Cách nhận diện trang Facebook "tích xanh" giả mạo lừa đảo

Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn nhận diện các trang Facebook giả mạo, ngay cả khi chúng đã được cấp "tích xanh" xác thực và sở hữu lượng người theo dõi khổng lồ. Với những thủ thuật tinh vi ngày càng phổ biến, việc phân biệt thật - giả không hề đơn giản.

Cách nhận diện trang Facebook "tích xanh" giả mạo để tránh bị lừa đảo

Facebook bùng nổ các chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi

Facebook hiện là mạng Xã hội được sử dụng rộng rãi nhất tại Việt Nam. Theo thống kê mới nhất đầu năm 2025, Việt Nam có hơn 86 triệu người dùng Facebook, chiếm 83,8% dân số, đưa nước ta vào top những quốc gia có lượng người dùng Facebook cao nhất thế giới.

Không chỉ là nơi để chia sẻ cuộc sống, kết nối bạn bè, Facebook còn trở thành một kênh mua sắm trực tuyến sôi động, nơi người dùng dễ dàng tìm kiếm, trao đổi và giao dịch hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của nền tảng này cũng kéo theo hàng loạt chiêu trò lừa đảo tinh vi, khiến nhiều người mất tiền oan.

Một trong những hình thức lừa đảo phổ biến nhất trên Facebook hiện nay là bán hàng kém chất lượng, nhận tiền nhưng không giao hàng hoặc giả danh thương hiệu lớn để lừa khách đặt vé máy bay, phòng khách sạn, khu nghỉ dưỡng.

Cách nhận diện trang Facebook tích xanh giả mạo để tránh bị lừa đảo - 1

Bài viết cảnh báo của nạn nhân bị mất hơn 1 tỷ đồng khi đặt phòng qua Facebook đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng (Ảnh: Việt Hà).

Chẳng hạn, mới đây, một người phụ nữ đã bị lừa 1,1 tỷ đồng khi đặt phòng tại một khu nghỉ dưỡng ở Ninh Bình. Nguyên nhân là do chị tin tưởng vào một trang Facebook có dấu tích xanh, tưởng rằng đó là trang chính thức của khu nghỉ dưỡng, mà không hề hay biết đây thực chất là trang giả mạo do kẻ gian lập ra để chiếm đoạt tài sản.

Dấu tích xanh trên Facebook có thực sự đáng tin?

Dấu "tích xanh" trên Facebook, Instagram hay X (Twitter) vốn là biểu tượng xác minh tài khoản, giúp người dùng nhận diện tài khoản chính chủ của người nổi tiếng, thương hiệu hoặc tổ chức. Những tài khoản có dấu tích xanh thường được đánh giá là đáng tin cậy hơn so với tài khoản thông thường.

Tuy nhiên, từ tháng 3/2023, Meta (công ty mẹ của Facebook, Instagram) đã triển khai dịch vụ Meta Verified, cho phép người dùng trả phí hàng tháng để mua dấu tích xanh, thay vì chỉ cấp cho những tài khoản nổi bật như trước đây.

Cách nhận diện trang Facebook tích xanh giả mạo để tránh bị lừa đảo - 2

Các tài khoản Facebook có dấu tích xanh không còn đáng tin cậy như trước đây (Ảnh minh họa: Getty).

Điều này đồng nghĩa với việc bất kỳ ai cũng có thể sở hữu dấu tích xanh, miễn là họ trả phí hoặc sử dụng các dịch vụ "lách luật" để qua mặt Meta. Không ít kẻ lừa đảo đã lợi dụng điều này để tạo trang giả mạo doanh nghiệp, thương hiệu nổi tiếng, sau đó đăng ký tích xanh để tăng độ tin cậy, khiến nhiều người dễ dàng mắc bẫy.

Nhiều nạn nhân đã chuyển tiền, cung cấp thông tin cá nhân hoặc đặt mua hàng từ những trang Facebook giả mạo này, mà không hề biết mình đã bị lừa.

Cách nhận diện trang Facebook giả mạo để tránh bị lừa đảo

Với việc dấu tích xanh có thể mua được và các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, việc nhận diện các trang Facebook giả mạo trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Dưới đây là một số cách giúp bạn phát hiện sớm các tài khoản mạo danh, ngay cả khi chúng có dấu tích xanh và lượng người theo dõi lớn:

Kiểm tra URL của trang: Các trang Facebook chính thức thường có tên miền ngắn gọn, dễ nhớ. Trong khi đó, các trang giả mạo thường có tên dài, thêm ký tự lạ hoặc số để đánh lừa người dùng.

Tìm kiếm thông tin trên website chính thức: Nếu một doanh nghiệp hoặc thương hiệu có thật, họ chắc chắn sẽ có website riêng. Bạn hãy kiểm tra xem trên trang web chính thức của họ có liên kết đến trang Facebook đang theo dõi hay không.

Xem lịch sử hoạt động của trang: Một tài khoản chính chủ thường có lịch sử đăng bài lâu năm, còn các trang giả mạo thường mới tạo hoặc có ít bài viết cũ.

