Nghiên cứu này do tiến sỹ Nguyễn Phương Hạnh làm chủ nhiệm, thực hiện trong hai năm 2017-2018 và cho kết quả thành công.
Theo đó, các nhà khoa học phát hiện hợp chất falcarindiol từ loài thìa là hóa gỗ việt có tác dụng gây độc cho cả bốn dòng tế bào ung thư phổi, ung thư vú, ung thư gan và ung thư tiền liệt tuyến. Kết quả thử trong ống nghiệm chất này thể hiện tác dụng kháng viêm mạnh.
Các nhà khoa học tiến hành thu mẫu cây thìa là hóa gỗ. Ảnh: VAST
Thìa là hóa gỗ (Xyloselinum) là chi mới cho khoa học, lần đầu tiên được phát hiện với hai loài mới đặc hữu của Việt Nam (Thìa là hóa gỗ việt - Xyloselinum vietnamense và Thìa là hóa gỗ leonid - Xyloselinum leonidii).
Thìa là hóa gỗ (Xyloselinum) là chi nhỏ, mới chỉ biết có 3 loài (Việt Nam 2 loài và Lào 1 loài) và phân bố rất rải rác, rất hạn chế ở một số nơi, nguồn gen của chúng đã và đang bị đe dọa nghiêm trọng. Việc điều tra, nghiên cứu đặc điểm sinh học, hóa học và hoạt tính sinh học từ 2 loài của chi Thìa là hóa gỗ (Xyloselinum Pimenov & Kljuykov) là cần thiết, làm cơ sở khoa học để đề xuất biện pháp bảo tồn và sử dụng bền vững.
Tuy nhiên, hiện nay các loài này đang có nguy cơ suy giảm số lượng nhanh chóng do người dân địa phương thu hái quá mức và bán sang Trung Quốc làm thuốc.
Sau 2 năm thực hiện, đề tài đã xây dựng dữ liệu về mặt sinh học, sinh thái hai loài Thìa là hóa gỗ việt (Xyloselinum vietnamense Pimenov & Kljuykov) và Thìa là hóa gỗ leonid (X.leonidii Pimenov & Kljuykov) tại khu Bảo tồn Thiên nhiên Bát Đại Sơn, huyện Quản Bạ, và vùng núi đá vôi thuộc xã Sính Lủng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Bên cạnh giá trị sử dụng, hai loài này rất có ý nghĩa khoa học vì chúng là các loài đặc hữu của Việt Nam. Do đó, các nhà khoa học đã đề xuất một số biện pháp bảo tồn hiệu quả hai loài Thìa là hóa gỗ. Kết quả nghiên cứu này sẽ làm cơ sở quan trọng việc bảo tồn nguồn gene quý hiếm và nghiên cứu sâu hơn về các đặc tính và hoạt tính mới của chi thìa là hóa gỗ ở Việt Nam.