Nhiều bạn trẻ có định nghĩa về thành công như thế này: Tốt nghiệp một trường danh giá, làm trong tập đoàn lớn rồi mua nhà, mua xe, kết hôn.
Những mục tiêu lớn đó khiến người trẻ cứ xoay vòng trong văn hoá hối hả. Để rồi khi thật sự chạm đến những cột mốc này mới chợt nhận ra cuộc sống có những mục tiêu khác đáng mong đợi hơn. Có người muốn cuộc sống bình an bên gia đình, nhưng cũng có những bạn trẻ phải “chữa lành” sau quãng thời gian dài kiệt sức vì chạy quá nhanh.
Hồ Cẩm Tuyên.
Đó là phần nào câu chuyện đặc biệt của Hồ Cẩm Tuyên (SN 1999, Phú Quốc). Cách đây 4 năm, Tuyên đang học ngành Truyền thông chuyên nghiệp ở đại học RMIT và có trang cá nhân với 400.000 lượt theo dõi. Mặc dù không có phốt nào, nhưng Tuyên vẫn nhận nhiều bình luận tiêu cực mỗi ngày và “những comment đó thực sự phá huỷ năng lượng của một cô gái 19 tuổi”.
Tuyên “chạy trốn” khỏi mạng Xã hội khi đóng tài khoản của mình, tập trung vào sự nghiệp và học tập. Thế nhưng Tuyên vẫn tiếp tục lạc lối. Để rồi 3 năm sau, khi tốt nghiệp trường RMIT, cô lại một lần nữa “trốn” về Phú Quốc để bắt đầu cuộc sống mới.
Gặp Gen Z từ bỏ tập đoàn hàng đầu thế giới, về Phú Quốc với lương 2 triệu. (Nguồn: @tinaho2307)
“Nhỡ sau này không kịp gặp cha mẹ lần cuối…”
Quyết định trở về Phú Quốc của Tuyên không hề dễ dàng.
Ở thời điểm đó, cô đang có cuộc sống trong mơ ở TP.HCM. Công việc của Tuyên rất thuận lợi khi vừa mới ra trường nhưng đã có lời mời làm việc ở Singapore và những cơ hội việc làm tại các tập đoàn lớn ở Sài Gòn. Ngoài ra, Tuyên cũng có những công việc freelance hợp tác với những công ty quốc tế, giúp thu nhập của cô bạn vượt xa so với các bạn đồng trang lứa.
Thế nhưng ở thời điểm đó, Tuyên không hạnh phúc. “Cuộc sống ở Sài Gòn khiến mình trở nên rất gai góc và cảm tưởng như đang chiến đấu với nhiều thứ. Không chỉ trong công việc mà với chính mình luôn. Mình luôn cảm thấy rất cô đơn và lạc lối trong suy nghĩ của mình”, Tuyên nhớ lại.
Tuyên thường xuyên cảm thấy cô đơn khi ở Sài Gòn.
Như biết bao bạn trẻ khác, Tuyên cũng mơ ước vào các tập đoàn lớn. Và Tuyên đã đạt được khi công việc full-time đầu tiên là làm trong tập đoàn khách sạn hàng đầu thế giới. Thế nhưng càng mải miết đi làm, cô càng nhận ra đó không phải ước mơ của mình.
“Khi đó mình luôn trong trạng thái tiêu chuẩn của xã hội. Định nghĩa thành công là học xong đại học, kiếm được công việc trong tập đoàn đa quốc gia. Mình phấn đấu cho điều đó và mong được người khác công nhận.
Nhưng khi chạm tay vào nó rồi, mình nhận ra đó không phải điều mình mong muốn. Dần dần mình trở nên sợ xã hội, sợ bị người khác đánh giá. Mình tìm kiếm sự công nhận từ người khác chứ không phải từ chính bản thân nữa”, Tuyên giải thích cho những suy nghĩ tiêu cực đã đến với mình trong 4 năm trước.
Tuyên bị ảnh hưởng tâm lý bởi những bình luận tiêu cực trên MXH.
Những suy nghĩ đó như những cơn sóng lớn khiến cho Tuyên lạc lối, đánh mất bản thân rồi dần thu mình. Và rồi cô bạn mắc chứng trầm cảm. Cho đến một buổi tối, Tuyên lặng người khi nhận được cuộc gọi thông báo mẹ phải vào bệnh viện ngay lập tức, còn ba thì khám ra rất nhiều bệnh.
“Nhỡ sau này không kịp gặp ba mẹ lần cuối thì sao” là câu hỏi duy nhất xuất hiện trong đầu Tuyên. “Mình chạy theo khuôn khổ xã hội, kiếm nhiều tiền nhưng không tìm thấy hạnh phúc của riêng mình nữa. Trong khi ba mẹ luôn chào đón và khiến mình thoải mái suốt hơn 20 năm qua, tại sao mình không về lại với gia đình”, Tuyên nghĩ vậy và quyết định trở về Phú Quốc.
Chấp nhận bắt đầu với con số 0, thu nhập chỉ còn 2 triệu/tháng
Những ngày đầu tiên ở Phú Quốc với Tuyên cũng không hề dễ dàng.
Bởi trước đó cô bạn đã có cuộc sống cá nhân khá ổn định ở Sài Gòn, những người bạn thân thiết ở thành phố lớn và đất nước khác.
