Trong những ngày thâm nhập vào đường dây mua bán thận, chúng tôi được nhóm Bùi Tiến Lực, Trần Văn Phong lôi kéo tìm người bán thận, chỉ cách luồn lách để khỏi bị pháp luật sờ gáy.
Thành “cò” sau khi bán thận
“Cò” Hải cho hay: Hải cũng là người từng bán thận rồi thành người của đường dây này. Năm 2019, do túng thiếu nên Hải và một người tên N đã thông qua Lực để bán thận. Tuy nhiên sau đó, chỉ Hải bán được thận, còn N thì chưa tìm được người mua tương thích.
Bán thận xong, Hải được Lực và Phong giữ lại làm chân rết trong đường dây này.
N thì Lực thuê ở lại bệnh viện chăm sóc cho những người đã bán thận không có thân nhân. Được một thời gian, N về quê tại huyện Bàu Bàng (Bình Dương) làm công nhân, chờ tìm được người tương thích với kết quả để cắt ghép thận. Giữa năm 2023, N quay lại nhờ Hải tìm người mua thận của mình và đang chờ hoàn tất hồ sơ để phẫu thuật.
Hải kể: Thời điểm đó, Hải đã bán một quả thận với giá 400 triệu đồng. Toàn bộ giấy tờ lý lịch và các thủ tục liên quan đều được Lực “phù phép”. Số tiền bán thận, Hải đã mang đi trả nợ.
Đầu quân cho Lực, Hải được lo chỗ ăn ở, được bồi dưỡng thêm tiền. “Tôi làm chung với anh Lực để không phải cạnh tranh. Với lại, tôi và anh Lực cũng đã có “hợp đồng” làm chung rồi” - Hải nói thêm.
Theo lời Hải, Lực và Phong sẽ tìm người cần bán và người cần mua thận để trao đổi, ngã giá. Sau đó, Lực và Phong giao cho Hải làm nhiệm vụ đưa đón người bán đi làm các thủ tục khám, xét nghiệm và gặp người mua thận để thống nhất về mối quan hệ, nhân thân. Hải cũng là người lo chỗ ở và cấp phát tiền hằng tuần cho những người đã vượt qua những bước xét nghiệm cơ bản.
“Hiện tại, Lực và Phong không còn làm chung mà tách ra làm riêng rồi. Tôi thì vẫn được cả hai tin tưởng nên vẫn tiếp tục chạy việc cho họ” - Hải nói với chúng tôi.
Tìm mọi cách lôi kéo
Trong những ngày ở căn hộ chung chờ bán thận, Hải thường xuyên nói chúng tôi đi tìm người có nhu cầu bán thận giới thiệu cho Hải. “Những người nghèo, đi tù về, có nhóm máu O, khỏe mạnh và có nhu cầu bán thận thì giới thiệu sẽ có thêm thù lao” - Hải nói.
Hải cho biết: Việc tìm người phải kín đáo. Sau khi tìm được người có nhu cầu thì báo giá tiền cho người bán, đồng thời cũng thông báo cho họ là sẽ lo ăn ở, cho tiền chi tiêu trong thời gian chờ mổ nếu kết quả xét nghiệm không gặp vấn đề gì.
“Khi họ đồng ý thì chụp CCCD gửi qua để tôi kiểm tra, sau đó dẫn họ đến một quán nước cũ (quán nước mà Hải đã gặp chúng tôi trên đường Sư Vạn Hạnh - PV) để gặp mặt, thỏa thuận các nội dung liên quan” - Hải chỉ dẫn.
Cũng theo Hải, mỗi ca sẽ cho chúng tôi 10-20 triệu đồng tiền môi giới và chỉ trả tiền khi người bán đã lên bàn mổ.
Sau đó, Hải cho chúng tôi đi theo để quan sát, làm quen cách ngã giá, hướng dẫn người bán thận làm các xét nghiệm, siêu âm thận.
Công an bắt giữ ba người trong đường dây mua bán thận
Ngày 11-10, một nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM cho biết sau khi bắt giữ Bùi Tiến Lực, Trần Văn Phong và người tên Hải để điều tra về hành vi mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người, Công an TP.HCM đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ việc này. Ba người bị bắt là những thành viên trong đường dây mua bán thận mà Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh trong tuyến bài điều tra.
Trong thời gian được Hải chỉ việc, ngày 26-9, Hải sai chúng tôi đi theo một người tên Nguyễn Phúc Th (quê Tiền Giang) sang một phòng khám để xét nghiệm, siêu âm thận. Hải dặn: “Anh bấm thang máy lên lầu 2, gặp chị P, nói là làm cho Hải là chị biết liền à”.
