Ứng dụng đo chỉ số chất lượng không khí IQAir lúc 8h sáng nay xếp Hà Nội là một trong những thành phố ô nhiễm top đầu thế giới với chỉ số AQI mức 191.
Nhiều điểm đo ở khu vực Hồ Tây vẫn nằm trong ngưỡng ô nhiễm tím - mức rất có hại cho Sức khoẻ con người như Hồ Tây Compound AQI 256, Tô Ngọc Vân AQI 249, Đặng Thai Mai AQI 226, Từ Hoa AQI 226, Quảng Bá AQI 222...
Các điểm đo khác ghi nhận mức đỏ - có hại cho sức khỏe con người là Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm) AQI 195, Cừ Khôi (Long Biên) AQI 199, Phố Lò Đúc AQI 194, Cổng parabol đường Giải Phóng (Đại học Bách khoa Hà Nội) AQI 192...
Cục Kiểm soát Ô nhiễm Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, mức độ bụi PM2.5 ở miền Bắc thường tăng cao từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, đặc biệt vào ban đêm và sáng sớm, trước và sau các đợt không khí lạnh. Tính đến cuối tháng 10.2024, Hà Nội đã trải qua 4 đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng, tập trung chủ yếu vào mùa đông và đầu xuân.
Để giảm phát thải, cải thiện không khí, cải thiện môi trường, thời gian qua, Hà Nội đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp như: Triển khai xe buýt dùng khí nén CNG, xe buýt điện, trồng 500.000 cây xanh giai đoạn 2021 - 2025; lắp đặt thêm các trạm quan trắc không khí…
Hà Nội đặt mục tiêu trồng 500.000 cây xanh đô thị, cải tạo 45 công viên, vườn hoa và hoàn thành 5 công viên mới trong giai đoạn 2021-2025, theo Chương trình số 03 của Thành ủy về chỉnh trang và phát triển đô thị.
Theo TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, ở góc độ quản lý, Việt Nam cần xem xét những chính sách khuyến khích người dân chuyển đổi sang xe điện đã được các nước áp dụng thành công như: Hỗ trợ tài chính cho người dân chuyển đổi sang xe điện, miễn lệ phí trước bạ cho xe điện, tạo điều kiện về mặt bằng xây dựng trạm sạc…