Trên báo chí, doanh nhân - hoa hậu Đặng Ngọc Chúc chia sẻ: "Thời điểm lần đầu khởi nghiệp, dồn hết số vốn chồng dành dụm được đi làm ăn nhưng nhanh chóng thất bại, tôi từng rơi vào khủng hoảng với những suy nghĩ tiêu cực vì tưởng như mình sắp đánh mất cả gia đình. Tôi cảm nhận được sự thất vọng trong ánh mắt của chồng và có thời gian, anh đã rời bỏ tôi. Con gái chính là động lực để tôi vực dậy tất cả. Dường như, với bản năng vốn có của người phụ nữ không bao giờ khuất phục trước số phận cùng tính cách hiếu thắng của mình, tôi càng có thêm ý chí quyết tâm đứng lên một lần nữa".
Chỉ trong vòng 6 tháng, nhờ vào sự nhạy bén sẵn có, Ngọc Chúc chớp lấy cơ hội và từng bước đạt được thành công, thoát khỏi cảnh nợ nần bủa vây, gia đình tái hợp trở lại. Nói thì dễ, nhưng để làm được là cả một quá trình đấu tranh tâm lí và đánh đổi sức lực của nữ doanh nhân trẻ. Hiện tại, chị là Giám đốc Công ty mỹ phẩm Lê Vân – người sáng lập thương hiệu mỹ phẩm Humnile.
Theo thông tin doanh nghiệp này quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội với nội dung: "Năm 2014, Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Mỹ phẩm Lê Vân ra đời. Sau ba năm đi vào hoạt động, từ thị trường phân phối nhỏ lẻ ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Đến nay, mỹ phẩm Lê Vân đã có mặt rộng khắp cả nước và xuất khẩu ra một số nước như: Malaysia, Hàn Quốc…
Các dòng sản phẩm của Lê Vân được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại, khép kín, tuân thủ các quy trình sản xuất nghiêm ngặt. Nguyên liệu đầu vào được chọn lọc kỹ lưỡng, có nguồn gốc từ thiên nhiên, nhập khẩu từ Đức, Pháp, Nhật Bản.
Tháng 7 năm 2015, mỹ phẩm Lê Vân đã vinh dự nhận Cúp Sản phẩm an toàn vị sức khỏe cộng đồng và Bằng chứng nhận chìa khóa vàng cho sự thành công năm 2015. Tháng 6 năm 2017, mỹ phẩm Humnile – dòng thương hiệu nổi bật nhất của Lê Vân chính thức nằm trong danh sách Top 10 sản phẩm – Dịch vụ tốt nhất vì người tiêu dùng".
Như vậy chưa đủ khi chị còn được quảng cáo như một vị bồ tát sống với nội dung: "Mỗi tháng, chị đều dành một ngày để tặng gạo, nhu yếu phẩm cho những ngôi chùa nuôi trẻ mồ côi, người nghèo, tổ chức những chuyến từ thiện đi đến các vùng quê xa để trao học bổng cho học sinh nghèo và tặng gạo, ủng hộ tiền cho chị em mắc bệnh hiểm nghèo. Chị cũng tài trợ cho rất nhiều hoạt động của sinh viên như: Cặp đôi Quản trị 2016 của sinh viên khoa Quản trị Kinh doanh trường đại học Công Nghệ Sài Gòn; Khởi nghiệp tinh gọn với sản phẩm handmade của trường đại học Kinh Tế TP. HCM…".
Thật sự thuyết phục người tiêu dùng bằng sự hào nhoáng, những câu nói truyền cảm hứng như: Tôi làm được và bạn cũng thế". Đặng Ngọc Chúc như một điểm sáng cho ngành mỹ phẩm Việt Nam, người người tin, nhà nhà dùng. Bởi trước giờ rất ít doanh nghiệp mỹ phẩm Việt Nam có thể đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường quốc tế. Hơn nữa lại được bán bởi chính vị doanh nhân Á hậu cuộc thi Hoa hậu người Việt châu Á Thái Bình Dương 2019.
Tuy nhiên, ngày 28/4/2020, thanh tra Sở Y Tế Tp. Hồ Chí Minh vừa công bố xử phạt nặng hàng loạt các doanh nghiệp mỹ phẩm có hành vi gian dối. Nổi bật trong danh sách có tên công ty TNHH MTV SX và TM Mỹ phẩm Lê Vân (do vi phạm tại chi nhánh) có địa chỉ 504/51/45 Kinh Dương Vương, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân.
Cụ thể mỹ phẩm Lê Vân vi phạm các lỗi: quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung thực hiện quảng cáo theo quy định; Kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Với các lỗi vi phạm trên Công ty Mỹ phẩm Lê Vân bị phạt 50 triệu đồng và buộc tháo gỡ, xóa quảng cáo. Buộc tiêu hủy mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Được biết, Công ty mỹ phẩm Lê Vân hiện đang lưu hành các dòng mỹ phẩm như: Qualu&lalu, mỹ phẩm Humnile,…Lúc này người tiêu dùng mới thực sự đặt câu hỏi, bấy lâu nay người ta coi trọng vẻ hào nhoáng, lớp vỏ bọc dày dặn được xây dựng kỳ công như hoa hậu Đặng Ngọc Chúc liệu có thực sự an toàn? Sự thật đằng sau những lời lẽ quảng cáo hung hồn, mật ngọt là gì?
Phân tích về tác hại trong việc sử dụng mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc trên báo chí, Bác sĩ Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết: "Bất kể người nào đều có thể bị dị ứng các thành phần trong mỹ phẩm, kể cả mỹ phẩm rõ nguồn gốc hay không. Điều này gây tác hại rất lớn đối với người tiêu dùng. Riêng những trường hợp dùng phải mỹ phẩm giả đa phần sẽ bị dị ứng, kích ứng vì có thể trong mỹ phẩm đó chứa những chất độc với cơ thể, gây tổn hại da. Một là chất lột tẩy mạnh gây mất sắc tố, gây bỏng, gây sẹo trên da và kích ứng da như bong tróc, rát…
Nguy hiểm hơn là những chất đó gây biến đổi thành phần lý hóa trên bề mặt da và mô phía dưới, trong đó, phải kể đến chất corticoid. Hiện thị trường có rất nhiều sản phẩm chứa chất corticoid nhưng không được ghi rõ, như các loại kem trộn, mủ trôm, ốc sên... Sau khi dùng các sản phẩm này, thời gian đầu thì da đẹp nhưng một thời gian biến đổi giãn mạch, mọc lông, teo mỏng da, thay đổi sắc tố, phụ thuộc corticoid, nếu không dùng thì sẽ bị mẩn ngứa. Có người bị sau 2 - 3 tháng hoặc vài năm sử dụng. Điều trị các trường hợp này vô cùng khó khăn”.
Mỹ phẩm hàng nhái, hàng giả còn gây nguy hiểm đến tính mạng khi có những trường hợp phải cấp cứu do dùng mỹ phẩm trên diện rộng như tắm trắng. Khi ủ kem tắm trắng, các chất có trong kem này là phenol hoặc resorcinol có tác dụng trên tim mạch, có thể làm chậm hoặc nhanh nhịp tim. Nhẹ thì không vấn đề gì nhưng với tiền sử bệnh nội khoa, người dùng có thể tử vong.