Triệu chứng viêm mũi dị ứng thai kỳ
Các triệu chứng viêm mũi dị ứng khi mang thai có thể gồm: hắt hơi liên tục, có thể hắt hơi theo cơn hoặc thành tràng dài; chảy nước mũi không mùi, có màu trong; có thể kèm theo ngạt mũi, ngứa mũi, tai, cổ họng, mắt hoặc ngứa da; mắt đỏ, xuất hiện quầng thâm hoặc chảy nước mắt. Các triệu chứng nặng hơn như đau đầu, nhức mũi, ngủ ngáy, phải thở bằng miệng; có khi kèm ho khan, đau họng, ho có đờm.
Trường hợp viêm mũi dị ứng thoáng qua thường không gây ảnh hưởng tới thai nhi. Tuy nhiên, nếu bệnh ở mức nặng sẽ khiến mẹ bầu mệt mỏi, căng thẳng, ngủ kém, viêm họng, viêm mũi mãn tính,...
Viêm mũi dị ứng kéo dài sẽ làm giảm cung cấp oxy trong lúc ngủ, giảm lượng oxy cung cấp cho thai nhi, gây thai nhi chậm phát triển đồng thời mẹ bầu tăng nguy cơ tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật.
Các triệu chứng hắt hơi và xì mũi liên tục của thai phụ cũng kích thích các cơn gò tử cung, nếu không được kiểm soát sẽ dẫn tới tình trạng dọa sảy thai hoặc sinh non.
Xem thêm: 17 mẹo cho bà bầu thiết thực như cẩm nang giúp chị em nhẹ nhàng vượt qua 9 tháng thai kỳ
Mẹo chữa viêm mũi dị ứng cho bà bầu bằng cách mát xa, bấm huyệt
Việc quan trọng là bà bầu cần đi thăm khám để xác định chính xác nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng là do bệnh lý hay chỉ là hiện tượng sinh lý. Trong quá trình này, bà bầu không thể dùng thuốc thì có thể áp dụng một số biện pháp day bấm huyệt, mát xa để giảm các triệu chứng khó chịu.
Để cắt các triệu chứng hắt hơi, sổ mũi tức thì, cần làm day bấm ngay một số huyệt quanh vùng mũi:
- Day vào hai huyệt nghinh hương nằm ở vị trí ngang với phía dưới cánh mũi, ngang ra 2 bên khoảng 5mm. Mỗi lần day 2-3 phút.
- Ấn nhẹ hai huyệt tứ bạch, nằm cách chỗ lượn của góc sống mũi và cánh mũi, ngang ra hai bên, cách khoảng 5mm.
- Mát xa huyệt tố liêu ở vị trí chỗ nhô cao của đầu mũi. Dùng đầu ngón tay trỏ ấn mạnh nhiều lần vào huyệt.
- Huyệt hợp cốc còn được gọi là huyệt hổ khẩu ở vị trí điểm lõm nằm giữa ngón trỏ và ngón cái, nơi góc tam giác của xương 2 ngón tay giao nhau. Dùng ngón cái của tay này bấm huyệt ở tay kia, dùng lực day đủ mạnh khoảng 1-3 phút hàng ngày.
- Huyệt phong trì: Dùng 2 bàn tay ôm quanh vành tay 10 ngón tay duỗi tự nhiên để ôm vào đầu, ngón trỏ chạm vào cổ nơi vùng lõm ở chân tóc là vị trí của huyệt phong trì. Dùng ngón trỏ của cả 2 tay bấm vào 2 huyệt, bấm nhả liên tục đồng thời xoa bóp vùng đầu nhớ giữ cho đầu cố định để không bị chóng mặt. Bạn có thể dùng dụng cụ mát xa thay thế cho các ngón tay, gõ nhẹ lên huyệt trong khoảng 3-5 phút là được.
- Huyệt ấn đường thuộc kinh đốc mạch (một trong tám kỳ kinh bát mạch) vị trí nằm giữa điểm kết nối với đường giữa hai lông mày, ấn đường là điểm trung gian của mặt và trán, là 3 điểm kinh mạch quan trọng nhất của cơ thể. Day huyệt này 2 lần mỗi ngày vào sáng và tối, mỗi lần khoảng 2-3 phút. Sau khi day bấm có thể dùng 2 ngón tay túm vào vùng da và kéo lên, mỗi lần từ 50-100 cái.
Các huyệt này vừa có tác dụng tức thì và lâu dài. Bà bầu hoàn toàn có thể mát xa các huyệt này mỗi khi các triệu chứng tái phát để cắt cơn, giảm cảm giác khó chịu.