Muôn cách làm giàu từ nuôi con vật lạ [Kỳ 17]: Nuôi con không lấy thịt chỉ lấy phân, thu trăm triệu

Mô hình nuôi dơi vừa không tốn chi phí thức ăn vừa thu được phân dơi để bón cho cây trồng và đem bán, mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.

Một mô hình – nhiều lợi ích

 
Phân dơi từ lâu đã được biết đến là loại phân hữu cơ rất tốt cho cây trồng. Nếu sử dụng chúng để bón cho cây ăn trái thì năng suất cây trồng cao, hình thức quả cũng bóng đẹp hơn nhiều so với các loại phân khác. Theo các nhà khoa học, thành phần hóa học phân dơi gồm Ure, axit uríc, vitamin A, kali, phốt pho… trong đó, OM (organic matter) chiếm 30-65%, phốt pho chiếm tỷ lệ 1,5-9%, Nitrơ chiếm 1-6%... Điều đó cho thấy hàm lượng phân dơi cao gấp từ 7-10 lần so với các loại phân hữu cơ thông thường. Tuy nhiên, loại phân này có giá thành khá đắt đỏ, rất ít hộ nông dân có điều kiện để mua về bón cho cây trồng.
 
Chính vì vậy, một số người nông dân đã nảy ra ý tưởng tự nuôi dơi để lấy phân cung cấp cho vườn cây ăn trái của mình. Với rất nhiều ưu điểm, mô hình nuôi dơi lấy phân đã được bà con nông dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhân rộng.
 
Ưu điểm thứ nhất của mô hình này là không tốn chi phí thức ăn. Nuôi dơi chỉ cần bỏ vốn ban đầu để xây dựng chòi nuôi, sau đó không phải mất thêm phí gì nữa mà chỉ việc thu lời. Thức ăn của dơi là các loại thức ăn tự nhiên như muỗi, sâu bệnh, côn trùng… Hàng ngày chúng cứ bay đi kiếm mồi rồi lại về tổ nhả phân. Người nuôi chỉ cần đặt lưới phía dưới chòi rồi mỗi sáng đi thu hoạch phân dơi về.
 
Muôn cách làm giàu từ nuôi con vật lạ [Kỳ 17] Nuôi con không lấy thịt chỉ lấy phân, thu trăm triệu
Chòi dơi của người dân ở Đồng Nai. Ảnh: Vnexpress.net
 
Thứ hai, mô hình nuôi dơi rất thân thiện với môi trường. Nhiều người nuôi dơi cho biết, từ ngày có dơi về, mật độ sâu bệnh của cây trồng trong vườn như: bọ trĩ, sâu, ruồi vàng... đều giảm hẳn. Do đó, người dân không phải sử dụng thuốc hóa học để ngừa bệnh cho cây.
 
"Trước chưa có dơi về ở thì vườn cây mỗi tháng phải xịt thuốc trừ sâu, rầy ít nhất là 4 lần, ban đêm phải mắc mùng mới ngủ yên. Tuy nhiên giờ thì hơn cả tháng vườn cây không xịt thuốc cũng không có sâu rầy. Ban đêm không cần ngủ mùng vì muỗi hầu như không còn", ông Phan Văn Minh (ấp 4, xã Phủ Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) - một người nuôi dơi lấy phân ở Đồng Nai cho biết.
 
Không chỉ có lợi cho cây trồng, bản thân con người cũng không lo mắc các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, sốt rét nữa vì các loại muỗi đều bị dơi "tiêu diệt".
 
Trung bình, mỗi ngày một con dơi có thể ăn hết khoảng 5.000 con muỗi và các con côn trùng trung gian truyền bệnh. Người dân sẽ không phải tốn chi phí, công sức, ảnh hưởng khi tiếp xúc với hóa chất độc hại mà lại rất thân thiện với môi trường.
 
Bác sĩ Hồ Văn Hoài - Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Cửu, người gắn bó với công tác chống dịch nhiều năm và luôn đau đáu tìm ra mô hình diệt muỗi hay, hiệu quả mà không cần đến phun thuốc hóa chất độc hại khẳng định với PV Vnexpress: "Việc nuôi dơi diệt trừ muỗi là biện pháp sinh học, không dùng hoá chất, tốn công và chi phí phun tẩm thuốc bao vây khoanh vùng, dập dịch".

Ưu điểm thứ ba của mô hình nuôi dơi lấy phân là hiệu quả kinh tế rất cao. Giá phân rơi có thể dao động lên tới 100.000 đồng/kg tùy từng thời điểm. Như hộ của ông Nguyễn Văn Chót (xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) có hai chòi dơi, mỗi ngày thu được trên 2 giạ phân. Thương lái vào tận nhà ông Chót thu mua với giá 300.000 đồng/giạ. Trung bình mỗi năm gia đình ông lãi trên 70 triệu đồng từ phân dơi.
 
