Nguyễn Thảo Vân, lớp 12 Anh 1, trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, giành học bổng 365.000 USD (hơn 8,5 tỷ đồng) cho bốn năm từ Đại học Washington & Lee. Ngoài ra, em được trường hỗ trợ 7.000 USD nếu đi thực tập hoặc nghiên cứu vào mùa hè.
"Kết quả này như gỡ bỏ áp lực đồng trang lứa và nỗi căng thẳng dồn nén suốt thời gian làm hồ sơ du học", Vân nói, cho biết sẽ sang Mỹ vào tháng 8 tới, chính thức trở thành sinh viên đại học khai phóng xếp hạng 11 toàn nước Mỹ, theo US News.
Thảo Vân yêu thích văn hóa phương Tây do hay xem các bộ phim nước ngoài từ nhỏ. Từ năm lớp 2, em đã được làm quen với tiếng Anh và tham gia nhiều cuộc thi môn này. Nhưng chỉ đến khi Vân vào lớp 10, ước mơ du học mới thực sự mạnh mẽ.
"Em thấy được truyền cảm hứng và có động lực khi các anh, chị xung quanh đều dự định du học. Em cũng muốn thử thách mình, ép bản thân tự lớn, thay vì sống dựa vào bố mẹ", Vân nói.
Dự định du học song Vân chưa biết đi Mỹ hay Australia. Gia đình muốn em học ở Australia vì khí hậu ôn hòa, gần Việt Nam và nhiều người quen nhưng Vân cũng đắn đo vì các trường ở Mỹ cho học bổng hào phóng hơn. Dù học ở đâu, Vân hiểu mình đều phải "cày điểm trung bình học tập" (GPA) và có hoạt động ngoại khóa nổi bật.
Hè lớp 10, Vân cùng 7 người bạn bắt tay vào dự án đầu tiên có tên The Incredibles Project, dạy tiếng Anh cho học sinh từ tiểu học đến lớp 7, với mục đích cải thiện tiếng Anh cho các em, đồng thời có tiền ủng hộ quỹ vaccine Covid. Lớp học giữa thời điểm dịch bệnh căng thẳng diễn ra online, với học phí 50.000 đồng ba buổi mỗi tuần. Sau ba tháng hè, nhóm của Vân đã thu hút khoảng 200 học sinh theo học và nhận được 40 triệu đồng.
Ngoài ra, nữ sinh tận dụng kỳ nghỉ hè năm lớp 11 để dạy học cho các em nhỏ ở điểm trường Co Sung, Sơn La. Em và bạn bè còn đi bán bánh ngọt ở bờ Hồ mỗi tối, thu về 20 triệu đồng đóng góp xây thư viện cho điểm trường này.
Tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa nhưng Vân không lờ là việc học. Điểm GPA của em luôn đạt từ 9,6 đến 9,9, có chứng chỉ 8.5 IELTS và 1550/1600 SAT từ năm lớp 11.
Vì vẫn cân nhắc du học Australia, Vân cũng theo đuổi chương trình trung học của bang Nam Australia (SACEi), với lộ trình và các bài kiểm tra giống như các học sinh bản địa, từ lớp 10. Kết thúc một năm rưỡi, nữ sinh có bằng tốt nghiệp trung học của Australia với điểm ATAR (Australian Tertiary Admission Ranking - thứ hạng giữa các học sinh trong một kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông ở Australia) đạt 91,2/99,95.
Nữ sinh thừa nhận để theo được lịch trình dày đặc, em thường xuyên thức muộn và uống cà phê để tỉnh táo. Thời điểm bận rộn nhất là tháng 11 năm ngoái khi Vân vừa chuẩn bị thi cuối kỳ chương trình Nam Australia và trường Ams, vừa viết bài luận.
"Lúc đấy rất áp lực. Em nói với bố mẹ là mình không sao nhưng thực sự rất lo lắng", Vân nhớ lại.
