Cho đến nay, cái chết của 6 người trong gia đình ông Trần Văn Rạng vẫn còn là bí ẩn. Dù hàng trăm công an, cảnh sát vào cuộc điều tra nhưng vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân.
Mười mấy năm qua, con đường vào nhà ông Trần Văn Rạng ở xã Vũ Tây (Kiến Xương,
Thái Bình) vẫn cỏ mặc um tùm, đổ nát hoang tàng. Nơi đây đã từng chứng kiến nhiều cái chết liên tiếp bí ẩn. Một trong số những người con sống sót là anh Trần Quốc Việt - con trai ông Rạng.
Theo lời anh Việt, mảnh đất nhà anh vẫn rùng rợn và quái dị. Ban đêm anh vẫn gặp những con rắn to tướng trong vườn nhà, trong sân. Tuy nhiên, chẳng ai nhìn thấy được rắn ở trong vườn ngoài anh.
Bố anh Việt là ông Trần Văn Rạng và mẹ đẻ là bà Nguyễn Thị Đào. Ông bà có 8 người con, 4 trai và 4 gái. Trong đó, một người con trai vào Nam lập nghiệp, anh Việt làm bảo vệ cho một công ty nhà nước ở TP Thái Bình, anh cả và anh thứ 3 ở mảnh đất này với ông Rạng. Mấy cô con gái đều đi lấy chồng, người lấy ở xã khác, xóm khác, người lấy ở mãi Tây Nguyên xa xôi.
Trong mảnh đất của vợ chồng ông Rạng có ngôi miếu Thần Linh thờ 3 mẹ con người ăn mày từng bị chết đuối dưới ao những năm 1945. Ngôi miếu này bao năm vẫn nằm im lìm như thế.
Vật nuôi lăn đùng ra chết, báo hiệu cái chết đầu tiên trong gia đình
Trước khi xảy ra cái chết đầu tiên trong gia đình là cái chết kỳ lạ của hàng loạt vật nuôi. Theo anh Trần Văn Việt, loài vật đầu tiên lăn ra chết là lợn nhà anh Út. Nhà anh Út khi đó nuôi rất nhiều lợn nhưng bất ngờ lăn ra chết.
Ngay sau khi phá miếu 1 ngày, những con lợn nặng cỡ 20-30kg lăn ra chết. Khi đó chưa sợ dịch bệnh, người dân chung nhau mổ lợn để ăn và bán. Tuy nhiên, chưa cạo xong một con lợn thì mấy chục con khác trong chuồng kêu lên eng éc, lăn đùng ra co giật, sùi bọt mép và chết.
Chưa bao giờ thấy lợn chết nhiều như vậy nhưng mọi người vẫn kiên nhẫn làm thịt. Đến 6h chiều, mọi chuyện vẫn chưa xong thì bất ngờ đàn gà mấy chục con trong chuồng nháo nhác như bị ai đuổi bắt rồi cũng chết cứng đờ. Sau đó, 6 con vịt đẻ đang kiếm ăn ngoài đồng cũng đi vào vườn, kêu lên được mấy chục giây rồi giãy giụa, chết hẳn.
Chỉ hơn một tiếng đồng hồ, toàn bộ lợn, gà, vịt nhà anh Út lăn ra chết hết. Tuy nhiên điều lạ kỳ là, 6 con vịt vừa chết ném xuống ao thì một lúc sau, 1 con sống lại lạch bạch chạy vào vườn. Con vịt này không cần ai chăm sóc, đẻ nhiều trứng khủng khiếp rồi biến mất một cách lạ kỳ.
Sau đó, lợn gà nhà ông Rạng cũng lăn ra chết, hễ nuôi con gì chết con đấy nên chẳng làm ăn gì nữa. Điều đáng nói, lợn cứ nuôi tầm 20-30kg mới chết, gà vịt cũng toàn chết khi chuẩn bị làm thịt.
Sau cái chết của hàng loạt vật nuôi, gia đình ông Rạng đón nhận cái chết đầu tiên, đó là của anh Trần Văn Viết. Anh Viết lấy vợ ngay xã bên, có một cậu con trai. Ông bà Rạng cho anh một mảnh đất 200m ngay trước mặt, cạnh bờ ao để xây nhà. Có chút vốn liếng, anh Viết xây nhà cấp 4 khang trang, cùng hướng với nhà ông Rạng và đi chung một ngõ.
