Nhiều cựu VĐV Thể dục dụng cụ lên tiếng bị "thu phế" tiền thưởng huy chương

Sau những tiết lộ của VĐV Phạm Như Phương về việc phải nộp 10% tiền thưởng huy chương, bị buộc chia tiền thưởng nóng cho HLV, nhiều cựu VĐV Thể dục dụng cụ quốc gia đã lên tiếng.

Tiền thưởng cho bất kỳ tấm huy chương nào đều phải nộp lại 10% cho huấn luyện viên (HLV), tiền thưởng nóng của doanh nghiệp trao tặng vận động viên (VĐV) bị "cắt phế" 50%, hay hàng tháng đều phải nộp "quỹ lạ" cho HLV, đó là những tiết lộ gây sốc mà VĐV Phạm Như Phương (nữ VĐV tài năng của thể dục dụng cụ (TDDC) Việt Nam, người vừa tuyên bố giải nghệ vì bị xử ép gạch tên khỏi đội tuyển quốc gia) đã được báo Dân trí đề cập.

co-them-van-dong-vien-len-tieng-ve-nhung-uat-uc-o-doi-tuyen-tddc-quoc-gia-video-minh-quang-1705373616.mp4

Có thêm vận động viên lên tiếng về những uất ức ở đội tuyển TDDC quốc gia (Video: Minh Quang).

Đáng chú ý, chỉ sau ít tiếng thông tin trên được đăng tải, báo Dân trí đã nhận được thêm nhiều tố cáo từ các cựu vận động viên (VĐV) của đội tuyển TDDC quốc gia.

Người đầu tiên lên tiếng là Lâm Như Quỳnh - cựu thành viên của đội tuyển TDDC quốc gia và cũng là người đã phải làm đơn xin giải nghệ vào năm 2023 vì không chịu nổi cảnh bóc lột sức lao động trong gần 10 năm tập luyện và thi đấu.

"Tôi là Lâm Như Quỳnh, từng là thành viên trong đội tuyển TDDC quốc gia giành được HCB nội dung đồng đội ở SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam năm 2022. Cũng giống như chị Phương, tôi cũng từng phải nộp lại 10% tiền thưởng huy chương hoặc chia lại tiền thưởng nóng cho HLV của mình", cựu VĐV đội tuyển nữ TDDC quốc gia chia sẻ với phóng viên Dân trí.

Nhiều cựu VĐV Thể dục dụng cụ lên tiếng bị thu phế tiền thưởng huy chương - 1

Lâm Như Quỳnh, một trong các VĐV đội tuyển thể dục dụng cụ góp công giành tấm HCB nội dung đồng đội ở SEA Games 31, đã phải xin giải nghệ hồi năm ngoái vì sợ bị HLV đánh đập (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Lâm Như Quỳnh là VĐV sinh năm 2006, một trong những tài năng trẻ góp công lớn cho đội tuyển TDDC Việt Nam giành được tấm HCB ở nội dung đồng đội tại SEA Games 31 diễn ra ở Việt Nam hồi năm 2022.

Đó là nội dung mà Như Quỳnh và Như Phương cùng nhau nỗ lực để giành được vinh quang và cùng bị HLV "thu phế" tiền thưởng huy chương theo như lời kể của cô với phóng viên Dân trí.

"Cũng như chị Như Phương, tôi cũng phải nộp 10% tiền thưởng huy chương và cũng phải nộp 50% tiền thưởng nóng mà nhà tài trợ trao tặng cho HLV của mình. Ngoài ra, mỗi tháng tôi và các đồng đội của mình đều phải đóng quỹ cho HLV với số tiền 505.000 đồng.

Trước năm 2019 thì HLV của tôi chỉ thu quỹ mỗi tháng 300.000 đồng, nhưng sau đó thì tăng lên 505.000 đồng", Lâm Như Quỳnh chia sẻ với phóng viên Dân trí.

Nhiều cựu VĐV Thể dục dụng cụ lên tiếng bị thu phế tiền thưởng huy chương - 2

VĐV Lâm Như Quỳnh khẳng định cô từng phải nộp 10% tiền thưởng huy chương, đóng quỹ hàng tháng cho HLV của mình khi còn tập luyện và thi đấu (Ảnh: Minh Quang).

Khi phóng viên Dân trí hỏi tại sao đội của VĐV Phạm Như Phương chỉ nộp quỹ 300.000 đồng/tháng mà đội của Như Quỳnh phải nộp số tiền 505.000 đồng, và tại sao không phải là số tiền chẵn 500.000 đồng mà lại lẻ ra thêm 5.000 đồng, nữ VĐV gốc Hà Thành cho biết: "Tôi cũng không hiểu sao HLV đội của tôi lại đưa ra con số 505.000 đồng, cũng không biết cô thu quỹ để làm gì.

Hồi trước HLV của tôi có bảo thu quỹ để mua băng cho chúng tôi tập luyện, nhưng thực tế cô chưa bao giờ mua mà chúng tôi toàn phải bỏ tiền túi ra để mua băng. Số tiền quỹ đội của tôi nộp cao hơn bên đội chị Phương có thể là do đội tôi ít người hơn nên phải nộp nhiều hơn".

"Tôi nhớ hồi đó, có thời gian chúng tôi cứ 3 tháng sẽ đóng quỹ một lần, nhưng sau SEA Games 31, HLV bắt tháng nào "đóng tươi" tháng đó, nhiều khi chúng tôi chưa nhận được lương cô cũng giục phải đóng quỹ rồi mà chúng tôi không biết quỹ cô thu để dùng vào mục đích gì", Như Quỳnh cho biết.