Tuyên tập quen với những thứ nhỏ nhặt nhất như làm quen với nhịp sống của gia đình. Để bản thân không bị cuốn vào những suy nghĩ tiêu cực, Tuyên thường xuyên đọc sách, chơi Thể thao và xem những nội dung tích cực.
Quãng thời gian sống chậm ở Phú Quốc giúp Tuyên có nhiều thời gian tự nhìn vào những gì đang có. Biểu hiện đầu tiên của sự hạnh phúc là khi Tuyên nhớ được nhiều kỉ niệm xung quanh mình. Đó là lần thấy mẹ nấu từng món ăn, ba lau dọn bàn ghế, sửa sang tivi hay anh trai lái xe chở khách – những khoảnh khắc bình yên mà cô bạn bỏ lỡ trong những lần vội vã về quê rồi trở lại thành phố.
Nhịp sống chậm ở Phú Quốc giúp Tuyên trở nên khiêm tốn, bình tĩnh và sống nhẹ nhàng hơn.
Trở về Phú Quốc là khi Tuyên chấp nhận đánh đổi mọi thứ từ con số 0. Hiện tại, cô bạn đang làm quản lý khách sạn của gia đình. Từ những bước nhỏ nhất như thiết kế logo, dọn dẹp phòng, lau nhà… tất cả đều tự tay Tuyên làm.
Cô bạn cũng chấp nhận có mức thu nhập giảm đi rất nhiều. Như tháng vừa rồi Tuyên chỉ nhận 2 triệu, còn lại để dành tiền chia lương cho các nhân viên.
“Mình có stress, cũng từng suy nghĩ nếu như ngày xưa chọn con đường khác thì giờ đâu phải làm những công việc này”, Tuyên chia sẻ.
Thế nhưng Tuyên chưa bao giờ hối hận. Cô bạn yêu cuộc sống lao động chân tay ở hiện tại vì biết bản thân muốn trở thành ai và mong muốn điều gì.
Tuyên kể lại khoảnh khắc nhận ra mindset của mình đã thay đổi: “Đó là vào ngày đầu năm, mình đang ngồi ở trên chùa. Mình nhìn xuống khắp đảo Phú Quốc và tự hỏi: Mình cảm thấy thế nào? Mình muốn sống và trở thành ai? Đó là lúc mình quyết định sẽ trở thành người mà bản thân mong ước. Mình muốn trở thành người của gia đình và có thể đóng góp cho cộng đồng, và xa hơn là Du lịch Phú Quốc”.
Tuyên chỉ nhận 2 triệu/tháng nhưng vẫn rất hạnh phúc!
Tuyên bắt tay khởi động lại mọi thứ từ con số 0, nhưng cuộc sống về tinh thần lại tốt hơn rất nhiều. “Tuyên của 4 năm trước có thể kiếm rất nhiều tiền, chi tiêu cho bản thân nhưng chưa bao giờ lo cho ai. Còn Tuyên của hiện tại có những tháng chỉ nhận 2 triệu, nhưng mình chấp nhận đưa nhiều tiền hơn cho nhân viên. Thu nhập đã giảm đi rất nhiều, nhưng về giá trị sống cho người khác thì Tuyên lại có nhiều hơn đó”, cô nàng flex về cuộc sống ở hiện tại.
Chuẩn bị tài chính đủ sống thoải mái ít nhất 3 năm trước khi chữa lành
Trong suốt cuộc trò chuyện, Tuyên nhiều lần nhắc về gia đình - điều mà cô bạn từng không mấy để tâm trong những năm tháng mải chạy đua trên thành phố.
Cô bạn nhớ lại: “Có thời điểm mình bị trầm cảm vì những định kiến của xã hội dẫn đến việc không thoát ra được nỗi sợ bị đánh giá. Ba mình đã khuyên: “Con biết và tin vào bản thân là được”. Câu nói đã giúp mình quyết đoán và tự tin quay trở lại mạng xã hội hơn”.
Tuyên biết ơn khi luôn có gia đình bên cạnh.
Quyết định trở về Phú Quốc không phải suy nghĩ trong chốc lát, mà cô bạn đã có sự chuẩn bị trong thời gian dài. Mặc dù còn lạc lối với bản thân nhưng Tuyên vẫn luôn tự tin về khả năng kiếm tiền của mình.
“Mình không gặp khó khăn tài chính khi trở về quê vì đã có sẵn khoản tiền riêng để sống được ít nhất trong 3 năm tới. Mình từ bỏ những cơ hội ngoài kia bởi có sự tự tin nhất định về bản thân cũng như nguồn tài chính ổn định”, Tuyên chia sẻ.
Khi nhận ra bản thân là ai, giấc mơ của Tuyên đã thay đổi. Cô bạn hi vọng xây dựng lại thương hiệu khách sạn của ba mẹ, và xa hơn nữa là thay đổi tư duy truyền thông về du lịch Phú Quốc. Vì thế, cô bạn lại vừa từ bỏ học bổng Du học Thạc sĩ ở trường đại học Deakin (Úc) để tập trung cho ước mơ này.
Còn bây giờ, Tuyên đang rất hạnh phúc với công việc lao động chân tay. “Mình từ bỏ rất nhiều thứ để có cuộc sống hiện tại và mình đang thầm biết ơn mỗi ngày. Thậm chí mình còn tự hào và muốn khoe việc quét nhà, lau dọn đang làm. Hi vọng có thể lan toả năng lượng tích cực hãy là chính mình là tự tin vào bản thân”, Tuyên tự hào kể.