Chắp cánh ước mơ cho học sinh nghèo
Người đàn ông “hai lúa” Trần Văn Giàu (56 tuổi) không chỉ nổi tiếng với bà con khu vực Thới Trinh B (phường Thới An, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ) mà nhiều người dân lân cận và kiều bào biết đến nhờ tấm lòng chân thành của ông dành cho học sinh nghèo ở địa phương. Lúc nào tìm đến cũng thấy ông Giàu đang hì hục tút tát, gia công lại những chiếc xe đạp cũ để dành tặng cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Tính đến nay, ông Giàu đã có thâm niên 30 năm làm nghề sửa xe và hơn 8 năm theo nghiệp “phục chế” xe đạp cũ.
Qua tìm hiểu, ông Giàu bắt đầu công việc thầm lặng giúp đỡ những học sinh nghèo kể từ năm 2012. Tính đến nay, người đàn ông U60 đã tân trang được gần 80 chiếc xe đạp tặng những đứa trẻ ở địa phương. Ông bộc bạch: “Thời tiết khắc nghiệt khi nắng chang chang, lúc lại mưa to như trút mà tụi nhỏ phải đi bộ mấy cây số mới tới trường. Nếu có được chiếc xe đạp thì tụi nhỏ đi lại bớt khổ, cũng yên tâm mà học hành hơn”. Ngày trước, còn có một mạnh thường quân cùng xóm hỗ trợ kinh phí để mua xe phế liệu về sửa; đến khi người này mất chỉ còn ông Giàu một thân một mình tiếp tục làm.
Mấy ngày trước, ông Giàu không giấu nổi niềm vui khi lên ngân hàng nhận 30 triệu đồng từ một mạnh thường quân gửi về để ông cùng anh em địa phương mua xe cấp cứu từ thiện. Người này là Việt kiều Mỹ, chưa gặp ông Giàu bao giờ mà chỉ tình cờ biết ông qua những câu chuyệngiúp đỡ học sinh nghèo tới trường được chia sẻ. Mỗi năm ông Giàu tặng quà cho các học sinh một lần, mỗi lần khoảng hơn 10 chiếc xe đạp. Các em học sinh được nhận chủ yếu đang theo học tại Trường THCS Nguyễn Trãi (phường Thới An). Gia đình không khá giả, chỉ đủ ăn đủ mặc nhưng ông Giàu cho biết, ông theo “nghiệp” này vì cái tâm. “Mình thương tụi nhỏ thì mình làm thôi, có nhiều làm nhiều mà có ít thì làm ít. Có xe chạy, tụi nhỏ không phải đi bộ nữa, tới trường cũng thuận tiện hơn. Phần nào, mình cũng đã tạo động lực, hun đúc tinh thần để tụi nhỏ hang say học tập, sau này thành tài có thể giúp đỡ quê hương”, ông Giàu chia sẻ.
“Không giàu tiền, giàu bạc nhưng giàu tình thương”
Mỗi ngày sửa xe kiếm được khoảng 200 ngàn, ông lại lặng lẽ bỏ vài chục vào ống để dành mua phụ tùng xe đạp cho tụi nhỏ. “Nhìn tụi nhỏ có xe đi học, tui mừng lắm. Mình già rồi, chỉ biết giúp vậy thôi”, ông Giàu nói. Biết được việc làm của ông Giàu, nhiều vựa ve chai không lấy tiền mà luôn chiếc xe đạp cũ, thậm chí còn thuê luôn xe ba gác chở tới tận nhà. Là một trong những học sinh may mắn được ông Giàu tặng xe đạp từ năm 2013, em Tô Ngọc Thảo giờ đã là cô nàng sinh viên năm 3 ngành Luật Trường Đại học Cần Thơ nhưng vẫn không khỏi xúc động và cảm kích trước tấm lòng của ông.
Thảo nhở lại, trước đây gia đình em rất khó khăn. Bố mẹ làm thuê làm mướn mới đủ ăn nên làm gì có tiền mua xe. Ngày nào Thảo cũng đi bộ 5 cây số tới trường, hôm nào may mắn gặp bạn thì quá giang được đoạn. Nghĩ đến năm cuối cấp 2, em càng thêm lo lắng vì học thêm học nếm, ôn thi chuyển cấp mà không có xe để đi. Đến đầu năm lớp 10, Thảo vô cùng hạnh phúc khi được ông Giàu tặng cho một chiếc xe đạp. Từ đó, việc đi học của em dễ dàng hơn. Khi hỏi về dự tính trong tương lai, em mong bản thân ra trường tìm được việc làm để phụ giúp ông Giàu một phần kinh phí, tiếp tục giúp đỡ và chắp cánh ước mơ cho những học sinh nghèo trên quê hương.
Không chỉ tặng xe đạp cho học sinh, ông Giàu còn sẵn sàng tặng xe cho cả những người khó khăn, giúp họ có phương tiện mưu sinh, cải thiện cuộc sống. Ông Võ Văn Vĩnh (60 tuổi, ngụ phường Thới An) cho biết: “Tui bán vé số đã 8 năm, nhà nghèo không có điều kiện mua xe nên toàn đi bộ. Năm trước, ông Giàu tặng tui chiếc xe nên việc đi lại thuận tiện hơn, tiền lời cũng khá hơn. Gia đình tui rất cảm ơn ông”. Nhiều người biết việc làm của ông Giàu nên tìm đến ủng hộ phụ tùng nhiều loại, mong muốn có thể góp phần cùng ông cho ra đời những chiếc xe đạp “tình người”.
Nhiều khi rảnh rỗ, ông Giàu còn đi tìm cây, lá để cung ứng cho các phòng khám miễn phí chế biến thuốc Nam ở địa phương. Cứ ai cần ông cũng giúp hết, nhiều khi còn bỏ cả công việc nhà mình đi theo đoàn từ thiện chặt thuốc Nam ở tận TP Châu Đốc, tỉnh An Giang mấy ngày mới về. Biết được ở đâu có thiên tai, ông đều tìm đến tận nơi để giúp đỡ công sức và tiền bạc. Ông còn cùng anh em địa phương bỏ công đi vá đường, xây cầu nông thông, góp phần cùng người dân và chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới.
Nhiều người nói rằng, ba mẹ đặt tên ông là Giàu không đúng với đời sống vật chất mà chuẩn với đời sống tinh thần của ông. Tên của ông hợp với cốt cách và tấm lòng nhân hậu, hợp với cái nghĩa ở đời. Đến cả ông Giàu cũng khẳng định: “Tui tên Giàu nhưng không phải là giàu tiền, giàu bạc. Tui chỉ giàu tấm lòng thương yêu người nghèo thôi”. Câu nói đơn giản, mộc mạc của người đàn ông khắc khổ, hiền lành mang theo bao ý nghĩa nhân văn đáng trân trọng và học hỏi.
Thùy Nguyễn (t/h)