Đứa trẻ bất hạnh
Khi mới 15 tuổi, Năm Cam (Tức Trương Văn Cam, sinh năm 1947) từng có mối tình cuồng nhiệt với cô bạn kém một tuổi là Mai Thị Nguyệt. Và kết quả của cuộc tình đó là sự ra đời của bé trai kháu khỉnh được đặt tên là Trương Văn Hùng (SN 1962). Trao đổi với PV báo ĐS&HN, bà Mai Thị Nguyệt, cô bé “trót dại” với Trương Văn Cam khi xưa, nay đầu đã hai thứ tóc kể rằng: đặt tên cho đứa con trai như vậy là bà cũng như ông bố trẻ Trương Văn Cam và gia đình hai bên muốn đứa trẻ lớn lên sẽ hùng dũng, kiên cường xây dựng nên sự nghiệp khiến cho hai họ đều mở mày mở mặt.
Đến khi vừa tròn 7 tuổi, ông ngoại của Hùng làm ăn thua lỗ đâm ra chán nản, héo hon dần rồi sau đó từ giã cõi đời sau cơn bạo bệnh. Chưa kịp hiểu điều gì vừa xẩy ra sau cái chết của ông ngoại thì thì Hùng phải đón nhận thêm cú sốc khác khi bà ngoại buộc phải bán nhà trả nợ rồi đi làm mướn. Không còn đủ sức kiếm tiền để nuôi cháu nên bà ngoại cũng đành bỏ Hùng tự bươn chải với đời. Đến tận bây giờ anh Hùng vẫn không thể hiểu và cũng không thể nhớ tại sao lúc đó bà ngoại lại bỏ rơi mình như vậy.
Cho đến tận bây giờ, dù mấy chục năm đã trôi qua nhưng trong tâm trí Hùng vẫn còn hằn in những tháng ngày cơ cực đó. “Nhiều đêm mưa gió tầm tã mà trong bụng chả có cái gì, vừa đói vừa rét nên trằn trọc không thể nào chợp mắt. Cứ mỗi buổi sáng tôi phải lê la đến các hàng quán ngửa tay xin bố thí. Thời đó ai cũng nghèo nên thấy mấy kẻ hành khất như mình là họ xua đuổi, đánh đập. Nhưng đói đầu gối phải bò, muốn tồn tại được tôi phải đánh liều xông vào các quán ăn, đứng canh chừng những vị khách ăn xong vừa đứng dậy là lập tức chạy lại ăn thừa chút thức ăn còn sót lại trong bát đĩa của họ. Mà phải ăn thật nhanh rồi bỏ chạy trước khi chủ quán phát hiện sẽ đánh đòn. Đó là năm tháng cơ cực nhất khiến tôi nghĩ muốn tồn tại được phải có mánh khóe, mưu mô thì may ra đỡ khổ ”, anh Hùng nhớ lại.
Lại nói về Năm Cam, mặc dù phạm trọng tội nhưng do còn ít tuổi nên chỉ phải ngồi tù hai năm thì được thả. Trở về nhà thì cô bạn gái đã bỏ đi, con trai thì ông bà ngoại nuôi nên gã buôn bán lặt vặt ở khu chợ trời Chợ Lớn. Một vài lần Năm Cam có đến thăm thằng con trai nhưng cũng mắt trước mắt sau rồi đi mất. Anh Hùng kể, sau khi lang thang đầu đường xó chợ được khoảng 1 năm (8 tuổi), một lần anh vô tình gặp cha mình. Thấy Hùng vật vã trên đường phố mưu sinh một mình, người cha này cũng có đôi chút tình cảm và trách nhiệm.
Ông trùm Năm Cam tại phiên tòa
Những vết trượt đầu đời của con trai trùm tội phạm Năm Cam
Học được vài năm, Hùng đâm ra chán nản, không muốn đến lớp mà chơi bời lêu lổng. Thậm chí, cậu còn thường xuyên đánh bạn, cùng đám trẻ bụi đời trong xóm kéo đi xem đánh nhau, đánh bạc. Đến năm 13 tuổi thì Hùng nhất quyết đòi nghỉ học. Dù bà Tư Xẩm tìm mọi cách để tìm hiểu nguyên do và ép cháu quay lại trường học nhưng bất thành. Khi kể lại những chuyện này, anh Hùng cho biết được sống với bà bác sung sướng, không phải lang thang đầu đường xó chợ thì thích lắm. Nhưng họ được một thời gian bị mấy đứa bạn chế nhạo: “Cha đi tù, mẹ bỏ rơi” nên không chịu được. Lúc đầu thì bị bạn giễu cợt, sau đó biến thành trò đùa, rồi dần dần thành người luôn bị ức hiếp. Vì tức nên Hùng đã giao du với đám trẻ bui đời bên ngoài để khỏi bị bắt nạt rồi hư hỏng lúc nào không hay. “Đó là sai lầm đầu tiên đẩy bản thân rơi vào vòng xoáy tù tội đến suốt cuộc đời sau này”, Hùng trầm ngâm nói.
