Chị Ng.N.Thanh, đang sống ở TPHCM kể nhiều tuần trước, chị được báo tin về điểm thi tốt nghiệp THPT của đứa cháu con anh trai ruột.
Đứa cháu gọi chị là cô có điểm thi tốt nghiệp cao, trong đó môn văn đạt tới 9 điểm. Số điểm làm chị không vui nổi mà ngược lại còn nặng trĩu lòng.
Không đánh giá được các môn học khác nhưng chị Thanh có thể đánh giá được năng lực của đứa cháu về môn văn. Chị trước đây là học sinh lớp chuyên văn, hiện đang làm biên tập viên một nhà sách.
Chị Thanh kể, trong quá trình nói chuyện, nhắn tin với cháu lâu nay chị đã lo lắng về khả năng trình bày, diễn đạt ngôn ngữ của cháu.
Chỉ những câu hỏi, vấn đề đơn giản nhưng cháu trình bày không thể trôi chảy, rối rắm, khó hiểu. Có khi cháu nhắn tin một đoạn dài vẫn không thoát ra ý muốn diễn đạt. Khả năng viết của đứa cháu, chị Thanh thấy rõ ràng không ổn.
Đặc biệt, chị Thanh trở nên nghi ngờ chính mình khi biết điểm môn văn nhiều năm qua của cháu toàn 8, 9, lên lớp 12 điểm tổng kết hơn 9,0.
Kiểm chứng, chị Thanh lục lại những bài văn của đứa cháu, chị càng không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Nhiều bài văn của cháu liệt kê theo ý đơn giản, trình bày không theo trình tự, câu cú lung tung, cách diễn đạt nhiều khi ngô nghê… nhưng vẫn đạt điểm cao.
Quá trình kèm cháu ôn thi môn học này trước đợt cháu thi tốt nghiệp THPT, chị càng thấy rõ năng lực của cháu mình. Với chị, chấm xông xênh lắm thì cháu cũng chỉ có thể ở mức 6-7 điểm.
Chị thật sự không lý giải nổi với khả năng đó, cháu mình lại đạt đến điểm 9 môn văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT kết hợp dùng điểm để xét tuyển đại học. Bạn bè của cháu cùng đạt điểm văn cao ngất ngưởng như vậy hàng loạt.
"Dường như giờ đây học sinh nào cũng học giỏi văn hết, đạt điểm rất cao", chị Thanh nói.
Người này cho biết, 21 năm trước, vào năm 2003, chị là một trong hai học sinh của trường đạt học sinh giỏi tỉnh môn văn. Trong kỳ thi tốt nghiệp năm đó, môn văn của chị được 8,5 điểm, một trong những mức điểm cao nhất trường.
Năm đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ dùng để xét tốt nghiệp. Sau kỳ thi này, chị còn trải qua kỳ thi đại học chung, với 6 điểm văn, chị đỗ vào Trường Đại học Khoa học và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Từ trường hợp của cháu mình, chị Thanh không khỏi băn khoăn và ngạc nhiên về cách đánh giá, cho điểm và việc "lạm phát" điểm số như hiện nay.
Một nhà hoạt động Xã hội ở TPHCM chia sẻ, nhiều năm trước một đơn vị muốn thông qua tổ chức của bà trao tặng học bổng cho học sinh với điều kiện… giỏi tiếng Việt. Để tìm được học sinh đáp ứng điều kiện này không hề dễ, cuối cùng họ đã phải hạ tiêu chuẩn, chọn thêm tiêu chí khác.
"Không dễ tìm học sinh giỏi tiếng Việt, có khả năng trình bày và khả năng viết tiếng mẹ đẻ tốt", khi đó bà lo lắng.
Nhưng giờ đây, nhìn điểm thi môn văn của học sinh trong học bạ, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT nhiều năm qua không ngừng tăng, người này nghi ngại nhận định của mình có thể đã sai. Nhìn vào điểm số có thể thấy hầu hết học sinh đều rất giỏi tiếng Việt, rất giỏi môn văn.
Thầy Đỗ Đức Anh, tác giả tập truyện "Những màu sắc của gió", giáo viên văn Trường THPT Bùi Thị Xuân, TPHCM cho hay tình huống "cháu học kém nhưng điểm văn cao" có hai khả năng.
Thứ nhất có thể người thân đánh giá khả năng ngôn ngữ, cảm thụ của học sinh chưa chính xác.
Thứ hai, môn văn theo cách thi cũ (năm 2024 là năm cuối kỳ thi tốt nghiệp THPT thi theo chương trình Giáo dục phổ thông 2006), thầy Đỗ Đức Anh cho hay có khi chỉ cần học thuộc và trúng đề là đã có thể đạt điểm cao.
Thí sinh không cần phải có kỹ năng cao siêu, hay phải có vốn ngôn ngữ, khả năng diễn đạt xuất sắc mới đạt điểm cao mà nhiều khi chỉ cần học thuộc và trúng đề.
Theo thầy Đỗ Đức Anh, đây là điều sẽ không thể có ở chương trình phổ thông 2018 khi mà đề thi sẽ ra tác phẩm ngoài sách giáo khoa đòi hỏi học sinh phải có kỹ năng vững về các thể loại, khả năng tự diễn đạt, tự trình bày.
Khi không còn văn mẫu, triệt tiêu việc học tủ, đoán đề thì học sinh buộc phải có sự sáng tạo riêng, quan điểm, suy nghĩ riêng, khả năng cảm thụ tốt, văn phong và vốn từ tốt mới có thể trình bày, diễn đạt được.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, có hơn 1 triệu thí sinh thi môn văn với điểm trung bình là 7,23. Số điểm thí sinh đạt được nhiều nhất ở môn này là 8 điểm.
Tổng số thí sinh đạt từ 9 điểm trở lên là 92.055 thí sinh. Có hai thí sinh đạt điểm 10, mức điểm 9,75 có 1.843 thí sinh, mức điểm 9,5 có 14.198 thí sinh, mức điểm 9,25 có 26.758 thí sinh, mức điểm 9 có 49.254 thí sinh ở môn này.
Số thí sinh đạt 9 điểm ngữ văn trở lên cao gấp 8 lần số thí sinh đạt 9 điểm trở lên ở môn toán. Các môn thi vốn nhiều điểm 9, 10 như lịch sử, địa lý, tiếng Anh cũng bị môn văn bỏ xa về số điểm từ 9 trở lên.
Mặt bằng chung, điểm văn tại các tỉnh thành đều ở mức cao. Nổi bật nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là ở Bắc Ninh cứ 10 thí sinh có 1 em đạt điểm 9,5 điểm trở lên, còn Trà Vinh cứ 4 thí sinh thì có 1 em đạt từ 9 điểm trở lên ở môn văn.