Vì Th nhóm máu A, không phù hợp việc bán thận, Hải giải thích: “Hiện tại bên em toàn người cần nhóm máu O, chưa có người nhóm máu A nên anh cứ về, khi nào có em gọi...”. Sau đó Hải gọi điện thoại thông báo cho Phong việc Th bị loại.
Sau đó, trong các ngày 1 và 3-10, Hải đưa chúng tôi đi gặp những người cần bán thận và người cần mua thận mà nhóm này liên lạc được, cho chúng tôi làm quen với việc hướng dẫn, trao đổi, đưa người đến phòng khám để làm quen các quy trình, quen mặt người ở các phòng khám theo sắp xếp, chỉ đạo của Phong.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những người trong đường dây này hầu hết là người đã từng bán thận rồi sau đó bị lôi kéo thành người móc nối giữa người mua và người bán.
Họ thành “cò”, góp phần sôi động vào thị trường ngầm này...
Sở Y tế TP.HCM lên tiếng sau loạt bài điều tra của Pháp Luật TP.HCM
Tối 11-10, Sở Y tế TP.HCM nêu quan điểm về loạt bài “Điều tra: Đường dây mua bán thận ở TP.HCM”.
Theo Sở Y tế, vừa qua, báo Pháp Luật TP.HCM có đăng tải loạt bài điều tra ghi nhận đường dây mua bán tạng này tại TP.HCM, gây ảnh hưởng đến tính nhân đạo của việc cho, hiến, tặng mô, tạng.
Ghép mô, tạng là một trong những thành tựu quan trọng của ngành y tế trong việc chữa bệnh, đặc biệt đối với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các mô, tạng bị suy giảm chức năng và không phục hồi được như suy thận mạn, gan, tim, tủy, hỏng giác mạc... Sau ghép mô, tạng, người bệnh sẽ thấy cải thiện sức khỏe, từ đó người bệnh có thể trở lại làm việc và sinh hoạt cuộc sống.
Tại Việt Nam, đa phần các ca ghép tạng đang được thực hiện từ nguồn cho là người sống, trong khi tại nước ngoài, tạng ghép thường được lấy từ người cho chết não.
Cho dù bằng hình thức nào thì việc hiến, tặng mô, tạng là một nghĩa cử cao đẹp, được cả cộng đồng, xã hội trân trọng, có ý nghĩa lớn lao khi mang đến cơ hội cứu chữa cho những người bệnh ở giai đoạn cuối cùng, đồng thời thể hiện tấm lòng nhân ái giữa người với người, góp phần tạo nên giá trị nhân văn trong cuộc sống và đảm bảo an sinh xã hội.
Cùng với sự phát triển của nền y học thế giới và Việt Nam, tại TP.HCM, thời gian qua đã có một số bệnh viện (BV) tuyến cuối đủ điều kiện triển khai thực hiện các kỹ thuật liên quan đến lấy, ghép mô, tạng và đạt được nhiều thành công như các BV Chợ Rẫy, ĐH Y Dược TP.HCM, Thống Nhất, Quân y 175, Nhân dân 115, Nhi đồng 2, Xuyên Á.
Sở Y tế ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị vì đã phát triển một trong những kỹ thuật y tế chuyên sâu, có hiệu quả trong điều trị nhiều bệnh lý, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước và phát triển chuyên môn kỹ thuật trong lĩnh vực ghép mô, bộ phận cơ thể người, đảm bảo việc tuân thủ các quy định của pháp luật, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các hành vi vi phạm pháp luật, Sở Y tế đã rà soát các hoạt động trong lĩnh vực ghép tạng tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn TP.
Đồng thời Sở triển khai văn bản nhắc nhở các đơn vị về việc tiếp tục tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan đến hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến đến người bệnh, thân nhân người bệnh và các nhân viên y tế về các quy định của pháp luật và tư vấn, hướng dẫn các thủ tục cho thân nhân người bệnh khi có nhu cầu, nguyện vọng hiến, tặng mô, bộ phận cơ thể; đồng thời thu thập thông tin người bệnh có nhu cầu được ghép tạng để có kế hoạch điều trị kịp thời, hiệu quả; tuân thủ các quy trình chuyên môn kỹ thuật và các hoạt động liên quan đến mô, tế bào gốc cần thực hiện theo quy định.
Sở Y tế tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các BV trên địa bàn TP có hoạt động về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người lồng ghép trong hoạt động đánh giá chất lượng BV hằng năm.
Sở Y tế kiên quyết lên án các hành vi mua bán có liên quan đến mô, bộ phận cơ thể người. Sở Y tế kêu gọi người dân TP chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, tuyên truyền đến người thân, gia đình có nhu cầu hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người hãy đến các cơ sở khám chữa bệnh uy tín của TP để được tư vấn, hướng dẫn các thủ tục pháp lý và cùng lên án, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật đến các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.
Trần Ngọc - Minh Hậu - Tự Sang