Ngày 20/2, ông Mai Xuân Phương, nguyên Vụ phó Truyền thông - Giáo dục (Cục Dân số), cho biết mức sinh tại Việt Nam đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Trước thực trạng này, nhiều chính sách đã và đang được điều chỉnh để khuyến khích sinh con, mới nhất là việc Bộ Chính trị yêu cầu không kỷ luật đảng viên sinh con thứ ba.
Giới trẻ lười yêu, ngại cưới, sợ sinh con
Theo Tổng cục Thống kê, kết quả điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 cho thấy tốc độ tăng dân số bình quân tại Việt Nam chỉ còn 0,99% (giảm từ 1,22% trong giai đoạn 2014-2019). Trong 15 năm qua, mức sinh của Việt Nam ổn định ở mức sinh thay thế, nhưng hai năm gần đây đã giảm mạnh, từ 1,96 con/phụ nữ (2023) xuống 1,91 con/phụ nữ (2024).

Xu hướng giới trẻ "lười yêu, ngại cưới, sợ sinh con" đang ngày càng rõ rệt. Tuổi kết hôn trung bình lần đầu của người Việt hiện nay đã tăng lên 27,3 tuổi, cao hơn 2,1 tuổi so với năm 2019. Nam giới kết hôn muộn hơn, trung bình trên 29 tuổi, trong khi nữ giới trên 25 tuổi. Đặc biệt tại TP.HCM, độ tuổi kết hôn trung bình đã lên tới 30,4 tuổi – mức cao nhất cả nước.
"Mức sinh Việt Nam đã giảm thấp nhất trong lịch sử, dự báo tiếp tục giảm trong tương lai. Xu hướng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, song chủ yếu là áp lực kinh tế và chi phí nuôi dạy con cái, đặc biệt trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng cao, thu nhập lại không ổn định", ông Phương nói.
Áp lực tài chính và gánh nặng nuôi con
Nếu trước đây, quan niệm "trời sinh voi, trời sinh cỏ" phổ biến, thì hiện nay, mỗi gia đình đều phải tính toán tài chính kỹ lưỡng trước khi sinh con. Khi mức sống nâng cao, người dân không còn chỉ cần "ăn no mặc ấm" mà còn muốn "ăn ngon mặc đẹp". Quá trình đô thị hóa nhanh chóng tạo áp lực công việc, khiến cha mẹ không có nhiều thời gian chăm sóc con cái.
Chi phí sinh hoạt, đặc biệt là nhà ở, giáo dục, y tế ngày càng đắt đỏ khiến nhiều cặp vợ chồng phải cân nhắc trước khi sinh con. Giá bất động sản tại Hà Nội tăng cao, việc mua nhà trở thành gánh nặng, ngay cả thuê nhà cũng không hề dễ dàng. Trong khi đó, các chi phí liên quan đến nuôi dạy con như sữa, bỉm, trường học, khóa học kỹ năng mềm... đều tăng nhanh.
Phụ nữ hiện đại không chỉ đi làm mà còn phải lo việc nhà, chăm sóc con cái, đối mặt với áp lực từ gia đình và Xã hội. Trầm cảm sau sinh, căng thẳng tâm lý, gánh nặng sức khỏe khiến nhiều người e ngại việc sinh con.

Ngoài ra, sự kỳ vọng của cha mẹ đối với con cái cũng là một yếu tố khiến nhiều người ngại sinh con. Các bậc phụ huynh luôn muốn con mình được học trường tốt, tiếp cận giáo dục chất lượng cao, đầu tư vào ngoại ngữ và kỹ năng mềm để không bị tụt hậu. Điều này làm tăng đáng kể chi phí nuôi dạy con, trở thành một rào cản lớn đối với quyết định sinh con của nhiều cặp vợ chồng trẻ.
"Vì vậy, họ chỉ muốn sinh một con, thậm chí lựa chọn không sinh để giảm hàng loạt gánh nặng trên", ông Phương nói, thêm rằng hôn nhân gia đình không còn như xưa nữa, tư duy trách nhiệm làm cha làm mẹ đã thay đổi, nhiều người trẻ ưu tiên sự nghiệp, sở thích cá nhân, sợ nuôi, sợ chăm sóc, sợ giáo dục trẻ.
Khuyến sinh rất khó, cần phải thay đổi
Tỷ lệ sinh giảm không chỉ là bài toán của riêng Việt Nam mà còn là vấn đề nghiêm trọng tại nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... Dù đã áp dụng nhiều chính sách khuyến khích sinh con, nhưng đến nay, chưa có quốc gia nào thực sự thành công. Theo ông Mai Xuân Phương, để cải thiện tình trạng này, cần tập trung vào hai yếu tố cốt lõi: chính sách hỗ trợ thực tế và thay đổi nhận thức xã hội.
"Về chính sách, cần phải có hỗ trợ tài chính, phúc lợi cho các gia đình sinh con, như trợ cấp sinh con, đặc biệt là sinh con thứ hai, giảm thuế cho gia đình có con nhỏ. Hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ vay mua nhà ưu đãi cho gia đình có con nhỏ", ông Phương nói.
GS Nguyễn Thiện Nhân nhận định rằng, nếu muốn khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con, trước tiên phải đảm bảo họ có đủ điều kiện kinh tế để nuôi con. Khảo sát tại TP.HCM cho thấy, một gia đình có hai con cần thu nhập tối thiểu 20-21 triệu đồng/tháng để duy trì cuộc sống. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi người lao động cần có mức lương từ 10 triệu đồng/tháng trở lên.
Trong khi đó, mức lương tối thiểu vùng I hiện nay chỉ khoảng 4,96 triệu đồng – quá thấp so với nhu cầu thực tế. "Muốn đảm bảo mức sinh, tiền lương phải tăng gấp đôi để người dân có đủ nguồn lực nuôi con. Nếu không đủ, họ sẽ không sinh con", ông Nhân nói.
Ngoài hỗ trợ tài chính, cần cải thiện chính sách thai sản và chăm sóc trẻ như tăng thời gian nghỉ thai sản cho cả bố và mẹ. Phát triển hệ thống nhà trẻ chất lượng cao. Cải cách hệ thống giáo dục, về học hành, thi cử để giảm áp lực cho cha mẹ và học sinh, học hành thi cử. Thay đổi chính sách lao động để hỗ trợ cha mẹ nuôi con như mô hình làm việc linh hoạt, làm việc từ xa..., khuyến khích doanh nghiệp bố trí nhà trẻ ngay tại nơi làm việc.
Đặc biệt, cần phải thay đổi nhận thức xã hội để khuyến khích sinh con, xóa bỏ tâm lý sợ sinh con. Thay đổi tư duy vai trò của nam giới, để việc nuôi dạy con cái là trách nhiệm của cả hai vợ chồng, không thể "khoán trắng" cho người vợ, để giảm áp lực cho người phụ nữ.
Ngoài ra, cần định hướng giới trẻ về giá trị của gia đình và việc sinh con, để giới trẻ nhận thức việc sinh con là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi. Vì vậy, cần giáo dục giới tính và kỹ năng làm cha mẹ từ phổ thông để trẻ tư duy và có hành trang sẵn sàng bước vào hôn nhân gia đình.