Vụ ngộ độc Pate Minh Chay: 6 bệnh nhân tại các tỉnh phía Nam được dùng thuốc giải độc botulinum

10 lọ thuốc giải độc botulinum được WHO tài trợ do Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận đã được điều phối để sử dụng cho 6 bệnh nhân tại khu vực phía Nam.
Liên quan đến vụ ngộ độc Pate Minh Chay, sau khi nhận được 10 lọ thuốc giải độc botulinum do WHO tài trợ khẩn cấp đưa từ Thụy Sĩ về, Bệnh viện Bạch Mai làm đầu mối tiếp nhận số thuốc trên và điều phối tới các bệnh viện khác trong cả nước.
 
Ngày 13/9, Bệnh viện Bạch Mai đã hội chẩn các bệnh viện nhằm điều phối thuốc. Bệnh viện quyết định điều phố 6 lọ thuốc giải độc botulinum cho 6 bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện Chợ Rẫy, Nhân dân 115, Nhiệt đới TP HCM, Khánh Hòa và Đồng Nai. Đây đều là các bệnh nhân phải thở máy dài ngày, ngộ độc sau khi ăn pate Minh Chay đã lâu. 4 lọ thuốc còn lại được Bệnh viện Bạch Mai dự trù cho các bệnh nhân sắp tới.
 
Ngộ độc Pate Minh Chay Ai được dùng thuốc giải độc botulinum
Thuốc giải độc botulinum do WHO tài trợ

Về công dụng của thuốc giải độc botulinum, theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, thuốc giải độc botulinum có tác dụng ngay trong tuần đầu tiên nhiễm độc.

Tuy nhiên các bệnh nhân vụ ngộ độc Pate Minh Chay đều đã cầm cự thời gian dài nên thuốc hiện chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị, giảm thời gian thở máy, rút ngắn thời gian điều trị, không còn hiệu quả giải độc.
 
Việt Nam chưa từng ghi nhận ca ngộ độc botulinum, đây là loại ngộ độc hiếm gặp do vậy không dự trữ thuốc giải độc hay huyết thanh kháng độc. Hiện các thuốc giải độc có trong nước do WHO tài trợ.
 
Đến nay, ghi nhận 16 bệnh nhân ngộ độc botulinum sau ăn pate Minh Chay nhập viện điều trị tại các tỉnh thành như Hà Nội, TP HCM, Khánh Hòa, Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Quảng Nam.

Hầu hết họ đều tình trạng nặng, liệt cơ, suy hô hấp, phải thở máy dài ngày. Hiện một số ca điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy qua giai đoạn nguy kịch, được đưa về bệnh viện địa phương điều trị tiếp, như hai ca ở bệnh viện Đồng Nai, hai ca ở bệnh viện Khánh Hòa...
 
Trong số bệnh nhân, chỉ hai người điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai là được dùng thuốc giải độc botulinum từ cuối tháng 8. Khi ấy, các bác sĩ Bạch Mai được Bộ Y tế và WHO hỗ trợ mua thuốc giải độc từ Thái Lan với giá 8.000 USD một lọ. Hiện sức khỏe hai bệnh nhân này đã cải thiện, song vẫn cần thêm nhiều tháng để phục hồi hoàn toàn.
 
14 bệnh nhân khác được điều trị bằng phương pháp thay huyết tương, lọc máu, thở máy, tăng cường dinh dưỡng, bổ sung vitamin nhóm B, tập vật lý trị liệu, tiến độ hồi phục chậm. Tại Quảng Nam có hai trường hợp ngộ độc dạng nhẹ với biểu hiện yếu liệt cơ đã được cho xuất viện.
 
Trước đó, ngày 19/8 Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 2 ca đầu tiên ngộ độc botulinum sau ăn pate Minh Chay. Ngày 29/8 Cục An toàn Thực phẩm phát cảnh báo khẩn về việc phát hiện pate Minh Chay nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum gây ngộ độc cho người ăn. Cơ quan chức năng yêu cầu thu hồi pate Minh Chay và các sản phẩm cùng nhà sản xuất. Hai ca bệnh này cao tuổi ngộ độc nặng dù đã được dùng thuốc giải độc từ cuối tháng 8 nhưng đến nay người chồng vẫn phải thở máy.
 
Botulinum là độc tố thần kinh cực mạnh sinh ra từ vi khuẩn kỵ khí Clostridium botulinum trong môi trường đóng kín không có không khí như đồ hộp, thức ăn được đựng trong túi hút chân không...
 
[presscloud]http://media.tuoitrexahoi.vn/upload/video/2020/08/31/bo-y-te-thong-bao-pate-minh-chay-chua-chat-doc-nguy-hiem_31082020100447.mp4[/presscloud]
Bộ Y tế thông báo pate Minh Chay chứa chất độc nguy hiểm. Video: VTC14
 
 
Theo Hà Ly/SKCĐ