Dự báo không khí lạnh từ phương Bắc mạnh hiếm thấy sát Tết

Không khí lạnh có cường độ rất mạnh ở Siberia (Nga) và Mông Cổ dự kiến tràn xuống Việt Nam trong những ngày sát Tết.
du-bao-khong-khi-lanh-tu-phuong-bac-manh-hiem-thay-sat-tet1-1737363775.jpg
Khối không khí lạnh cực mạnh ở Siberia (Nga) và Mông Cổ sẽ tràn xuống Việt Nam vào sát Tết. Ảnh: Windy.com

Trang Bão trên Tây Bắc Thái Bình Dương cho hay, một lõi tâm lạnh có cường độ rất mạnh sẽ hoạt động tại khu vực Siberia (Nga) và Mông Cổ trong khoảng thời gian từ ngày 24-25.1 (25-26 Tết).

Trị số khí áp từ 2 mô hình thời tiết quốc tế của châu Âu và Mỹ đều đạt mức dao động từ 1070-1080 mbar (mức khí áp mạnh hiếm gặp của các khối không khí lạnh).

Dự báo đến khoảng ngày 26-27.1 (27-28 Tết), sóng lạnh từ rìa phía đông nam vùng lõi sẽ tràn xuống nước ta, cường độ khi tràn về sẽ có những sự thay đổi liên tục từ dự báo của các mô hình thời tiết quốc tế sắp tới.

Khối không khí lạnh từ Siberia cũng ảnh hưởng đến hàng chục triệu người dân khắp nước Mỹ, theo AP. Hầu hết người dân Mỹ sắp trải qua một đợt rét đậm chưa từng thấy. Sự gián đoạn trong vòng xoáy cực (polar votex) đã kéo không khí Bắc cực từ Siberia qua Bắc Mỹ, gây ra nhiệt độ thấp kỷ lục ở nhiều khu vực, bao gồm cả thủ đô Washington D.C.

Theo chuyên gia khí tượng Judah Cohen thuộc tổ chức nghiên cứu môi trường khí quyển Atmospheric Environmental Research, đợt không khí lạnh lần này xuất phát từ sự kéo dài của vòng xoáy cực - một vòng tròn khí lạnh thường bị mắc kẹt xung quanh Bắc cực. Khi vòng xoáy này bị "kéo giãn", không khí lạnh từ Siberia sẽ di chuyển xuyên qua Bắc Cực và tràn xuống Bắc Mỹ.

du-bao-khong-khi-lanh-tu-phuong-bac-manh-hiem-thay-sat-tet2-1737363775.jpg
Xoáy cực và dòng tia jet stream ảnh hưởng đến Mỹ. Ảnh: NOAA

“Đây sẽ là một trong những đợt lạnh nhất trong vòng 10 đến 15 năm qua. Luồng không khí này bắt đầu từ Siberia và kết thúc tại Mỹ, mang theo cái lạnh giá buốt khắc nghiệt” - Cohen nhận định.

Không khí lạnh đã bắt đầu ảnh hưởng đến khu vực dãy Rockies sau đó lan nhanh sang phía đông và đến tận miền bắc Florida. Hơn 280 triệu người Mỹ có thể trải nghiệm nhiệt độ lạnh hơn cả Anchorage, Alaska, trong một hoặc hai ngày tới.

Tại Washington D.C., nhiệt độ vào ngày 20.1 - ngày diễn ra lễ nhậm chức của Tổng thống Donald Trump - dự kiến giảm xuống chỉ còn -6 độ C, mức thấp nhất kể từ lễ nhậm chức của Tổng thống Ronald Reagan vào năm 1985 (-14 độ C).

Khoảng 80 triệu người trên toàn nước Mỹ có thể phải đối mặt với nhiệt độ dưới 0 độ C trong đợt rét này. Vào sáng 21.1, mức nhiệt độ trung bình trên toàn nước Mỹ có thể giảm xuống còn -14 độ C, theo chuyên gia khí tượng Ryan Maue.

Những khu vực từ Chicago, Indianapolis, Columbus (Ohio) đến Pittsburgh được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhiệt độ sẽ giảm mạnh, đặc biệt vào ban đêm khi gió lặng và tuyết phủ dày đặc. Vùng duyên hải vịnh Mexico và miền bắc Florida cũng có thể trải qua tình trạng đóng băng hiếm thấy.

Các nhà khoa học, bao gồm Cohen, cho rằng các đợt gián đoạn vòng xoáy cực đang xảy ra thường xuyên hơn trong thập kỷ qua, có thể do biến đổi khí hậu. Nhiệt độ và áp suất giảm ở Bắc cực làm thay đổi dòng chảy của gió xoáy cực, khiến không khí lạnh tràn xuống các khu vực thấp hơn.

Mặc dù chưa rõ đợt không khí lạnh này sẽ kéo dài bao lâu, nhưng các chuyên gia dự báo thời tiết cho biết, nhiệt độ dưới mức bình thường có thể tiếp tục cho đến cuối tháng. Các điều kiện tương tự vòng xoáy cực có khả năng tái diễn vào đầu tháng 2.