Nhân sự ngoại ghen tị vì dân công sở Việt ăn trưa xong là... ngủ

"Trong giờ nghỉ trưa, tôi hỏi đồng nghiệp sẽ làm gì trong 30 phút tới. Họ bảo tôi hãy đi ngủ đi. Tôi bất ngờ vì làm sao có thể ngủ tại phòng làm việc có quá nhiều người", Connor Purdum nói.

"Chưa từng thấy cảnh cả phòng tắt đèn, đi ngủ"

Chưa kịp "hoàn hồn", Connor Purdum (giáo viên, quốc tịch Mỹ) còn ngạc nhiên hơn khi phòng làm việc bỗng dưng tắt hết đèn. Nhìn thấy đồng nghiệp tất thảy đã ngả lưng, Connor vội vã đi tìm một phòng làm việc khác có ít người, rồi cũng… bắt chước chợp mắt.

Vào ngày đầu tiên đi làm, nam giáo viên không khỏi lạ lẫm khi thấy đồng nghiệp thu dọn đồ đạc và đồng loạt đi ngủ sau bữa cơm trưa.

Nhân sự ngoại ghen tị vì dân công sở Việt ăn trưa xong là... ngủ - 1

Người nước ngoài không khỏi lạ lẫm khi thấy người Việt ngủ trưa vào giờ nghỉ (Ảnh minh họa: M.X.H.).

Đến Việt Nam sinh sống và làm việc đã được 2 năm, Connor luôn cảm thấy thú vị với những nét văn hóa khác biệt tại Việt Nam. Theo Connor, tại Mỹ, nhân viên văn phòng không ngủ trưa vào giờ nghỉ. Họ sẽ ăn trưa, sau đó nói chuyện với những đồng nghiệp khác hoặc dành thời gian chuẩn bị cho công việc sắp tới vào buổi chiều.

Trong 5 năm làm việc tại Việt Nam, Brandon Lawrence (diễn viên tự do, quốc tịch Mỹ) vẫn vô cùng ngạc nhiên khi biết người Việt sẽ ngủ trưa trong giờ nghỉ. Brandon cho biết, tại đất nước của anh, ngủ trưa không phải là văn hóa làm việc của dân văn phòng hoặc một số ngành nghề khác.

"Những nơi duy nhất đóng cửa ăn trưa là văn phòng Chính phủ và ngân hàng. Thậm chí họ chỉ đóng cửa tạm ngưng làm việc nhưng hiếm khi nằm ngủ trưa ngay tại chỗ làm", Brandon chia sẻ.

Nhân sự ngoại ghen tị vì dân công sở Việt ăn trưa xong là... ngủ - 2

Không ít người nước ngoài đồng tình rằng, giấc ngủ trưa là cần thiết và bắt đầu... học theo người Việt (Ảnh minh họa: M.X.H.).

Ban đầu, nam diễn viên thấy lạ nhưng sau đó chợt nhớ ra bản thân đang ở Việt Nam. Không chỉ riêng giấc ngủ trưa, dân công sở Việt có nhiều thói quen khác nữa khiến Brandon phải học cách làm quen dần.

"Đôi lúc, tôi có nhiều kỷ niệm khá hài hước với 'giấc ngủ trưa' của người Việt. Bản thân tôi thích lái xe đến một cửa hàng rất xa cơ quan để mua đồ ăn trưa. Nhưng lúc nào tôi cũng phải tranh thủ 'phóng' thật nhanh vì nếu không các đồng nghiệp sẽ đóng cửa để đi ngủ mất", Brandon cười, nói.

Theo Brandon anh không ngủ vào ban ngày vì cảm thấy không quen. Thông thường, cơ thể chàng trai người Mỹ chỉ cảm thấy mệt mỏi, muốn rơi vào giấc ngủ khi bị ốm. Vậy nên, trong giờ nghỉ trưa, Brandon thường tranh thủ thời gian để ăn và học tiếng Việt.

Ngủ trưa giữa giờ hữu ích với người lao động

Connor Purdum kể về thời gian từng làm tại Trung Quốc. Tại đây, ở một số cơ quan cũng có nhân viên chợp mắt vào giờ nghỉ trưa. Thời điểm đó, trong giờ nghỉ trưa, Connor cũng cố gắng ngủ một giấc và cảm thấy điều đó rất thú vị.

