Vì sao giá thịt heo tăng bất chấp lệnh giảm giá?

Dù giá heo hơi được các doanh nghiệp chăn nuôi lớn bán ra chỉ còn 70.000 đồng/kg và lượng thịt heo nhập khẩu tăng đến 300%, nhưng giá thịt heo vẫn chưa "hạ nhiệt".
Heo nhập khẩu bán trong siêu thị có giá rẻ.

Heo nhập khẩu bán trong siêu thị có giá rẻ.

Giá thịt heo nhập bình quân thấp giúp giá bán lẻ loại này tại các siêu thị, kênh online rẻ hơn giá thịt heo tươi trong nước 35-40%, thậm chí có sản phẩm thấp hơn trên 50%. Chẳng hạn, thịt thăn nhập từ Canada tại hệ thống BigC có giá 146.000 đồng một kg; thịt đùi và nạc dăm Brazil là 169.000 đồng; sườn thăn 119.000 đồng, ba chỉ heo 149.000 đồng mỗi kg. Còn trên các kênh bán hàng online, giá thịt nhập khẩu dao động 85.000-120.000 đồng một kg tuỳ loại.

Đến một cửa hàng kinh doanh thực phẩm nhập khẩu ở Q.2 (TP HCM), nơi này niêm yết giò heo Canada giá 79.000 đồng/kg, sườn BBQ 109.000 đồng/kg, móng heo 85.000 đồng/kg, thịt xay 120.000 đồng/kg, nạc vai 130.000 đồng/kg. Cao nhất là giá ba rọi heo Ba Lan 165.000 đồng/kg, sườn non 159.000 đồng/kg, thịt nạc dăm Tây Ban Nha 152.000 đồng/kg…

Trong khi thịt nhập khẩu đang được các doanh nghiệp nhập về ngày càng nhiều thì giá thịt heo tươi trong nước vẫn chưa giảm dù có "lệnh" hạ nhiệt từ Chính phủ. Tại các tỉnh miền Bắc, giá heo hơi vẫn ở mức 89.000-95.000/kg. Còn các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên dao động 88.000-95.000/kg.

Tại "thủ phủ heo" Đồng Nai, giá heo hơi vẫn còn ở mức rất cao, dao động từ 83.000 - 85.000 đồng/kg, tăng 10.000 - 13.000 đồng/kg so với đầu tháng 4. Giá heo hơi được thương lái mua vào với mức trung bình 84.000 đồng/kg, cá biệt có một số hộ vừa xuất bán heo hơi với giá 87.000 đồng/kg.

Heo trong nước vẫn đứng ở giá cao.

Heo trong nước vẫn đứng ở giá cao.

Một đầu mối chuyên bán buôn thịt heo nhập khẩu tại Hà Nội cho biết, do giá thịt heo nhập rẻ hơn thịt trong nước nên được nhiều điểm bán lẻ rất chuộng. Trung bình 2-3 ngày, các đầu mối bán lẻ nhập hơn một tạ và lấy số lượng càng nhiều giá sẽ càng thấp.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, giám đốc một doanh nghiệp (DN) chăn nuôi có vốn đầu tư nước ngoài cho rằng đàn heo của các DN chăn nuôi lớn chiếm khoảng 35% tổng đàn heo cả nước nên việc điều chỉnh giá cả thịt heo trên thị trường là nhiệm vụ bất khả thi.

Việc giảm giá heo hơi xuất chuồng thời gian qua là do chỉ đạo từ các cơ quan chức năng nhưng cũng không thể kéo dài được lâu vì giá bên ngoài thị trường vẫn ở mức cao.

"Giá heo cao bản chất là do nguồn cung heo bị thiếu. Chúng tôi giảm giá theo yêu cầu của Bộ NN&PTNT từ 90.000 đồng/kg xuống còn 70.000 đồng/kg, nhưng các thương lái mua tại nhà máy đem ra cổng đã bán lại với giá 85.000 - 90.000 đồng/kg, kiếm lời 1,5 - 2 triệu đồng/con heo.

Như vậy, cả người chăn nuôi và người tiêu dùng đều không được hưởng lợi, mà chỉ có một bộ phận thương lái gom heo ở các nhà máy là siêu lợi nhuận" - vị giám đốc này chia sẻ.

