Vi khuẩn ăn thịt người có thể lan rộng ở Bình Định: Phát hiện thêm ca bệnh mới

Tính đến nay, các bệnh viện tỉnh Bình Định phát hiện và tiếp nhận 2 bệnh nhân nhiễm “vi khuẩn ăn thịt người” (Whitmore). Mới đây nhất là một bệnh nhi 5 tuổi.
Hôm nay (12/10), phía bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa (tỉnh Bình Định) cho biết, đơn vị đã tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhi P.B.B.N (SN 2014, ở xã Bình Tường, huyện Tây Sơn) bị nhiễm Whitmore.
 
Bệnh nhi nhập viện ngày 3/10, với triệu chứng ban đầu là sưng ở góc dưới hàm trái, nóng, đỏ, đau. Trước đó, bệnh nhi đã từng bị sốt nhiều ngày, khi gia đình phát hiện hạch ở góc hàm nên mới đưa vào bệnh viện điều trị.
 
Vi khuẩn ăn thịt người có thể lan rộng ở Bình Định: Phát hiện thêm ca bệnh mới
Vị trí vi khuẩn ăn thịt người "làm tổ" trên cơ thể bệnh nhi
 
Tại đây các bác sĩ xác định, bệnh nhi bị áp xe tuyến mang tai trái nghi do nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên bệnh Whitmore. Kết quả lâm sàng xác định, bệnh nhi bị nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei. Sau khi được điều trị tích cực, sức khỏe của bệnh nhân đã tiến triển tốt hơn, ăn uống bình thường, không còn sốt nữa.
 
Trước đó 5 ngày (7/10), bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định cho biết: Ngày 30/9, đơn vị tiếp nhận một bệnh nhân nữ tên N.T.N (29 tuổi; ở Sông Cầu, Phú Yên; nghề nghiệp Nội trợ) bị nhiễm vi khuẩn “ăn thịt người”. Bệnh nhân nữ này nhập viện trong tình trạng sưng đầu, nóng, đỏ vùng cổ trái, kèm theo sốt ớn lạnh, mệt mỏi… Bệnh nhân có tiểu sử bệnh đái tháo đường tuýp 1.
 
Ngay sau đó, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật, làm sạch ổ áp xe, mô hoại tử; điều trị các kháng sinh ceftazidim. Sau một ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã hết sốt cao và được chuyển về khoa Nội tổng hợp để điều trị.
 
Nói về “vi khuẩn ăn thịt người”, bác sĩ Nguyễn Hữu Lành – Trưởng khoa Nội Tổng hợp – bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định chia sẻ: Bệnh này do trực khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei tồn tại trong môi trường tự nhiên gây ra. Con người có thể mắc bệnh khi tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bề mặt bị nhiễm vi khuẩn. Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể thông qua vết xước nhỏ trên da.
 
Vi khuẩn ăn thịt người có thể lan rộng ở Bình Định: Phát hiện thêm ca bệnh mới
Vi khuẩn ăn thịt người dưới kính hiển vi (ảnh minh họa)
 
Bệnh thường gặp ở những người có sức đề kháng kém như: bệnh tiểu đường, bệnh thận, bệnh phổi, bệnh gan mãn tính… Thời gian ủ bệnh từ 1 đến 21 ngày, trung bình 9 ngày. Các triệu chứng thường xuất hiện từ 2 đến 4 tuần sau khi tiếp xúc với vi khuẩn. Triệu chứng khởi phát là sốt, ớn lạnh, mệt mỏi, chán ăn, áp xe, viêm loét, ho, đau ngực…
 
Để phòng tránh bệnh này, người dân cần phải hạn chế tiếp xúc với bùn nước, nhất là những nơi ô nhiễm nặng, sử dụng giày, đồ bảo hộ khi đi lao động phải tiếp xúc với nước, đất bẩn.
 
Những người mắc bệnh mãn tính như đái tháo đường, suy giảm hệ miễn dịch cần được chăm sóc, bảo vệ để tránh các thương tổn tạo cơ hội cho vi khuẩn lây nhiễm khuẩn. Trong trường hợp nghi ngờ bị nhiễm bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để thăm khám, làm các xét nghiệm xác định xem có bị nhiễm vi khuẩn B. pseudomallei và điều trị kịp thời.
 
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2019/10/12/vi-khuan-an-thit-nguoi-co-the-lan-rong-o-binh-dinh-phat-hien-them-ca-benh-moi_12102019140507.mp4[/presscloud]
Sự thật về vi khuẩn ăn thịt người