Trước đề xuất đánh thuế thu nhập cá nhân với lãi tiền gửi tiết kiệm của UBND tỉnh Cần Thơ, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Đại học Tài chính ngân hàng cho biết, đây không phải là lần đầu đề xuất này xuất hiện mà đã có từ hơn 10 năm trước và vấp phải sự phản đối của nhiều chuyên gia kinh tế. Cho đến thời điểm hiện tại, những điểm bất hợp lý vẫn còn.
“Tiền của dân mang đi gửi tiết kiệm là tiền họ kiếm được sau khi đã đóng rất nhiều loại thuế như thuế TNCN, thuế thu nhập doanh nghiệp…Sau khi gửi, thu được lợi nhuận dựa vào lãi suất. Mặc dù gửi tiết kiệm cũng là một hình thức đầu tư, có lợi nhuận thì phải đóng thuế nhưng nếu thu phần thuế này thì người gửi tiền sẽ phải đóng thuế chồng thuế. Đây là điểm bất hợp lý”, ông Thịnh nói.
Ông phân tích thêm, tiền gửi tiết kiệm là kênh chủ đạo giúp ngân hàng tạo ra nguồn lực tài chính, hỗ trợ phát triển nền kinh tế bằng việc cho vay tín dụng, kinh doanh. Nếu phải đóng thuế tiền gửi ngân hàng, kênh huy động vốn này sẽ mất đi lợi thế hút khách, gây tổn thất về nguồn lực phát triển kinh tế.
Thực tế, giá cả hàng hóa liên tục lên giá. Bất chấp việc khoản tiền gửi tiết kiệm vẫn sinh lời hàng tháng, hàng năm nhưng khoản tiền tăng thêm không theo kịp sự tăng giá của hàng hóa, đặc biệt là sự tăng giá của bất động sản và vàng. Do đó, việc đánh thuế tiền gửi tiết kiệm là không đáng.

Có nên đánh thuế tiền lãi gửi tiết kiệm? (Ảnh minh họa)
Có cùng ý kiến, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch điều hành kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đồng tình với việc Nhà nước đánh thuế các nguồn thu nhập để đảm bảo tính công bằng và đem lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay mới chỉ một bộ phận người dân tiết kiệm tiền để gửi ngân hàng lấy lãi thì nếu đánh thuế, liệu người dân có tiếp tục gửi tiền ngân hàng nữa hay không, từ đó ngân hàng có dễ huy động được vốn không, hệ quả như thế nào. Nếu người dân hạn chế gửi tiền thì khi đó ngân hàng lấy tiền đâu để cho cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu vay?
"Theo tôi, không phải bất cứ nguồn thu nhập chính đáng nào cũng phải đánh thuế. Tất cả các nguồn thu phải nộp thuế là phù hợp, nhưng nếu thuế chồng thuế thì phải tính toán lại và đánh giá kỹ tác động của đề xuất đó”, ông Hùng nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Quang Huy, CEO khoa Tài chính ngân hàng, trường Đại học Nguyễn Trãi cũng cho rằng gửi tiết kiệm không chỉ mang lại lợi ích cá nhân mà còn cung cấp nguồn vốn quan trọng cho nền kinh tế. Ngân hàng dựa vào tiền gửi để mở rộng tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp giúp phát triển các dự án, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Bất kỳ biến động nào trong dòng tiền gửi đều ảnh hưởng đến lãi suất, chi phí vốn và khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Trong bối cảnh cần ổn định tài chính và huy động vốn hiệu quả, vấn đề này càng trở nên cấp thiết.
“Về chính sách thuế, cần đảm bảo công bằng. Như vậy, việc đánh thuế tiền gửi tiết kiệm có còn công bằng nữa không khi tiền gốc là khoản thu nhập đã được đóng thuế. Thêm vào đó, nếu chỉ tiền gửi bị đánh thuế, trong khi các kênh đầu tư khác (đầu tư vàng, chứng khoán, bất động sản…) không chịu mức tương tự, có thể gây mất cân bằng và thay đổi Xu hướng tài chính cá nhân”, ông Huy nói.
Theo ông Huy, việc điều chỉnh thuế đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng để vừa đảm bảo nguồn thu ngân sách, vừa giữ ổn định tài chính và bảo vệ lợi ích người gửi tiền. Chính sách tốt không chỉ duy trì sự ổn định mà còn tạo động lực phát triển, tránh tác động tiêu cực đến tâm lý người dân và dòng chảy vốn trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn khác, ông Lê Vân Anh, Giám đốc một doanh nghiệp tại Hà Nội cho biết, năm 2017 - 2018 cũng đã xuất hiện thông tin đề xuất đánh thuế lãi suất tiền gửi ngân hàng và ông cho rằng đó là phù hợp, bởi tất cả nguồn thu nhập đều phải đánh thuế để tạo công bằng cho Xã hội.
“Việc đánh thuế cũng góp phần đưa dòng tiền ra sản xuất, kinh doanh nhiều hơn, tạo ra lợi nhuận, tạo việc làm cho xã hội nhiều hơn, thay cho việc nguồn tiền cứ trú ẩn vào ngân hàng để lấy lãi. Thực tế, có thời điểm sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp thay bằng sản xuất, kinh doanh, đã lấy dòng tiền của mình để gửi ngân hàng. Nay đánh thuế lãi suất tiền gửi sẽ giúp các doanh nghiệp, người dân tìm phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn, góp phần tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội”, ông Vân Anh nói.
Trước đó, góp ý dự thảo đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) của Bộ Tài chính, UBND TP Cần Thơ cho rằng nhà điều hành nên nghiên cứu, mở rộng cơ sở thuế. Theo đó, tỉnh này đề xuất lãi tiền gửi tiết kiệm chỉ nên miễn thuế thu nhập cá nhân với quy mô tiết kiệm nhỏ.
Theo quy định hiện nay, cá nhân có các khoản lãi tiền gửi nhận được từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang được miễn thuế. Đây là các khoản tiền gửi dưới các hình thức không hoặc có kỳ hạn, gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các khoản khác theo nguyên tắc hoàn trả đầy đủ gốc, lãi.
Hiện chỉ thu nhập từ lãi tiền gửi của công ty, doanh nghiệp mới bị tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Ngược lại, tỉnh Ninh Thuận đề xuất giữ nguyên chính sách miễn thuế với lãi suất tiền gửi tiết kiệm, trái phiếu Chính phủ và các khoản đầu tư dài hạn. Nguyên nhân là việc duy trì ưu đãi thuế sẽ giúp khuyến khích người dân gửi tiền vào ngân hàng, đảm bảo dòng vốn cho nền kinh tế và tạo động lực phát triển.
Theo phản hồi của Bộ Tài chính, định hướng điều chỉnh chính sách thuế hiện nay nhằm đảm bảo nguồn thu bền vững, hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong các sắc thuế. Tuy nhiên, cơ quan này chưa đưa ra phương án cụ thể về việc có đánh thuế lãi tiền gửi hay không.