Giám đốc một công ty chăn nuôi tại Bình Dương cũng cho rằng giá heo hiện nay đúng là đem lại mức siêu lợi nhuận cho người chăn nuôi thành công nhưng giá cả là do cung cầu quyết định.

Theo vị này, khi heo chết vì dịch ASF, chỉ người chăn nuôi nhỏ lẻ được Chính phủ hỗ trợ đền bù, còn DN không được hỗ trợ. Khi giá heo tăng cao hiện nay, DN chăn nuôi lại bị xem như tội đồ là điều rất vô lý.

Truy xuất nguồn gốc thịt heo tại một nhà máy giết mổ. Ảnh: Tuổi trẻ.

Truy xuất nguồn gốc thịt heo tại một nhà máy giết mổ. Ảnh: Tuổi trẻ.

"Các công ty chăn nuôi đều có nhiều loại như heo, gà thịt, gà đẻ và vịt. Thời gian qua giá gia cầm và trứng rẻ hơn rau, đâu có ai hô hào giải cứu DN trong khi DN hạch toán là lấy mặt hàng có lời bù vào mặt hàng bị lỗ. Nếu chỉ nhìn vào một mặt hàng có lời để nói chúng tôi là không công bằng" - vị này nói.

Ông Phạm Đức Bình, phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, cho rằng việc xem thịt heo như một mặt hàng không thể thiếu khiến cho Chính phủ và các bộ ngành có những quyết định và chính sách chưa hợp lý, không khả thi và phi thị trường.

"Chính phủ lấy tiền đâu ra mà bình ổn thị trường thịt heo. Trong khi giá tăng là do nguồn cung thiếu hụt nghiêm trọng. Muốn giá giảm chỉ có cách hoặc là tăng nguồn cung, hoặc là giảm nhu cầu", ông Bình nói.

Theo ông Bình, tăng nguồn cung là khuyến khích người chăn nuôi tái đàn, nhưng điều này mất nhiều thời gian. Giải pháp khác là tăng cường nhập khẩu thịt heo về để tăng nguồn cung trong nước.

Tuy nhiên, do hoạt động chăn nuôi heo tại nhiều nước cũng bị dịch ASF tấn công, chưa kể dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng đến nguồn cung và cầu thịt heo, nên giá thịt heo thế giới cũng tăng lên. Việc nhập khẩu một lượng rất lớn thịt heo về Việt Nam là không dễ dàng như trước kia.

Do đó, theo ông Bình, cách tốt nhất là người tiêu dùng chuyển sang dùng loại thịt khác thay thế thịt heo. Thời gian qua giá gà giảm sâu, nhiều lúc thấp hơn giá rau.

Giá vịt, giá trứng cũng ở mức thấp. Giá cá tra không xuất khẩu được cũng ở mức rất rẻ. Người tiêu dùng hoàn toàn có thể thay thế thịt heo bằng các loại thịt này vừa đảm bảo chi tiêu mà giảm nhu cầu vào thịt heo.

Tính đến hết ngày 27/4, Việt Nam đã nhập được 54.000 tấn thịt heo, tăng trên 300% so với cùng kỳ năm 2019. Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y các thủ tục hành chính về kiểm dịch, kiểm tra chất lượng phải đảm bảo ngắn nhất, nhanh nhất và đảm bảo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng nhập 100.000 tấn thịt heo để ổn định nguồn cung trong nước.

Bộ NN&PTNT cho hay, đang phối hợp với các Bộ Tài chính, Công Thương, Ngoại giao... và chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp nhập khẩu sớm đưa thịt heo về Việt Nam. Trong năm nay, có thể nhập khẩu thịt heo từ Nga với số lượng lên đến 50.000 tấn, bằng 70% tổng số thịt heo từ các nước nhập khẩu vào Việt Nam.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá tuần trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, giá thịt heo hơi hiện tăng hơn 90.000 đồng một kg là "quá đáng". Ông yêu cầu các bộ kiểm tra, nếu phát hiện thao túng giá, đầu cơ, trục lợi thì "phải xử lý theo quy định pháp luật". Đi liền đó là tăng nguồn cung ứng thịt trong nước, song song với giải pháp tăng nhập khẩu mặt hàng này. Ông giao các bộ, ngành "bằng mọi biện pháp trước mắt giảm giá thịt heo hơi về 60.000 đồng một kg".

Bài liên quan