Quả kiwi hay còn gọi là quả lý gai, ban đầu mọc dại ở Trung Quốc. Sau đó, kiwi du nhập vào New Zealand năm 1904, được đặt theo tên một loài chim của quốc gia này.
Theo tờ Times of India, quả kiwi đứng số một về hàm lượng dinh dưỡng so với 27 loại trái cây khác. Nó chứa gấp đôi lượng vitamin C so với cam, có chất dinh dưỡng gấp đôi so với táo (so sánh trên cùng 100 mg của từng loại trái cây). Chất dinh dưỡng trong kiwi còn giúp giảm huyết áp, chữa lành vết thương, duy trì sức khỏe đường ruột... Kiwi cũng nằm trong danh sách 15 loại thực phẩm sạch năm 2019 của Nhóm công tác môi trường Mỹ, được công nhận ít có khả năng chứa thuốc trừ sâu nhất.
Kiwi giúp làn da khỏe mạnh
Kiwi là nguồn cung cấp vitamin C, chất chống oxy hóa và chất xơ tốt. Chất chống oxy hóa bao gồm vitamin C, choline, lutein và zeaxanthin giúp loại bỏ các gốc tự do khỏi cơ thể. Gốc tự do là những phân tử không ổn định mà cơ thể tạo ra trong quá trình trao đổi chất và các quá trình khác. Nếu có quá nhiều gốc tự do tích tụ, chúng có thể gây ra căng thẳng oxy hóa, dẫn đến tổn thương tế bào, gây nên các vấn đề như bệnh tim hoặc ung thư.
Vitamin C trong kiwi góp phần sản xuất collagen, một thành phần quan trọng trong tế bào và các cơ quan trên khắp cơ thể, bao gồm cả da. Vitamin cũng giúp tăng khả năng chữa lành vết thương của cơ thể.
Một quả kiwi nặng 69 g cung cấp 64 mg vitamin C. Con số này chiếm 71-85% nhu cầu vitamin C hàng ngày của người lớn.
Quả kiwi cũng chứa vitamin E hoặc tocopherol. Đặc tính chống oxy hóa của vitamin E và khả năng giúp bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời có thể giúp ngăn ngừa các rối loạn về da.
Ngủ ngon hơn, hỗ trợ sức khỏe tim mạch
Lợi ích hỗ trợ giấc ngủ có thể xuất phát từ hàm lượng chất chống oxy hóa và serotonin trong quả kiwi. Loại quả này chứa chất xơ, kali và chất chống oxy hóa, tất cả đều có thể hỗ trợ sức khỏe tim mạch. Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) khuyến khích mọi người tăng lượng kali trong khi giảm tiêu thụ muối.
Kali làm thư giãn các mạch máu, giúp kiểm soát huyết áp và những người bị huyết áp thấp có xu hướng ít mắc bệnh tim mạch hơn. Một quả kiwi chứa khoảng 215 mg kali, hoặc gần 5% nhu cầu hàng ngày của người lớn.
Hàm lượng chất xơ của Kiwi cũng có thể có lợi cho sức khỏe tim mạch. Theo một nghiên cứu đăng tải trên Thư viện Y học Quốc gia Mỹ năm 2017 cho thấy những người tiêu thụ nhiều chất xơ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp hơn. Họ cũng có ít lipoprotein mật độ thấp (lipoprotein: một chất do chất béo (lipid) và chất đạm (protein) tạo thành) hoặc cholesterol xấu.
Một quả kiwi cung cấp khoảng 2 g chất xơ hoặc 6-9% nhu cầu hàng ngày của người lớn.
Ngăn ngừa ung thư
Viện Ung thư Quốc gia Mỹ lưu ý rằng lượng gốc tự do cao trong cơ thể có thể gây tổn hại cho DNA và dẫn đến nhiều loại ung thư.
Kiwi cung cấp một loạt chất chống oxy hóa giúp loại bỏ các gốc tự do khỏi cơ thể. Nhờ vậy, nó có thể giúp ngăn ngừa ung thư. Ngoài ra, nghiên cứu năm 2015 đăng tải trên Thư viện Y học Quốc gia Mỹ đã chỉ ra rằng những người ăn nhiều chất xơ - đặc biệt là chất xơ từ trái cây và ngũ cốc ít có khả năng phát triển ung thư đại trực tràng hơn những người ăn ít chất xơ.
Phòng ngừa táo bón
Một nghiên cứu năm 2019 công bố trên Thư viện Y học Quốc gia Mỹ đã kết luận rằng khi những người khỏe mạnh ăn kiwi, ruột non của họ có khả năng giữ nước tốt hơn, dẫn đến tần suất đi đại tiện cao hơn và độ đặc của phân mềm hơn.
Các tác giả nghiên cứu cho rằng quả kiwi có thể là sự thay thế tự nhiên cho thuốc nhuận tràng cho những người bị táo bón nhẹ.
Chống viêm
Kiwellin và kissper là các protein trong quả Kiwi có thể có đặc tính chống viêm.
Tốt cho phụ nữ mang thai
Quả Kiwi chứa folate, rất cần thiết cho quá trình phân chia tế bào. Khi mang thai, các bác sĩ khuyên phụ nữ nên bổ sung folate vì nó có thể bảo vệ thai nhi khỏi các vấn đề về phát triển, chẳng hạn như dị tật ống thần kinh.
Một quả kiwi cung cấp khoảng 17,2 microgam (mcg) folate hoặc hơn 4% nhu cầu hàng ngày của người lớn.
Tốt cho sức khỏe xương
Kiwi chứa vitamin K và một lượng nhỏ canxi, phốt pho, tất cả đều góp phần vào sức khỏe của xương. Hấp thụ đủ vitamin K có thể giúp ngăn ngừa loãng xương. Vitamin K cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình đông máu.
Một quả kiwi cung cấp 23-30% nhu cầu vitamin hàng ngày của người lớn.
Nguy cơ sức khỏe của quả Kiwi
Một số chất dinh dưỡng trong kiwi có thể tương tác với thuốc hoặc gây ra các tác dụng phụ khác.
- Thuốc chẹn beta: Các bác sĩ thường kê toa những loại thuốc này cho những người mắc bệnh tim. Thuốc chẹn beta có thể làm nồng độ kali tăng trong máu, vì vậy những người dùng loại thuốc này nên theo dõi lượng kali nạp vào.
- Vấn đề về thận: Tiêu thụ quá nhiều kali cũng có thể gây hại cho những người có thận không hoạt động bình thường. Nếu thận không thể loại bỏ lượng kali dư thừa ra khỏi máu, các biến chứng đe dọa tính mạng có thể phát sinh.
- Chất làm loãng máu: Những người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch có thể dùng thuốc làm loãng máu, chẳng hạn như warfarin (Coumadin). Kiwi chứa một lượng vitamin K đáng kể, có thể cản trở hoạt động của chất làm loãng máu. Bất cứ ai sử dụng các loại thuốc này nên kiểm tra với bác sĩ trước khi tăng lượng thức ăn có chứa vitamin K.
- Dị ứng: Một số người gặp phản ứng dị ứng với kiwi. Bất cứ ai bị nổi mề đay, phát ban hoặc sưng tấy sau khi ăn kiwi nên đi khám. Phản ứng nghiêm trọng có thể dẫn đến sốc phản vệ, có thể đe dọa tính mạng.
Hằng Trần (Theo Medical News Today)