Sau khi xây nhà một thời gian, anh Út cũng phá miếu để xây nhà riêng. Hôm xảy ra sự việc, chẳng hiểu sao anh Viết ngã lăn đùng ra, vội vàng đưa đi cấp cứu. Mấy ngày ở bệnh viện, bác sĩ chiếu chụp tim, phổi não đủ cả, xét nghiệm máu nhưng không tìm ra bệnh gì. Sau vài hôm anh được xuất viện, nhưng đến đêm thì đuối sức, sáng hôm sau mặt mày tái nhợt. Tầm 8h sáng, anh Viết đòi nằm xuống giường rồi cứ lịm đi, chết sau một cơn co giật cứng người.
Những cái chết đáng sợ liên tiếp
Sau khi con trai qua đời, ông Rạng có biểu hiện lạ, tâm tính thay đổi, thi thoảng lại vật vờ ngờ nghệch. Sức khỏe ông ngày càng yếu, hay kêu mệt, chân tay run rẩy. Dù đi khám nhiều, xét nghiệm chiếu chụp nhưng cũng không phát hiện ra vấn đề gì. Ông uống rượu ngày càng nhiều, và 1 tháng sau ngày con trai Trần Văn Viết mất, ông Trần Văn Rạng đã đột ngột qua đời, cũng sau một cơn co giật cứng người.
Đến 100 ngày của ông Rạng, khi mọi người đang cúng thì bé Trần Quốc Khánh (khi đó mới 6 tuổi, con trai anh Út và vợ Vũ Thị Nhung) bỗng nhiên ngã lăn ra chiếu, lên cơn co giật, mắt trợn ngược sùi bọt mép. Cháu có biểu hiện bị ngạt thở, lên cơn đau tim đột ngột và chỉ vài phút sau thì qua đời.
Không chỉ cháu Khánh, hàng chục người trong buổi lễ cũng lăn ra ngất nhưng sau đó đều tỉnh, chỉ có bà Đào, anh Út và chị Nhung bị nặng, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình. Tuy nhiên, bà Đào đã chết trên đường đến bệnh viện.
Anh Trần Văn Út được chăm sóc ở bệnh viện Bạch Mai rất chu đáo, nhưng ra viện hôm trước, hôm sau anh cũng đột ngột qua đời.
Những cái chết này được kết luận là do mắc hội chứng não cấp. Khi đó, BS Phạm Duệ là Phó trưởng Khoa Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai tin rằng, đây là hiện tượng ngộ độc bởi loại hóa chất gây co giật, nhưng các xét nghiệm đều không tìm ra loại hóa chất nào gây triệu chứng như thế.
Sau vụ việc, cháu Trần Văn Bảo - con trai anh Viết, đã được mẹ đưa thẳng vào Nam trong đêm. Chị Nhung cũng không dám trở về nhà chồng, các hộ dân xung quanh dù không có họ hàng gì nhà ông Rạng cũng chuyển đi nơi khác sinh sống.
Dù sợ hãi nhưng ông Nguyễn Văn Thung và ông Trần Văn Lưu vẫn phải ở lại để khói hương và giúp đỡ bà Tâm. Tuy nhiên, đúng 1 tháng sau hôm 100 ngày của ông Rạng, bà Phạm Thị Tâm, khi đó đã 77 tuổi, là bà thím và cũng là mẹ nuôi của ông Rạng đang ngồi ăn cơm cùng 2 đứa cháu bỗng kêu khó chịu, chân tay run lẩy bẩy, sau đó sùi bọt mép rồi rơi vào trạng thái co giật toàn thân.
Bà Tâm được điều trị tích cực ở Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Thái Bình. Sau mấy ngày điều trị và qua cơn nguy hiểm, bà Tâm được đưa về phòng theo dõi. Khi đó, em dâu Bùi Thị Hợi (bà Hợi khi đó 69 tuổi, ở xã Vũ Lạc) và bố vợ anh Trần Văn Út là ông Vũ Văn Bình (ông Bình lúc đó 52 tuổi, quê xã Vũ Đông) cùng lên chăm sóc.
Dù các bác sĩ khẳng định đã qua cơn nguy kịch, thế nhưng chỉ sau 20 ngày điều trị và tích cực theo dõi, bà Tâm đã qua đời ngay trên giường bệnh sau một cơn co giật bất ngờ.
Hai năm sau khi bà Tâm mất, ông Lưu cũng ra đi vì bạo bệnh. Tuy nhiên, mọi người còn sống sót trong nhà ông Rạng cũng như người dân nơi đây đều liên hệ tới câu chuyện đầy bi kịch xảy ra liên tiếp thời gian qua.
Theo TN/SKCĐ