Trần Bắc Hà và những đại án kinh tế thất thoát hàng nghìn tỷ đồng

Admin
Ông Hà được coi là một trong những người có quyền lực lớn trong giới ngân hàng. Tuy nhiên, nhiều dự án của ông cũng đổ bể để lại hậu quả lớn cho BIDV cũng như ngân sách của Nhà nước.

Ông Trần Bắc Hà là ai?

 
Trần Bắc Hà sinh năm 1956, quê ở Bình Định, là doanh nhân người Việt Nam. Ông từng giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) (2008-2016) và Tổng giám đốc BIDV (2003-2007).
 
Ông Trần Bắc Hà bắt đầu làm việc ở BIDV từ năm 1981, và đến năm 1991 được bổ nhiệm làm Giám đốc BIDV - Chi nhánh Bình Định. Năm 2003, ông Hà được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc BIDV, và đến năm 2007 là Tổng giám đốc BIDV.
 
Từ năm 2008, ông Trần Bắc Hà là Chủ tịch HĐQT BIDV, cho đến khi nghỉ hưu theo chế độ vào ngày 1/9/2016.
 
Trong thời gian làm lãnh đạo BIDV, ông Hà được coi là một trong những người có quyền lực lớn không chỉ trong giới ngân hàng. Thông qua các mối quan hệ xã hội cùng với tiềm lực kinh tế mạnh, ông Hà và người thân đã thực hiện hàng loạt dự án lớn tại Bình Định, Hà Tĩnh, Tây Nguyên,… Tuy nhiên, nhiều dự án đổ bể để lại hậu quả lớn cho BIDV cũng như ngân sách của Nhà nước.
 

Những dự án nghìn tỷ liên quan đến Trần Bắc Hà

 

Khu phức hợp khách sạn, khu thương mại và căn hộ cao cấp Thiên Hưng

 

Cuối tháng 10/2017, UBND tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương đầu tư cho liên danh Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Hưng (gọi tắt là Công ty Thiên Hưng), Công ty CP Tập đoàn An Phú và một doanh nghiệp khác thực hiện dự án Khu phức hợp khách sạn, thương mại và căn hộ cao cấp Thiên Hưng trên diện tích đất gần 11.000m2 với tổng vốn đầu tư gần 3.000 tỷ đồng.

Dự án Thiên Hưng tọa lạc ở vị trí “đất vàng”, thuộc khu đô thị, thương mại, dịch vụ phía Tây đường An Dương Vương, TP Quy Nhơn. Dự án có quy mô lớn, thiết kế độc đáo, thể hiện nét kiến trúc văn hóa Champa, tạo điểm nhấn trong việc quảng bá, phát triển du lịch của tỉnh Bình Định.
 
Theo cam kết, dự án sẽ được triển khai vào cuối 2017 và dự kiến hoàn thành vào cuối 2020. Tuy nhiên, sau gần 10 tháng trời, chủ đầu tư vẫn “án binh bất động” trong việc triển khai dự án.
 
Đây là khu tổ hợp thương mại dịch vụ, căn hộ cao cấp và khách sạn, với quy mô gồm 2 tòa tháp cao 39 tầng, trong đó 274 căn hộ cao cấp để bán hoặc cho thuê, 302 phòng khách sạn tiêu chuẩn 5 sao, ngoài ra còn có trung tâm thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí.
 
Tháng 7/2018, UBND tỉnh Bình Định đã ra quyết định thu hồi chủ trương đầu tư dự án này với lý do chủ đầu tư không triển khai đúng như cam kết. Hiện khu đất này đang được UBND tỉnh Bình Định rào kín và tìm chủ đầu tư mới.
 
Được biết, Công ty Thiên Hưng thành lập năm 2014 với số vốn điều lệ chỉ 50 tỷ đồng, sau tăng lên 300 tỷ đồng, do bà Trần Lan Phương (con gái ông Trần Bắc Hà) làm người đại diện pháp luật.
 
Còn Công ty CP Tập đoàn An Phú được thành lập năm 2009 với số vốn điều lệ 200 tỷ đồng, do ông Trần Duy Tùng (con trai ông Trần Bắc Hà) sáng lập và làm Chủ tịch HĐQT.
 
Cả Công ty Thiên Hưng và Tập đoàn An Phú đều đăng ký trụ sở chính tại số 01 đường Hàn Mặc Tử, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn - cách nơi thực hiện dự án Khu phức hợp khách sạn, thương mại và căn hộ cao cấp Thiên Hưng chỉ vài trăm mét.
 

Dự án bò giống và bò thịt Bình Hà

 

Còn ở Hà Tĩnh, Dự án bò giống và bò thịt Bình Hà được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1300/QĐ-UBND, ngày 15/4/2015 và bổ sung, điều chỉnh tại Quyết định số 99/QĐ-UBND ngày 12/1/2016. Dự án có tổng diện tích đất thu hồi là 2.163,5ha, trong đó huyện Cẩm Xuyên 1.578,6ha; huyện Kỳ Anh 584,9ha. Với tổng mức đầu tư 4.582 tỷ đồng, quy mô 254.200 con/năm.
 
Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà, tại 88 đường Phan Đình Phùng, phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Đăng ký hoạt động lần đầu ngày 10/4/2015, tại phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh. Có nghĩa là Công ty này được thành lập chỉ vẻn vẹn 05 ngày trước khi dự án được chấp thuận.
 
Trang trại hơn 580 ha của Công ty chăn nuôi Bình Hà ở huyện Kỳ Anh không còn bóng dáng con bò nào cả.
 
Theo tiến độ thực hiện, dự án bắt đầu từ tháng 4/2015, hoàn thành việc xây dựng trước tháng 12/2016. Trong đó, chậm nhất trước ngày 15/7/2015 phải có sản phẩm đợt đầu tiên với đàn bò quy mô hàng hóa lớn khoảng từ 10.000 đến 30.000 con.
 
Trước yêu cầu khẩn trương bàn giao mặt bằng, không chỉ rừng keo, tràm của người dân Cẩm Xuyên, Kỳ Anh bị thu hồi mà hàng nghìn ha đất trồng cao su của Công ty Cao su Hà Tĩnh và rừng thông nhiều năm tuổi của Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ cũng bị đốn hạ để phục vụ dự án. Sau khi thu hồi, Công ty Bình Hà chỉ lấy gần 700ha để trồng cỏ, còn lại cạo trọc rồi để hoang.
 
Để triển khai dự án, cựu chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà đã chỉ đạo BIDV chi nhánh Hà Tĩnh cho vay 3.162 tỉ đồng, trong đó dự kiến tín dụng dài hạn là 2.190 tỉ đồng, vay ngắn hạn để nhập khẩu bò giai đoạn 1 và 2 là 970 tỉ đồng. Đến thời điểm đầu năm 2016, BIDV đã giải ngân 810 tỉ đồng, trong đó vốn dài hạn 492 tỉ đồng để thực hiện xây dựng dự án, cho vay ngắn hạn 318 tỉ đồng để thực hiện nhập khẩu bò, thuốc thú y, thức ăn.
 
Đầu năm 2016 là thời kỳ đỉnh cao nhất của Công ty Bình Hà với hơn 24.000 con bò thịt thuộc giống Brahahman được nhập từ Úc về, chiếm gần 10,6% quy mô dự án. Tuy nhiên, ngay lứa bò đầu tiên này có hơn 200 con bò dính dịch bệnh, hàng chục con bò bị chết phải tiêu hủy.
 
Vì chưa hoàn thiện các hạng mục bảo vệ môi trường, bò chết đem chôn không đúng quy trình, gây ô nhiễm, Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định phạt Công ty Bình Hà 140 triệu đồng.
 
Hiện tại, trang trại hơn 580 ha của Cty Bình Hà ở huyện Kỳ Anh đã bỏ hoang, còn tại Cẩm Xuyên, được biết công ty đang nuôi 491 con bò thịt và mới nhập về 300 con bò nái, tổng số bò công ty đang có là 791 con (tương đương 0,3% so với quy mô dự án).
 
Giữa năm 2017, công ty này lại chuyển đổi hàng trăm ha diện tích trồng cỏ sang trồng chuối xuất khẩu. Mặc dù chưa thực hiện các thủ tục chuyển đổi mục đích đầu tư, đánh giá tác động môi trường nhưng đến tháng 3/2018, tổng số diện tích trồng chuối do đơn vị này tự ý chuyển đổi lên đến 175 ha.
 
Mặc dù chưa chuyển đổi mục đích đầu tư nhưng Công ty Bình Hà đã sử dụng 175 ha để trồng chuối.
 
Liên quan đến Dự án bò Bình Hà, ngày 13/6, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC46), Công an tỉnh Hà Tĩnh vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Đinh Văn Dũng - Nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà và Nguyễn Xuân Lương - Giám đốc Cty Tân Đại Việt (Lương được phép tại ngoại và bị cấm đi khỏi nơi cư trú) với tội danh “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
 
Quá trình điều tra, CQĐT xác định Đinh Văn Dũng và Nguyễn Xuân Lương đã cấu kết nâng khống khối lượng, chiếm đoạt hơn 110 tỷ đồng khi thực hiện dự án chăn nuôi Bình Hà.
 
Ông Trần Bắc Hà đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam hồi tháng 11 năm ngoái để điều tra về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, theo khoản 4 điều 206 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015.
 
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2019/07/18/Bắt tạm giam ông Trần Bắc Hà - Thời sự - Thanh Niên_18072019145227.mp4[/presscloud]
Bắt tạm giam ông Trần Bắc Hà năm 2018

Xem thêm: Tiết lộ nguyên nhân tử vong của cựu chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà

Hồng Nhung (t/h)