Cuối năm nhu cầu hút vốn phục vụ nhu cầu vay của người dân gia tăng, vì thế các ngân hàng tăng lãi suất để hút dòng vốn trong dân. Tháng 10, gửi tiền tiết kiệm ngân hàng nào hưởng lãi suất cao nhất?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mức lãi suất tiết kiệm cao nhất trong tháng 10 này là 9%/năm, áp dụng tại SHB ở kì hạn 13 tháng, với số tiền gửi trên 500 tỷ đồng.
Mức lãi suất tiết kiệm cao tiếp theo là 8,9%/năm, được áp dụng cho tiền gửi kì hạn 16 tháng tại Ngân hàng Việt Á (VietABank) và 8,6%/năm được áp dụng tại TPBank (số tiền gửi từ 100 tỉ đồng).
BacABank cũng là ngân hàng có lãi suất tiền gửi cao trong tháng 10 này. Cụ thể, từ kỳ hạn 6 tháng, lãi suất tiền gửi của BacABank tăng từ 7,5%/năm lên 7,7%/năm. Còn đối với kỳ hạn 9 tháng và 12 tháng, lãi suất tại BacABank lần lượt là 7,8% và 8,2%/năm, cũng thuộc top đầu bảng. Mức lãi suất cao nhất mà ngân hàng này áp dụng là 8,3%/năm với kỳ hạn từ 18-36 tháng.
Ở kỳ hạn 18 tháng, VietCapitalBank đang dẫn đầu các ngân hàng với mức lãi suất tiền gửi cao nhất 8,5%/năm.
Còn ở kỳ hạn 24 tháng, NamABank có sự điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi từ mức 8,45%/năm của tháng 9 lên 8,6%/năm trong tháng 10.
Ở chiều lãi suất tiền gửi thấp nhất và không có biến động ở đa số các kỳ hạn thuộc về những “ông lớn” nhà nước như Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV chỉ dao động trong khoảng 0,1-75%/năm. Thậm chí, BIDV còn giảm lãi suất từ mức 4,5% hồi đầu tháng 9 xuống mức 4,3%/năm với kỳ hạn 1 tháng.
Giữa tháng 9/2019, Ngân hàng Nhà nước đã cắt giảm lãi suất 0,25%/năm. Cụ thể, giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,25%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,25%/năm xuống 4,0%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng từ 7,25%/năm xuống 7,0%/năm. Lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, giai đoạn trước đây, trong bối cảnh lãi suất quốc tế gia tăng, NHNN đã điều hành đồng bộ các giải pháp chính sách tiền tệ nhằm ổn định mặt bằng lãi suất, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng hợp lý.