Một chòi nuôi dơi mới làm cũng có thể nhả 3 kg phân/ngày. Lượng phân nhiều hay ít là do số dơi sinh sống. Nhiều hộ dân ở Đồng bằng sông Cửa Long có thể thu cả trăm triệu mỗi năm từ tiền bán phân dơi. Đấy là còn chưa tính đến hiệu quả năng suất cây ăn trái tăng cao, giá bán cao nhờ được bón phân dơi thường xuyên.
 
"Thu nhập từ nghề nuôi dơi rất khá, lại không bấp bênh như nghề khác. Đừng thấy cái chòi đơn sơ mà xem thường nghe! Do tui dốc sức vào nghề nuôi dơi mà nên cơm nên cháo đó…", báo Biên Phòng dẫn lời ông Trà Văn Hùng, một người nuôi dơi có tiếng ở ấp Chánh Hưng, xã Bình Long, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang.
 
Muôn cách làm giàu từ nuôi con vật lạ [Kỳ 17] Nuôi con không lấy thịt chỉ lấy phân, thu trăm triệu
Phân dơi sau khi thu hoạch được đem đi phơi khô để bón cho cây. Ảnh: Vnexpress
 

Xây chòi "gọi" dơi về như thế nào?

 
Nhiều lợi ích và hiệu quả kinh tế rất cao nhưng mô hình nuôi dơi lại khá đơn giản chứ không hề cầu kỳ như chúng ta vẫn tưởng.
 
Chòi dơi của người dân ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang được làm đơn giản, với diện tích khoảng 60 m2, cao khoảng 8-10 m, mái lợp tôn. Dưới mái tôn treo khoảng 1.000 chiếc lá thốt nốt được kết lại thành từng mảng để làm nơi cho dơi trú ẩn. Chi phí làm một chòi dơi như thế này chưa đến 30 triệu đồng và có thể sử dụng được nhiều năm. Riêng lá thốt nốt, 6 tháng sẽ được thay một lần, với chi phí 13.000 đồng/lá.
 
Còn theo lời ông Nguyễn Văn Hậu (xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) cho rằng chi phí làm chòi dơi tùy theo mức độ đầu tư kiên cố hay tạm bợ. Nếu đầu tư kiên cố thì tốn khoảng 80-90 triệu đồng/chòi, nhưng sử dụng được lâu dài từ 15 năm trở lên:
 
"Chòi dơi được làm theo hình lục giác, gồm 6 trụ cao từ 8-10 m trở lên, chiều dài nền chòi khoảng 7-10 m, chiều rộng khoảng 3-5 m, trên nóc chòi treo khoảng 400-500 tàu lá dừa nước hoặc tàu lá thốt nốt để cho dơi làm tổ".
 
Một mẹo khi dựng chòi được người nuôi dơi tiết lộ như sau: Khi chặt lá thốt nốt làm mái phải về ngâm qua nước trước khi phơi rồi buộc trên trần của chòi làm ổ cho dơi. Như vậy mới diệt sạch ấu trùng kiến - một "kẻ thù" của loài dơi.
 
Để thu hút dơi về ở, ông Hậu mua vài chục cặp dơi về nuôi. Khoảng vài tuần khi dơi quen dần ông thả chúng ra môi trường tự do nhằm dụ dơi ở nơi khác cùng về làm tổ. Mỗi ngày chúng bay đi tìm mồi rồi lại bay về tổ và nhả phân.
 
Nuôi dơi không phải cho ăn, chăm sóc gì cả nhưng cũng phải thường xuyên làm vệ sinh chuồng dơi, thay những tàu lá dừa nước hoặc tàu lá thốt nốt bị hỏng. Để dơi không bị động ổ, phải sử dụng lá cũ và lá mới xen kẽ. Cũng cần giữ cho chòi dơi mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Làm sao để nhiệt độ trong chòi ổn định ở mức 30-32 độ C là tốt nhất.
 
Một lưu ý là con dơi rất khó tính, thích sống tự do, nhạy cảm với người lạ, loài vật, côn trùng… Vì vậy các chòi dơi phải được xây cao và đặt ở khu vực xa dân cư như vườn, rẫy… Có như thế chúng sẽ tìm đến nhiều hơn và cũng không ảnh hưởng đến cuộc sống con người.
 
Được biết, dơi hoang dã đang được nuôi là động vật có vú, thường gọi là dơi chuột có tên khoa học Vespertilio, chúng thường sống theo đàn với số lượng lớn và chỉ ăn muỗi, bướm, rầy, thiêu thân... Chúng cũng có hai loài động vật hoang dã thiên địch là chim cắt và rắn. Vì vậy khi dựng nhà cho dơi cũng cần để ý. Chỉ cần tạo ra môi trường thật gần với thiên nhiên, đồng thời, loại bỏ những nguy hiểm đe dọa cuộc sống của dơi là sẽ "hút" được chúng về chuồng cư ngụ.
 
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2019/11/11/Muon-cach-lam-giau-tu-nuoi-con-vat-la-Ky-17]-Nuoi-con-khong-lay-thit-chi-lay-phan-thu-tram-trieu2_11112019144425.mp4[/presscloud]
Mô hình nuôi dơi lấy phân
 
 
Kiều Đỗ (t/h)