Lý do các thương hiệu xa xỉ luôn săn đón các nghệ sĩ Hàn Quốc: Lợi nhuận khủng, sức ảnh hưởng mạnh

Ngành công nghiệp thời trang chỉ ra rằng, văn hóa K-Pop có ảnh hưởng đặc biệt ở Bắc Mỹ và Trung Quốc - 2 trục chính của thị trường hàng xa xỉ.

Mới đây, thương hiệu thời trang cao cấp Burberry của Anh đã chọn cầu thủ bóng đá Son Heung Min làm đại sứ toàn cầu mới. Nhãn hàng cho biết Son Heung Min hoàn toàn phù hợp với niềm tin của Burberry về việc "khám phá những khả năng mới" và "nâng cao sức mạnh của trí tưởng tượng".

Cùng ngày, thương hiệu cao cấp Chanel cũng thực hiện cuộc trò chuyện với đại sứ G-Dragon mang tên "Chanel Connects". Được biết, đây là lần đầu tiên Chanel thực hiện talkshow bằng tiếng Hàn chứ không phải tiếng Anh hay Pháp. Ngoài G-Dragon, Chanel còn bổ nhiệm Jennie (BLACKPINK) và nữ diễn viên Kim Go Eun làm đại sứ thương hiệu.

Có thể thấy, đại sứ do thương hiệu lựa chọn không chỉ là người mẫu quảng cáo để bán sản phẩm mà còn mang vẻ đẹp và hơi thở của nhà mốt, bảo vệ bản sắc và giá trị độc đáo của thương hiệu. Họ thường đăng tải hình ảnh sử dụng sản phẩm 1 cách tự nhiên lên SNS, tham gia chiến dịch quảng cáo, buổi trình diễn thời trang, chụp photoshoot,... 

Sở dĩ các thương hiệu cao cấp thế giới săn đón và ưu ái nghệ sĩ Hàn Quốc bởi lợi nhuận khủng mà họ tạo ra. Ngành công nghiệp thời trang chỉ ra rằng, văn hóa K-Pop có ảnh hưởng đặc biệt ở Bắc Mỹ và Trung Quốc - 2 trục chính của thị trường hàng xa xỉ. Đồng thời, ảnh hưởng của nghệ sĩ Hàn Quốc trên MXH cũng rất lớn. Khi Louis Vuitton bổ nhiệm BTS làm đại sứ thương hiệu vào tháng 4/2021, các show thời trang thu-đông của nhãn hàng đã thu hút được rất nhiều sự chú ý, ước tính lợi nhuận lên đến hàng triệu USD.

1 quan chức trong ngành cho biết: "5 năm trước, các đại sứ của thương hiệu cao cấp sẽ ở tầm cỡ của G-Dragon. Nhưng gần đây văn hóa K-Pop đã trở thành chủ đề được chú ý trên toàn thế giới. Các ngôi sao Hàn Quốc có gu thời trang tốt không thua kém gì phương Tây".