CSGT phạt sai, người bị phạt được bồi thường như thế nào?

Kể từ ngày 5/5, quy định mới nhất về mức lãi chậm nộp phạt vi phạm giao thông đã được áp dụng. Độc giả băn khoăn, vậy nếu CSGT phạt sai, người bị phạt sai có được đền bù?

Kể từ ngày 5/5, quy định mới nhất về mức lãi chậm nộp phạt vi phạm giao thông, theo Thông tư 18/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính đã được thực hiện.

Theo đó, thông tư này đã bổ sung trường hợp không tính chậm nộp phạt vi phạm hành chính (trong đó có vi phạm về giao thông) đồng thời nêu rõ mức lãi chậm nộp phạt.

Cụ thể, không tính tiền chậm nộp phạt vi phạm hành chính trong các trường hợp: Trong thời hạn được hoãn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; Trong thời gian xem xét, quyết định giảm, miễn phần còn lại hoặc cho phép nộp tiền phạt nhiều lần.

CSGT phạt sai, người bị phạt được bồi thường như thế nào? - 1

Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình không nộp tiền chậm nộp phạt, thì cơ quan có thẩm quyền thu tiền nộp phạt vi phạm hành chính trên quyết định xử phạt (Ảnh minh họa).

Về lãi chậm nộp phạt vi phạm hành chính, khoản 1 Điều 5 Thông tư 18/2023 quy định quá thời hạn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 2 Điều 68 và khoản 1 Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức chưa nộp tiền phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.

Số ngày chậm nộp tiền phạt bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ theo chế độ quy định và được tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp tiền phạt đến trước ngày cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nộp tiền phạt vào ngân sách Nhà nước.

Như vậy, quá thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức chưa nộp tiền phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.

Về cách xác định thời gian để tính tiền chậm nộp phạt, Thông tư 18/2023 nêu rõ, trường hợp quyết định xử phạt được giao trực tiếp thì ngày tính tiền chậm nộp phạt là sau 10 hoặc sau thời hạn thi hành ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính kể từ ngày nhận quyết định xử phạt.

Trường hợp quyết định xử phạt được gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm thì ngày tính tiền chậm nộp phạt là sau 10 ngày (gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ) hoặc sau thời hạn thi hành ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính kể từ ngày quyết định xử phạt được phát hợp lệ theo quy định.

Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt không có xác nhận ngày nhận quyết định xử phạt, không xuất trình được ngày quyết định xử phạt được phát hợp lệ, nhưng không thuộc trường hợp cố tình không nhận quyết định xử phạt thì ngày tính tiền nộp chậm thi hành quyết định xử phạt tính từ ngày ra quyết định xử phạt là sau 12 ngày.

Với các trường hợp cố tình không nhận quyết định xử phạt thì cơ quan của người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt, cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế thông báo cho Kho bạc Nhà nước nơi thu tiền phạt về thời điểm được coi là giao quyết định xử phạt để Kho bạc Nhà nước tính tiền chậm nộp phạt.

Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình không nộp tiền chậm nộp phạt, thì cơ quan có thẩm quyền thu tiền nộp phạt vi phạm hành chính trên quyết định xử phạt; đồng thời, vẫn tính tiền chậm nộp phạt và ghi rõ trên chứng từ thu, nộp tiền phạt…

Nếu người dân bị xử phạt sai, phải làm thế nào?

Trước thông tin trên, độc giả băn khoăn, vậy trường hợp người dân bị xử phạt sai thì làm thế nào? CSGT xử phạt sai có phải bồi thường cho người dân? Nếu kết luận việc xử phạt là sai thì có được trả lại tiền đã nộp phạt?

Luật sư Quách Thành Lực, Công ty luật Pháp trị cho biết, khi có căn cứ cho rằng Cảnh sát giao thông (CSGT) xử phạt sai thì người dân có quyền khiếu nại hoặc gửi Đơn khởi kiện. Tuy nhiên, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, người bị xử phạt vẫn phải nộp phạt trước khi khiếu nại CSGT xử phạt sai, trừ trường hợp người giải quyết khiếu nại, khởi kiện đã ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành quyết định xử phạt.

Luật sư Lực cho biết, căn cứ theo thông tin được công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông, việc tiếp nhận tin phản ánh tiêu cực, tham nhũng trong lực lượng CSGT được thực hiện qua số điện thoại đường dây nóng Bộ Công an: 06923.42593.

Vì vậy người dân nếu muốn khiếu nại Cảnh sát giao thông cần gọi điện trực tiếp đến số điện thoại 06923.42593 để phản ánh trường hợp mình gặp phải và được hướng dẫn thực hiện thủ tục cần thiết.

Có cơ sở pháp lý cho việc CSGT xử phạt sai phải bồi thường là người bị thiệt hại phải chứng minh được:

- CSGT xử phạt sai;

- Bản thân bị thiệt hại do việc xử phạt sai của CSGT gây ra.

Chẳng hạn, CSGT xử phạt lái xe A lỗi lái xe trong tình trạng nồng độ cồn vượt mức cho phép, tạm giữ xe 7 ngày trước khi ra quyết định xử phạt. Nếu muốn kiện đòi CSGT bồi thường, A phải chứng minh được mình không có nồng độ cồn trong máu. Đồng thời A cũng cần chứng minh được việc bị giữ xe ảnh hưởng đến thu nhập của A hoặc khiến A bị thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế (ví dụ trong thời gian 7 ngày xe bị tạm giữ, A đã không thể chở hàng cho công ty, bị công ty phạt vi phạm hợp đồng số tiền 50 triệu đồng)...

Việc chứng minh mức độ thiệt hại có ý nghĩa quan trọng, làm căn cứ cho việc yêu cầu bồi thường.

Thông thường, xác định thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm những nội dung sau:

- Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng;

- Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút;

- Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại;

- Thiệt hại khác do luật quy định.

Mức bồi thường sẽ do 2 bên tự thỏa thuận. Nếu không thể thỏa thuận được, người bị thiệt hại có thể gửi đơn đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu CSGT bồi thường.

Hiện nay, thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 3 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm (Điều 588 Bộ luật Dân sự).