Dự báo bão của Cục Quản lý Thiên văn, Địa vật lý và Khí quyển Philippines cho hay, Philippines vẫn sẽ phải đối mặt với 1 hoặc 2 cơn bão nữa có khả năng đổ bộ vào tháng 12.
Điều này cũng có nghĩa là sẽ không có cơn bão nhiệt đới hoặc áp thấp nào dự kiến xuất hiện cho đến cuối tháng 11, theo Nathaniel Servando, Giám đốc PAGASA.
Khi được hỏi liệu những cơn bão sẽ đổ bộ vào tháng 12 có mạnh như bão nhiệt đới dữ dội Kristine (bão Trà Mi) và siêu bão Pepito (siêu bão Man-yi) hay không, ông Servando trả lời tờ The Manila Times rằng PAGASA không thể dự đoán được điều này.
"Nhưng nếu một cơn bão nhiệt đới đổ bộ vào, chẳng hạn như vào tuần đầu tiên của tháng 12, thì có khả năng nó sẽ mạnh hơn so với khi đổ bộ vào cuối tháng 12" - người đứng đầu PAGASA nhận định.
"Điều này là do đã có ảnh hưởng của gió đông bắc, vì vậy dự kiến sẽ không có siêu bão trong thời gian đó dựa trên các dữ liệu và hồ sơ lịch sử" - ông Servando nói.
Tin báo bão, áp thấp mới nhất của cơ quan thời tiết Philippines PAGASA cho hay, từ ngày 25-28.11, dự kiến không có áp thấp nhiệt đới hoặc bão nhiệt đới nào xuất hiện trong khu vực dự báo của PAGASA.
Tuy nhiên, các mô hình dự báo ở Philippines nhận định, từ ngày 29.11 đến 5.12, 2 áp thấp và bão có khả năng xuất hiện liên tục.
Áp thấp gần Biển Đông đầu tiên có khả năng hình thành ở khu vực dự báo TCAD của PAGASA. Áp thấp này dự kiến đi vào khu vực dự báo của Philippines (PAR) và hướng về Visayas - Nam Luzon, Philippines trước khi tan biến.
Đáng lưu ý, áp thấp mới ở phía đông Philippines có khả năng mạnh lên thành bão ở mức từ thấp tới trung bình.
Ngay sau áp thấp gần Biển Đông này, áp thấp thứ 2 có khả năng xuất hiện ở trên biển Sulu (một biển lớn ở phía tây nam Philippines, chia tách với Biển Đông bởi đảo Palawan).
Áp thấp trên biển Sulu hình thành trong khu vực dự báo PAR của Philippines và ít có khả năng mạnh lên thành bão. Tuy nhiên, các nhà dự báo thời tiết Philippines lưu ý, áp thấp này có khả năng di chuyển vào Biển Đông trong giai đoạn dự báo.