh nghiệp đầu mối cung cấp hàng rất nhỏ giọt.

Hiện, giá xăng E5 RON 92 và RON 95 đang ở quanh mức 20.700-21.500 đồng/lít, mức thấp nhất từ đầu năm đến nay và tương đương thời điểm giữa năm 2021.

Liên quan đến tình trạng 54 cây xăng tạm hết hàng, người dân TPHCM vất vả chuyện đổ xăng, tối 9-10, Sở Công Thương TPHCM đã có chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối cấp tập chuẩn bị nguồn hàng cho các hệ thống thiếu hụt. Trong đó, có khoảng 80 xe bồn xăng dầu sẽ được Petrolimex TPHCM vận chuyển từ kho về các cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống để tăng nguồn cung.

Sở Công Thương TPHCM cho biết hiện nay, tình hình cung ứng xăng dầu của thành phố đang gặp những khó khăn nhất định. Nguồn cung có tình trạng thiếu hụt cục bộ do việc nhập khẩu của một số đơn vị bị gián đoạn, việc vận chuyển vừa qua cũng bị ảnh hưởng do tình hình bão lụt.

Một số cửa hàng bán lẻ đã tạm ngưng hoạt động hoặc kinh doanh gián đoạn do nguồn hàng cung ứng không đáp ứng kịp, đặc biệt là vào thời điểm giờ cao điểm do xe bồn vận chuyển xăng dầu không được lưu thông trong giờ cao điểm. Các cửa hàng này chủ yếu thuộc doanh nghiệp tư nhân kinh doanh nhỏ lẻ, không theo chuỗi và nguồn lực có giới hạn nên khó cân đối, bù đắp chi phí.

Sở Công Thương TPHCM có kiến nghị và được UBND TPHCM chấp thuận, cho phép phối hợp Cảnh sát giao thông và Sở Giao thông Vận tải sẽ tạo điều kiện phân luồng cho các phương tiện vận chuyển xăng dầu có thể thuận lợi tiếp cận các cửa hàng, cấp xăng dầu trong giờ cao điểm.

11

Vào lúc gần 14 giờ ngày 9-10, cửa hàng xăng trên đường Kinh Dương Vương, quận Bình Tân không bán hàng. Ảnh: Nguyễn Tú

Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu than phiền về các doanh nghiệp đầu mối đều đưa ra chiết khấu thấp, cộng các chi phí vận hành, vận chuyển khiến các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu chịu lỗ.

Trong những ngày gần đây, có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại một số tỉnh, thành phố như: Cần Thơ, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk…

Nguyên nhân chính của hiện tượng trên là do từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, các doanh nghiệp đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng nên chỉ chủ yếu duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của doanh nghiệp mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.

Theo hầu hết doanh nghiệp xăng dầu ở TPHCM và các tỉnh thành khác, họ đang lỗ 100-300 triệu đồng với cây xăng quy mô nhỏ và lỗ nửa tỉ đồng với cây xăng quy mô lớn. Một số đại lý cho biết nếu chính sách chiết khấu không thay đổi họ sẽ chỉ bán hết hàng tồn và có thể xin ngưng kinh doanh trong tuần tới.

Sau liên tiếp nhận những phản ánh của doanh nghiệp, hôm 7-10, liên Bộ Công Thương – Tài chính cho biết ngay ở kỳ điều hành ngày 11-10 sẽ tăng mức chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng và mức premium trong nước khi tính giá cơ sở, để bảo đảm phản ánh đúng mức chi phí phát sinh thực tế của doanh nghiệp, giúp họ tăng mức chiết khấu trong hệ thống.

Hiện nay, tình hình xăng dầu trong nước vẫn diễn biến phức tạp. Nhiều doanh nghiệp bán lẻ tại khu vực phía Nam đóng cửa, nghỉ bán hoặc bán nhỏ giọt vì nguồn cung khan hiếm, chiết khấu thấp.