"Tôi nghĩ nó là một hiện tượng văn hóa thật sự thú vị và cần thiết. Thỉnh thoảng, tôi không cho phép bản thân mình ngủ trưa để hoàn thành công việc và cũng không thể ngủ vào giờ nghỉ. Tôi vẫn cảm thấy khá ghen tị với người Việt khi nhân viên có thể ngủ trưa và trở nên tỉnh táo trong buổi chiều", Connor cho hay.

Đối với Brandon, Việt Nam có văn hóa xe máy và "đặc sản" nóng bức. Việc đi làm vào buổi sáng và buổi chiều có thể khiến nhân viên cảm thấy mệt mỏi, dễ đổ mồ hôi. "Vì vậy, có nhiều trường hợp cần phải ngủ trưa", Brandon nói.

Nhân sự ngoại ghen tị vì dân công sở Việt ăn trưa xong là... ngủ - 3

Giấc ngủ trưa là điều quan trọng giúp dân văn phòng trở nên tỉnh táo hơn trong ca làm việc buổi chiều (Ảnh: FPT).

Thực tế, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Sleep của Đại học Pennsylvania và Đại học California, Irvine (Mỹ) đã công nhận tầm quan trọng của giấc ngủ ngắn (take a nap). Cụ thể, nghiên cứu này được thực hiện trên 3.000 học sinh (có độ tuổi từ 10-12). Theo đó, những học sinh được ngủ trưa thường có tâm trạng tốt, khả năng tự kiểm soát và IQ cao hơn.

Ngoài ra, nhà nghiên cứu về giấc ngủ của Đại học California, Irvine bà Sara Mednick cũng cho rằng, nhiều nghiên cứu ở mọi lứa tuổi đã chứng minh, giấc ngủ ngắn có thể cho thấy mức độ cải thiện tương tự như giấc ngủ trọn vẹn.

Theo bác sĩ đa khoa Huỳnh Tuấn Kiệt - Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Hưng (tỉnh Long An), giấc ngủ trưa là cần thiết để cải thiện tình trạng sức khỏe, đặc biệt đối với những người phải làm việc liên tục trong ngày.

"Bác sĩ khi khám bệnh đều tư vấn cho bệnh nhân nên ngủ trưa từ 15-30 phút. Đối với nhân viên văn phòng, giấc ngủ trưa rất tốt cho sức khỏe, giúp họ luôn tỉnh táo, minh mẫn và ngăn ngừa nguy cơ stress. Thời gian nghỉ trưa ngắn nên người lao động ít khả năng đi vào giấc ngủ sâu khiến cơ thể mệt mỏi, lờ đờ khi tỉnh dậy", bác sĩ nói.

Nhân sự ngoại ghen tị vì dân công sở Việt ăn trưa xong là... ngủ - 4

Bác sĩ Huỳnh Tuấn Kiệt cho biết, giấc ngủ trưa giúp ích rất nhiều cho con người ở mọi lứa tuổi (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Bên cạnh đó, mắt là một bộ phận quan trọng của cơ thể, cần phải hoạt động liên tục trong quá trình làm việc và học tập. Khi tập trung vào một công việc nào đó hoặc sử dụng máy tính thường xuyên, mắt sẽ dễ mỏi và đau.

"Nếu mắt phải làm việc liên tục mà không có nghỉ ngơi, áp lực lên nhãn cầu và võng mạc sẽ gây ảnh hưởng đến thị lực, khả năng dẫn đến các tật khúc xạ. Vậy nên, ngủ trưa sẽ giúp giảm áp lực và thư giãn cho mắt", vị bác sĩ giải thích.

Đồng thời, giấc ngủ trưa có thể phòng ngừa bệnh tim mạch, cải thiện năng suất làm việc, khả năng phản ứng nhanh và hỗ trợ trí nhớ tốt hơn.

"Bình thường tim phải làm việc thật hiệu quả để đưa máu đến tất cả các bộ phận trong cơ thể, đặc biệt là não và tứ chi. Trong khi đó, khi ngủ, tim chỉ cần vận động ở mức vừa phải để duy trì quá trình trao đổi chất của cơ thể và thư giãn. Từ đó, việc có thói quen ngủ trưa đúng cách, với thời gian vừa phải sẽ đem lại nhiều lợi ích cho tinh thần và thể chất", bác sĩ Kiệt khẳng định.