Da mặt chị mỏng dần, thậm chí nhìn thấy rõ mạch máu. Chị dễ bị kích ứng, đỏ, ngứa và sưng. Lúc này chị mới ngừng bôi loại kem trộn trước đó. Dù không bôi nữa nhưng chị ngày càng thấy ngứa ngáy, da nổi mẩn và sạm đen đi trông thấy nên tìm tới Bệnh viện Da liễu Trung ương.
ThS. BS Lê Thị Mai, khoa Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội) cho biết, bệnh nhân này đã sử dụng kem trộn trắng da không rõ nguồn gốc trong 6 tháng. Hậu quả là da mặt tăng sắc tố, chỗ trắng chỗ đen lốm đốm không đều màu. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hoang mang và chán nản.
Theo bác sĩ, hiện tượng tăng sắc tố trên da bệnh nhân này là do hiện tượng viêm mà thành. Sau thăm khám, bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân dùng kem chống nắng 3 giờ/lần, bôi các sản phẩm chống viêm không chứa corticoid, kem giữ ẩm, kháng histamin đường toàn thân nhằm hạn chế các phản ứng viêm để ngăn chặn sự tăng sắc tố.
Mặt khác, bệnh nhân cũng được sử dụng các liệu trình điều trị tại chỗ không xâm lấn để khắc phục tình trạng tăng sắc tố và mẩn ngứa.
Dù vậy bác sĩ cũng cho hay, việc điều trị cho các trường hợp bị tăng sắc tố như vậy thường mất nhiều thời gian từ 6 tháng đến 1 năm. Thậm chí với những trường hợp mất sắc tố thì việc chữa trị là không thể.
Những hợp chất này gây tổn thương da nếu sử dụng không đúng và kéo dài. Ban đầu, người dùng sẽ thấy hiệu quả nhanh nhưng nếu càng dùng hậu quả càng nghiêm trọng.
Trong khi đó, corticosteroid được hấp thụ nhanh chóng, lạm dụng có thể dẫn đến nhiễm nấm da, tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, tăng huyết áp, tiểu đường hoặc vô sinh. Chưa kể, một số loại kem trộn sử dụng thủy ngân trong làm trắng da gây ra các vấn đề về thận, gan, thần kinh…