Nỗi sợ thân mật có thể phá hủy mối quan hệ của các cặp đôi. Ảnh: Pexels. |
Theo WebMD, sự thân mật rất phức tạp. Nó có thể được thể hiện qua 4 kiểu:
- Về tình cảm: sự chia sẻ cảm xúc với nhau.
- Về trí tuệ: sự trao đổi những ý tưởng và suy nghĩ.
- Mối quan hệ thể chất: không chỉ có tình dục mà còn bao gồm sự tiếp xúc thể xác phi tình dục.
- Về trải nghiệm: sự sẻ chia các hoạt động với nhau.
Trên thực tế, những người mang nỗi sợ sự thân mật không cố tình từ chối tình yêu của người khác mà chỉ cư xử theo cách khiến mối quan hệ căng thẳng hơn. Điều này khiến các cặp đôi chưa kịp đi đến bước thân mật sâu sắc hơn đã phải kết thúc sớm.
Có nhiều lý do gây ra nỗi sợ hãi này. Nó có thể bắt nguồn từ sự thiệt thòi trong thời thơ ấu hoặc bị lạm dụng. Điều này khiến một người khó tin tưởng người khác.
Trong trường hợp khác, nỗi sợ này bắt nguồn từ rối loạn nhân cách như rối loạn nhân cách tránh né hoặc rối loạn nhân cách phân liệt. Người mắc phải các vấn đề này có lối suy nghĩ và hành vi khác với những gì xã hội mong đợi, khiến họ khó hình thành các mối quan hệ thân thiết.
Dấu hiệu của nỗi sợ thân mật
Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy bạn có thể mắc chứng sợ thân mật với người khác:
Phá hoại mối quan hệ
Người mắc chứng sợ thân mật có thể phá hoại mối quan hệ của họ với người khác như tránh duy trì quan hệ, rút khỏi xung đột hoặc hạn chế gần gũi về mặt tình cảm với người khác.
Bên cạnh đó, một số người có thể phản ứng gay gắt hơn trong một số tình huống và khiến đối tác của mình cảm giác tội lỗi.
Có nhiều mối quan hệ ngắn hạn
Một số người có thể cảm thấy mất hứng trong việc hẹn hò nên thường kết thúc mối quan hệ nhanh chóng, sau đó quen người mới. Tuy nhiên, điều này cũng ám chỉ họ có nhiều bạn nhưng không ai thực sự hiểu họ.
Người mắc chứng sợ thân mật có thể phá hoại mối quan hệ của họ với người khác. Ảnh: Pexels. |
Cầu toàn
Người cầu toàn có thể cảm thấy khó hình thành các mối quan hệ thân mật. Họ đòi hỏi rất nhiều ở bản thân và đôi khi ở người khác. Họ quan tâm đến việc người khác nhìn nhận mình như thế nào cũng như cảm thấy người yêu không đạt được kỳ vọng như mong đợi, từ đó dẫn đến sự xung đột và bực tức.
Cách đối phó với nỗi sợ thân mật
Việc duy trì các mối quan hệ không dễ dàng và nỗi sợ hãi sự thân mật có thể phổ biến hơn bạn tưởng. Một cuộc khảo sát cho biết khoảng 42% người được hỏi cho biết họ cảm thấy chán nản vì cô đơn. Do đó, để khắc phục nỗi sợ thân mật, bạn có thể thử các cách sau:
Tạo không gian an toàn
Người sợ thân mật cư xử theo hướng đẩy đối tác ra xa bằng cách sống khép mình hoặc bỏ chạy. Để giúp họ, bạn có thể tạo không gian và thời gian riêng, cố gắng không phản ứng lại bằng sự tức giận hoặc thất vọng mà hãy kiên nhẫn, giúp đỡ họ.
Đối mặt với cảm xúc
Nếu bạn đang có hội chứng sợ sự thân mật, hãy cố gắng đối mặt với nó. Lúc đầu, điều này sẽ khiến bạn cảm thấy không thoải mái, nhưng điều quan trọng là bắt đầu bày tỏ cảm xúc và nỗi sợ hãi của mình. Bạn nên nói ra những cảm xúc thay vì những điều bạn nghĩ mình nên nói.
Trái lại, ở vị trí là đối tác của người sợ thân mật, bạn cần nói chuyện tử tế, nhẹ nhàng với họ để giúp họ nhận thức rõ hơn về cảm xúc của mình.
Đối mặt với quá khứ
Cách quan trọng trong việc xây dựng các mối quan hệ thân thiết là nhìn lại mối quan hệ ban đầu của bạn với gia đình. Nghiên cứu chỉ ra những trải nghiệm thời thơ ấu với cha mẹ hoặc người chăm sóc có liên quan đến kỳ vọng và niềm tin của chúng ta về các mối quan hệ khi trưởng thành.
Nếu không nhìn nhận và đối mặt với quá khứ của mình, cuối cùng chúng ta sẽ lặp lại những điều như trước đây, dẫn đến nỗi sợ hãi.
Tìm cách trị liệu
Việc trị liệu sẽ giúp bạn hiểu được cảm xúc phía sau mỗi hành vi và hướng dẫn bạn cách giải quyết. Hiện nay, có nhiều loại liệu pháp hữu ích như tâm lý trị liệu, tư vấn hôn nhân và liệu pháp nhận thức.