Em chỉ có 7 ngày để hệ thống lại kiến thức bài thi của Australia, trong khi thông thường cần 1-2 tháng. Để ôn thi hai môn Kinh tế và Toán, Vân cắt mạng xã hội, không ngủ trưa, tranh thủ ăn nhanh sau khi về nhà để tập trung học.
Vân cho hay lớp em có 41 học sinh nhưng có tới 30 bạn nộp hồ sơ các trường ở Mỹ. Từ đầu năm học lớp 12, không khí chuẩn bị hồ sơ trong lớp diễn ra sôi nổi.
"Em cũng bị cuốn vào guồng viết luận. Lúc này em mới nghiêm túc tìm hiểu các trường ở Mỹ, thấy thích và phù hợp với mình. Em quyết định nộp sang Mỹ", Vân nói, cho biết các trường đại học Australia thường có hạn nộp bài luận muộn hơn, vào tháng 4, 5 năm sau.
Vân bắt đầu viết luận vào tháng 10, khi hạn cuối cùng của kỳ tuyển sinh sớm chỉ còn khoảng một tháng. Trong bài luận, em kể câu chuyện bản thân mắc chứng khó phân biệt màu sắc, dẫn dắt đến sự thay đổi cách nhìn thế giới xung quanh. Vân nhìn nhận cần hiểu mọi việc theo bản chất thay vì bị đánh lừa bởi những thứ hoa mỹ trên bề mặt.
"Để tìm được sự thật cần quá trình rất dài và mọi vấn đề đều cần góc nhìn đa chiều. Quá trình ấy cho thấy học và tìm hiểu là việc cả đời. Đó là chủ đề chính trong bài luận của em", Vân nói.
Quá trình ứng tuyển, Vân nói mình còn gặp áp lực đồng trang lứa. Học lớp chuyên Anh 1, nhìn bạn bè đầu tư làm hồ sơ, hoạt động ngoại khóa để nộp vào các trường hàng đầu, Vân rất sốt ruột. Sau mùa tuyển sinh sớm (ED1), nhiều bạn bè đã chắc chắn một lựa chọn, nhưng Vân chưa đỗ được trường nào ưng ý.
"Em cũng hơi nản và thật khó để giữ tâm lý vững vàng tiếp tục quá trình nộp hồ sơ", Vân nói.
Được bạn bè trong lớp động viên và giúp đỡ, Vân hoàn thiện hồ sơ và nộp kỳ ED2 vào tháng 1. Nữ sinh được Đại học Washington & Lee chấp nhận, cấp học bổng toàn phần Johnson Scholarship hồi tháng 3.
Là người hướng dẫn cho Vân, anh Nguyễn Ngọc Khương, chuyên viên tư vấn độc lập ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota, Mỹ, cho hay Đại học Washington & Lee có tỷ lệ đậu 19%. Mỗi năm, trường trao khoảng 44 học bổng Johnson cho sinh viên năm thứ nhất.
"Vân có điểm số gần như hoàn hảo và hồ sơ ngoại khóa rất mạnh. Bạn cũng chủ động, chịu khó tìm tòi thông tin trong quá trình làm hồ sơ đại học Mỹ. Vân hoàn toàn xứng đáng", anh Khương nói.
Cô Bùi Ánh Dương, chủ nhiệm lớp 12A1, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, cho hay Vân là một trong số ít học sinh xuất sắc ở tất cả môn học. Cô đánh giá ở Vân hội tụ sự kỷ luật, bản lĩnh và nghị lực mạnh mẽ.
Từ kinh nghiệm bản thân, Vân khuyên nếu có ý định du học, ứng viên cần xác định hướng đi từ sớm và tránh bị ảnh hưởng tâm lý từ người khác. Khi chọn trường, Vân cho rằng nên tìm hiểu kỹ, coi trọng sự phù hợp, thay vì chỉ quan tâm tới thứ hạng.
Vân hiện học thêm tiếng Trung và một số kỹ năng máy tính. Em dự định tham gia chương trình trao đổi sinh viên ở nước ngoài và nghiên cứu khoa học vào mùa hè này trước khi bay đến Mỹ.