Kiểm tra nội dung bài đăng: Trang chính thức thường chia sẻ thông tin chi tiết về sản phẩm, dịch vụ, trong khi các trang lừa đảo thường đăng nội dung sơ sài, thiếu thông tin xác thực.

Cảnh giác với tin nhắn yêu cầu chuyển tiền: Các doanh nghiệp uy tín không bao giờ yêu cầu khách hàng chuyển khoản trước khi xác nhận thông tin. Nếu một trang Facebook liên tục nhắn tin hối thúc bạn chuyển tiền, hãy dừng giao dịch ngay lập tức.

Kiểm tra bình luận và đánh giá: Những trang Facebook giả mạo thường khóa bình luận hoặc chỉ hiển thị những bình luận tích cực (có thể do chính họ tạo ra). Hãy kiểm tra đánh giá từ nhiều nguồn khác nhau trước khi quyết định giao dịch.

Kiểm tra tính minh bạch của trang Facebook

Để kiểm tra mức độ tin cậy của một trang Facebook, người dùng có thể xem các thông tin về tính minh bạch của trang Facebook này.

Để thực hiện điều này, bạn truy cập vào trang Facebook muốn kiểm tra thông tin, nhấn vào mục "Giới thiệu". Tại giao diện hiện ra, bạn nhấn vào mục "Tính minh bạch của trang" và nhấn nút "Xem tất cả".

Cách nhận diện trang Facebook tích xanh giả mạo để tránh bị lừa đảo - 3

Tại hộp thoại hiện ra, bạn sẽ thấy rõ thông tin chi tiết về trang Facebook, bao gồm ngày lập trang, những lần đổi tên trang và danh sách các quản trị viên của trang Facebook.

Nếu một trang Facebook mới được thành lập hoặc thường xuyên đổi tên trang, mà tên gọi không liên quan đến nhau, rất có thể đây là một trang Facebook được lập ra với mục đích lừa đảo.

Cách nhận diện trang Facebook tích xanh giả mạo để tránh bị lừa đảo - 4

Trang Facebook có dấu tích xanh nhưng thường xuyên đổi tên với những lần đổi tên không liên quan đến nhau (Ảnh chụp màn hình).

Sở dĩ có điều này vì tin tặc có thể tấn công và chiếm đoạt một trang Facebook có lượng người theo dõi lớn, sau đó đổi tên trang và gắn dấu tích xanh để thực hiện hành vi lừa đảo.

Ngoài ra, dựa vào thông tin quản trị viên của trang Facebook, bạn cũng có thể đoán được đó có phải là trang giả mạo hay không.

Chẳng hạn các trang Facebook có gắn dấu tích xanh của một cầu thủ Bóng đá hoặc ngôi sao ca nhạc nổi tiếng tại nước ngoài, nhưng lại chỉ có quản trị viên đến từ Việt Nam, thì gần như chắc chắn đó là trang Facebook giả mạo do chính người Việt lập ra nhằm câu tương tác, bán hàng hoặc lừa đảo người dùng.

Cách nhận diện trang Facebook tích xanh giả mạo để tránh bị lừa đảo - 5

Một trang Facebook có dấu tích xanh của ca sĩ nổi tiếng Hàn Quốc, nhưng chỉ có các quản trị viên đến từ Việt Nam. Trang Facebook này sau đó được xác định là giả mạo và đã bị xóa (Ảnh chụp màn hình).

Ngược lại, nếu một trang Facebook thường cung cấp thông tin về Việt Nam hoặc mang tên một người nổi tiếng tại Việt Nam, nhưng lại có danh sách quản trị viên ở nước ngoài thì gần như chắc chắn đây cũng sẽ là trang Facebook giả mạo nhằm lừa người dùng truy cập vào các trang web có chứa mã độc.

Sau khi kiểm tra tính minh bạch của trang Facebook và nhận thấy những dấu hiệu khả nghi, thiếu tin cậy… người dùng tuyệt đối không nhắn tin hoặc thực hiện các giao dịch với những trang Facebook này, ngay cả khi trang có gắn dấu tích xanh hoặc có lượng người theo dõi lớn, tránh trở thành nạn nhân cho những kẻ lừa đảo.

Cách nhận diện trang Facebook tích xanh giả mạo để tránh bị lừa đảo - 6

Trang Facebook mạo danh một cơ sở nghỉ dưỡng tại Sa Pa có lượng người theo dõi lớn (Ảnh chụp màn hình).

Cách nhận diện trang Facebook tích xanh giả mạo để tránh bị lừa đảo - 7

Khi kiểm tra tính minh bạch có thể thấy trang này vừa được đổi tên từ một trang Facebook khác không liên quan và quản trị viên không ai ở Việt Nam (Ảnh chụp màn hình).

Kiểm tra lượt tương tác với bài viết trên trang Faceboo

Một điều người dùng cần kiểm tra kỹ đó là lượt tương tác với các bài viết trên trang Facebook. Nhiều người thường chủ quan khi thấy các bài đăng giới thiệu sản phẩm, chào bán dịch vụ… có lượt tương tác cao hoặc nhiều bình luận khen ngợi, hưởng ứng… nên tin tưởng vào nội dung của bài viết.