Sau khi bỏ học vì giao du với đám bạn bùi đời, “tiếng gọi đường phố” vẫy gọi nên Hùng không muốn về sống với bà cô Tư Xẩm nữa mà quyết đi tìm mẹ ruột. Bà Nguyệt lúc đó mưu sinh bằng nghề bói bài cho khách nhưng thu nhập bèo bọt, bấp bênh. Từ ngày Hùng đến ở chung, suốt ngày bà than vãn, kêu khó khăn như muốn trốn tránh trách nhiệm làm mẹ. Không sống được trong cảnh đó Hùng quyết định đi bụi. Rời nhà mẹ mấy hôm, Hùng đã bắt đầu ăn trộm để kiếm cái ăn. Ban ngày, Hùng tìm đến bến xe Hùng Vương (cũ) đứng rình rập chờ người dân sơ hở để ăn cắp đồ.
Nếu lần đầu tiên đi tù này, Trương Văn Hùng nhận thức được sai lầm thì có lẽ đã tránh phải chịu cuộc đời “ăn cơm tù nhiều hơn cơm nhà” như sau này. Trong suy nghĩ của gã lúc bấy giờ, trại giam không phải là nơi để cải tạo mà chủ yếu để làm thước đo “số má”. Vào tù, Hùng bị giam giữ chung với những phạm nhân lớn tuổi khác.
Nỗi đau của bà mẹ chứng kiến con rơi vào tội lỗi
10 năm sau ngày Năm Cam đã vùi sâu dưới lớp đất, cỏ úa rêu phủ nhưng ký ức về những chuỗi ngày ngắn ngủi gắn bó với ông trùm vẫn in đậm trong tâm trí bà Nguyệt. Dù thời gian có dần lãng quên những ký ức đau đớn nhưng mỗi khi gợi lại nỗi đau thời trẻ dại, khi nhắc về Năm Cam, bà không giấu giếm những cảm xúc trái ngược. Bà bảo: “Hận bao nhiêu thì lại thương bấy nhiêu. Hận vì ông sống không để phúc cho con cháu, thương vì lúc chết, tất cả tiền tài gây dựng thành “của thiên trả địa”, xuống mồ phải mang áo tù, vô cùng thê thảm”.
Người đàn bà ở tuổi xế chiều, với bao nhiêu căn bệnh hoành hành, sống dựa vào nghề coi bói cho khách thập phương khi kể về Năm Cam, đôi mắt mọng nước như chực chờ rơi. Bà bảo, năm tháng thanh xuân cho đến lúc cuối đời, lương tâm bà luôn cắn rứt. Tuổi trẻ lỡ dở với cuộc hôn nhân không hôn thú, bà đã phải chôn vùi trong tội lỗi với năm tháng sống ngoài vòng pháp luật, cầm đầu băng cướp. Đến khi tuổi xế chiều, bà lại đau đớn với Trương Văn Hùng - đứa con trai duy nhất sinh cho Năm Cam.
Bà thừa nhận, chính cuộc hôn nhân ấy đã lấy đi của bà quá nhiều và nhận về một vết nhơ khó rửa: vợ của một kẻ giết người. Tủi phận vì điều đó, sau này bà không dám đi lại với anh em họ hàng vì sợ liên lụy đến mọi người. Bà chỉ có Hùng là con. Từ bé tới lớn, Hùng sinh hư hỏng một phần cũng do ngày xưa bà nông nổi, không quan tâm chăm sóc chu đáo. Khi bà nhận ra sai lầm thì Hùng đã thành kẻ lưu manh, thù hận mẹ mấy chục năm trời. Tuy nhiên, con bỏ mẹ chứ đời nào mẹ bỏ con. Mọi bước đi của Hùng bà đều dõi theo, ngày ngày cầu trời khấn Phật để con đừng mắc thêm sai lầm. Đến khi Hùng được tha tù thì bà đã đưa về sống cùng.
Bà kể: “Khi nó về ở cùng, tôi gần như giam mình trong nhà để canh chừng không cho đám bạn xấu đến rủ rê, quấy rầy nó. Sợ nó tụng kinh một mình không chuyên tâm, tôi lại ngồi tụng kinh niệm Phật cùng. Con ăn chay, tôi ăn chay theo, con thích ăn gì tôi cũng chiều, sẵn sàng làm tất cả mọi việc để cho con không khí gia đình, tạo cho nó có cảm giác được yêu thương, đùm bọc chở che. Tôi luôn nói với nó: “Đừng để tâm quá nhiều đến những gì người ta nói, quên đi quá khứ và hãy nghĩ đến tương lai tốt đẹp hơn. Cho dù, con có hận mẹ cũng không trách móc, mẹ vẫn luôn yêu thương, chờ ngày con quay về”.
Hơn một năm “chiến đấu” cùng con, thấy Hùng thay đổi tốt lên từng ngày, chưa bao giờ bà kỳ vọng đến thế. Niềm hi vọng lớn bao nhiêu thì sự đau đớn, thất vọng lại nhiều bấy nhiêu. “Tháng 11/2013, tôi về quê, đặng có lời thưa với trụ trì trước khi gửi nó vào chùa. Thế nhưng, chỉ một tháng không có tôi quản lý, nó (Hùng – PV) đã hút hít lại”, bà nói. Khi hay tin con tái nghiện, bà đau lắm nhưng vẫn có bấu víu, cố hi vọng đó chỉ là những lời đồn đại. Nhưng khi thấy con gật đầu xác nhận nghiện lại, mọi điều như lâu đài trên cát đổ sụp trước cơn sóng biển. Không kìm được sự tức giận, bà đã hét lên và đuổi con ra khỏi nhà. Hùng bỏ đi từ đó đến nay không dám về.
Xem thêm: Tất tần tật về ông trùm xã hội đen khét tiếng Năm Cam
Theo Giang Uyên / Đời sống Hôn nhân