Rộ tin biến thể COVID-19 mới độc hơn Delta 5 lần
Đọc được một tin nhắn cảnh báo về biến thể Covid-19 mới đặc biệt nguy hiểm được đăng trong nhóm Zalo của chung cư, bà Hoa (tên nhân vật đã được thay đổi), sống tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội nhắc ngay con cháu trong nhà phải đeo khẩu trang khi ra đường, không quên copy bài cảnh báo này để chia sẻ vào các nhóm cộng đồng khác mà mình tham gia.
Cứ thế, thông tin cảnh báo về biến thể COVID-19 mới chỉ trong một thời gian ngắn lại tiếp tục được chia sẻ rộng khắp.
"Biến thể Covid - Omicron mới"; "Độc hơn biến thể Delta gấp 5 lần"; "Không gây triệu chứng ở vùng mũi họng, mà ảnh hưởng trực tiếp đến phổi nên gây tử vong nhanh"… là những thông tin gây sốc trong một bài cảnh báo được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội những ngày vừa qua. Cùng thời điểm ca Covid-19 có dấu hiệu gia tăng trở lại, đặc biệt ở Hà Nội.
Những đặc điểm nguy hiểm của biến thể COVID-19 mới, như đoạn tin này mô tả, khiến nhiều người hoang mang, cũng như thôi thúc họ tiếp tục chia sẻ để cảnh báo.
Tuy nhiên, trao đổi với PV Dân trí, BS Phạm Văn Phúc - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khẳng định, bài đăng này có nhiều thông tin không đúng.
Cụ thể, theo BS Phúc, thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân COVID-19vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị có gia tăng. Hiện có khoảng 100 F0 đang điều trị tại cơ sở y tế này, trong đó có khoảng 15 ca nặng phải điều trị tại khoa Hồi sức tích cực.
Qua theo dõi, các bệnh nhân vào viện đợt này, độc lực của virus không hề cao bất thường so với giai đoạn trước đó. Các trường hợp diễn biến nặng đa số vẫn là người cao tuổi, người có bệnh nền.
Ngoài ra, qua ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, triệu chứng ban đầu của các ca mắc COVID-19 mới không có nhiều biến đổi, chủ yếu là ho, sốt, mệt mỏi, đau nhức người.
Qua đây, BS Phúc cũng cảnh báo người dân cần đảm bảo các phương pháp phòng chống dịch, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 gia tăng trở lại. Tuy nhiên, người dân cần tỉnh táo trước các thông tin lan truyền từ những nguồn không chính thống, không được kiểm chứng dẫn đến sự lo sợ không cần thiết.
Theo báo cáo kết quả giám sát biến chủng của Tổ chức Y tế thế giới tuần qua, biến thể XBB.1.5 chiếm tỉ lệ 47,1% trong các trường hợp nhiễm bệnh.
Đến nay biến thể XBB.1.5 đã được phát hiện tại 94 quốc gia. Biến thể XBB là một biến thể thuộc chủng Omicron xuất hiện trên thế giới từ tháng 10/2022. Tại Việt Nam, biến thể XBB.1.5 xuất hiện từ tháng 1 năm nay và cũng được Bộ Y tế cảnh báo biến chủng có khả năng lây lan nhanh hơn. Cho đến nay, Bộ Y tế chưa công bố thêm biến chủng mới xuất hiện tại Việt Nam.
Theo WHO, XBB.1.5 có tốc độ lây lan rất nhanh chóng. Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu biến thể XBB.1.5 có khiến bệnh nặng hơn hay không cũng như tỷ lệ nhập viện, tử vong do chủng này.
Các dữ liệu tính đến thời điểm hiện tại cho thấy, XBB.1.5 không gây ra triệu chứng khác biệt so với các chủng COVID-19 gần đây.
Người dân có dấu hiệu chủ quan với COVID-19
Trả lời báo chí chiều 13/4, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế nhận định, hiện nay trên thế giới, biến thể Omicron chiếm ưu thế. Ngoài ra, tỷ lệ nặng/mắc không có sự gia tăng, kể cả đối với Việt Nam.
"Thời gian qua hoạt động phòng chống dịch của chúng ta đạt hiệu quả nhờ vaccine. Vì thế, người dân có tâm lý chủ quan với biện pháp đeo khẩu trang, khử khuẩn làm gia tăng sự lây nhiễm. Hiện nay tại nước ta số mắc tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc - nơi đang có sự chuyển mùa. Nếu không kiểm soát đầy đủ thì có sự gia tăng", GS Lân nói.
Để kiểm soát dịch hiệu quả, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành đẩy mạnh tăng cường rà soát cấp độ dịch và công bố rõ ràng để người dân biết các biện pháp phòng chống, không hoang mang nhưng không được chủ quan.
Người dân cần tiêm chủng đầy đủ theo đúng khuyến cáo của ngành y tế. Người có nguy cơ cao khi đến nơi đông người, trong môi trường kín nên đeo khẩu trang trong thời điểm đại dịch. Các đối tượng còn lại khi đến cơ sở y tế, đi trên phương tiện công cộng thì cần đeo khẩu trang.