Như Quỳnh cho biết, cô bắt đầu bước vào bộ môn TDDC từ năm 7 tuổi, trải qua không biết bao nhiêu khó khăn vất vả, mồ hôi công sức tập luyện để chuẩn bị gặt hái vinh quang thì phải giải nghệ trong cay đắng.

Nhiều cựu VĐV Thể dục dụng cụ lên tiếng bị thu phế tiền thưởng huy chương - 3

Như Quỳnh cho biết cô thường xuyên bị cô giáo bạo hành tinh thần lẫn thể xác trên sân tập, đến mức cô sợ hãi quá phải xin giải nghệ khi mới 17 tuổi (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Không chỉ Lâm Như Quỳnh, tối ngày 15/1, một cựu VĐV đội tuyển TDDC quốc gia khác là L.T.A. (sinh năm 2003) cũng đã gặp gỡ phóng viên Dân trí để xác nhận việc cô cũng là người từng chịu cảnh bị thu phí 10% tiền thưởng huy chương, bị bắt phải ăn chia tiền thưởng nóng khi được các doanh nghiệp tài trợ như VĐV Phạm Như Phương đã lên tiếng tố cáo.

"Tôi từng là đồng đội với VĐV Phạm Như Phương ở đội tuyển TDDC quốc gia và đã phải giải nghệ vào năm 2022 do gặp chấn thương trong khi thi đấu. Bạn Phương 7 tuổi mới bước vào nghề, còn tôi bước vào bộ môn TDDC này từ khi còn 4 tuổi", VĐV L.T.A. cho biết.

Theo L.T.A., trong hơn 15 năm theo đuổi sự nghiệp, cô không giành được những thành tích quốc tế như Phạm Như Phương nhưng cũng sở hữu không ít huy chương vàng, huy chương bạc ở các giải vô địch TDDC của quốc gia.

Hồi năm 2018, L.T.A. cùng với Phạm Như Phương trong đội tuyển TDDC Hà Nội đã giành được HCV ở nội dung đồng đội Đại hội TDDC lần thứ 8 năm 2018 diễn ra tại Hà Nội.

Nhiều cựu VĐV Thể dục dụng cụ lên tiếng bị thu phế tiền thưởng huy chương - 4

Cựu VĐV đội tuyển TDDC quốc gia L.T.A. rơi nước mắt khi nhớ lại 15 năm theo đuổi sự nghiệp, bị ăn chặn tiền thưởng huy chương và giải nghệ trong cay đắng (Ảnh: Minh Quang).

"Và mỗi tấm huy chương tôi giành được, tôi đều phải nộp lại 10% tiền thưởng cho HLV. Nếu có tiền thưởng nóng, tôi cũng phải nộp cho HLV 30%, còn tôi được hưởng 70%", cựu VĐV TDDC sinh năm 2003 khẳng định.

Đặc biệt, nói về việc phải giải nghệ vào năm 2022, thời điểm mà L.T. A chỉ mới 18 tuổi, VĐV này cho biết: "Tôi gặp chấn thương nặng và sau đó không thể hồi phục để lấy lại phong độ đỉnh cao".

"Lẽ ra tôi không định lên tiếng việc này, nhưng tôi đồng cảm với câu chuyện của bạn Phương, nên muốn chia sẻ để những bạn đã và đang cống hiến ở môn TDDC được trả lại sự công bằng", L.T.A chia sẻ lý do lên tiếng.

Đáng chú ý, sau khi giải nghệ ở tuổi 18, cựu VĐV đội tuyển TDDC quốc gia không thể tìm được công việc nào đúng với chuyên môn và hiện phải làm nhân viên phục vụ ở một quán billiards của người quen để mưu sinh.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc này đến độc giả.

Theo Nghị định 152/2018/NĐ-CP, huấn luyện viên trực tiếp đào tạo VĐV lập thành tích tại các đại hội sẽ được hưởng tiền thưởng tương ứng theo quy định như sau:

HLV trực tiếp đào tạo VĐV lập thành tích trong các giải thi đấu thể thao quốc tế có nội dung thi đấu cá nhân thì được hưởng mức thưởng chung bằng mức thưởng đối với VĐV.

HLV trực tiếp đào tạo đội tuyển thi đấu lập thành tích trong các giải thi đấu thể thao quốc tế có môn hoặc nội dung thi đấu tập thể thì được hưởng mức thưởng chung bằng mức thưởng đối với VĐV đạt giải nhân với số lượng HLV, theo quy định như sau: 

- Dưới 4 VĐV tham gia thi đấu, mức thưởng chung tính cho 1 HLV. 

- Từ 4 đến 8 VĐV tham gia thi đấu, mức thưởng chung tính cho 2 HLV. 

- Từ 9 đến 12 VĐV tham gia thi đấu, mức thưởng chung tính cho 3 HLV. 

- Từ 13 đến 15 VĐV tham gia thi đấu, mức thưởng chung tính cho 4 HLV. 

- Trên 15 VĐV tham gia thi đấu, mức thưởng chung tính cho 5 HLV. 

Đồng thời, tỉ lệ phân chia tiền thưởng đối với các HLV được thực hiện theo nguyên tắc: HLV trực tiếp huấn luyện đội tuyển được hưởng 60%, HLV trực tiếp đào tạo VĐV ở cơ sở trước khi tham gia đội tuyển được hưởng 40%.

Thế Nam