Tuy nhiên, các trang Facebook giả mạo thường sử dụng các công cụ để tăng lượt tương tác ảo, bao gồm số lượng người nhấn "Thích" hoặc các bình luận trên bài viết.

Cách nhận diện trang Facebook tích xanh giả mạo để tránh bị lừa đảo - 8

Một bài viết trên trang Facebook giả mạo có lượng "Thích" rất nhiều (Ảnh chụp màn hình).

Cách nhận diện trang Facebook tích xanh giả mạo để tránh bị lừa đảo - 9

Nhưng đây đều là những tương tác ảo, được tạo ra từ các "tài khoản ma" từ các công cụ tự động (Ảnh chụp màn hình).

Để kiểm tra xem lượt tương tác trên trang Facebook có phải là giả hay không, bạn mở danh sách các tài khoản đã tương tác với bài viết và truy cập vào trang cá nhân của những tài khoản này. Bạn có thể dễ dàng nhận ra chủ yếu những tài khoản tương tác đều là tài khoản giả mạo, mới được lập hoặc hầu như không hoạt động trên Facebook.

Cách nhận diện trang Facebook tích xanh giả mạo để tránh bị lừa đảo - 10

Một tài khoản Facebook giả mạo giải chạy Đà Lạt Music Night Run 2024 để kêu gọi vận động viên đăng ký tham gia với giá vé 269.000 đồng (Ảnh: Minh Hậu).

Đây là những tài khoản được tạo ra bằng các công cụ tự động hoặc do tin tặc chiếm đoạt từ những tài khoản Facebook từ lâu không hoạt động, sau đó chúng sẽ sử dụng những "tài khoản ma" này để tạo tương tác ảo cho các bài viết nhằm phục vụ hành vi lừa đảo của mình.

Nếu phát hiện những bài viết có lượng tương tác ảo, người dùng nên lập tức bỏ qua những bài viết đó và đưa trang Facebook có lượng tương tác ảo vào "danh sách đen".

Cảnh giác khi truy cập vào các trang web được chia sẻ từ Facebook

Một điều người dùng cần hết sức lưu ý đó là khi truy cập các trang web được chia sẻ qua Facebook.

Nhiều người khi liên hệ với các trang Facebook để mua hàng hoặc đăng ký dịch vụ nào đó sẽ được yêu cầu truy cập vào các trang web bên ngoài để khai báo thông tin cá nhân, đăng nhập vào tài khoản Facebook, email hoặc tài khoản ngân hàng…

Tuy nhiên, đây có thể là những trang web giả mạo do tin tặc lập ra nhằm lấy cắp thông tin cá nhân hoặc chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, Facebook, email… của người dùng.

Thông thường khi truy cập các trang web này, người dùng sẽ thấy giao diện trang web rất giống với giao diện đăng nhập vào Facebook, email hoặc tài khoản ngân hàng.

Cách nhận diện trang Facebook tích xanh giả mạo để tránh bị lừa đảo - 11

Trang web giả mạo giao diện đăng nhập của Facebook, với tên miền placeboook.com (Ảnh: PCMag).

Nhiều người đã không nghi ngờ, lập tức đăng nhập vào tài khoản Facebook hoặc tài khoản ngân hàng của mình, mà không hay biết các thông tin đăng nhập sẽ lập tức bị tin tặc chiếm đoạt để xâm nhập vào tài khoản của họ.

Do vậy, trước khi khai báo bất kỳ thông tin hoặc đăng nhập vào tài khoản, người dùng cần phải kiểm tra kỹ các trang web mình đang truy cập.

Đầu tiên, bạn phải kiểm tra kỹ đường dẫn của trang web. Mặc dù các trang web này có giao diện rất giống trang web thật, nhưng tên miền thì không thể làm giả được.

Những kẻ lừa đảo thường đăng ký những tên miền giả mạo rất giống với địa chỉ của trang web thật, chẳng hạn như facebooks.com hoặc facbook.com… nhưng điều này có thể nhận ra bằng mắt thường nên chú ý kỹ.

Một cách khác để nhận diện trang web lừa đảo, đó là những trang web này sẽ sử dụng giao thức HTTP không được mã hóa, thay vì giao thức HTTPS.

Cách nhận diện trang Facebook tích xanh giả mạo để tránh bị lừa đảo - 12

Trang web giả mạo giao diện đăng nhập vào tài khoản Netflix sử dụng giao thức HTTP không được mã hóa dữ liệu (Ảnh: PCMag).

Các trang web chính thống hiện nay đều sử dụng giao thức HTTPS để bảo vệ dữ liệu của người dùng. Do vậy, nếu truy cập vào một trang web với giao thức HTTP, người dùng tuyệt đối không đăng nhập hoặc khai báo bất kỳ thông tin cá nhân nào của mình.

***

Các hình thức lừa đảo qua Internet đang ngày càng tinh vi nhằm chiếm đoạt thông tin cá nhân, tài sản hoặc tài khoản mạng xã hội, email… Trên đây là một vài lưu ý để giúp người dùng có thể nhận diện những trang Facebook giả mạo, từ đó nâng cao cảnh giác để tránh trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo.