Nắng nóng cao điểm: Chuyên gia chỉ cách phòng tránh say nắng, sốc nhiệt hiệu quả

Admin
Miền Bắc đang bước vào giai đoạn nắng nóng cao điểm với mức nhiệt có khi lên tới 40 độ. Trong tình hình thời tiết này, người dân rất dễ mắc phải tình trạng say nắng, sốc nhiệt và bị ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe

Nhằm giúp người dân hạn chế tối đa về tình trạng say nắng, sốc nhiệt trong những ngày nắng nóng cao điểm này, PGS.TS Nguyễn Văn Chi - Phụ trách Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai đã có những chia sẻ hết sức hữu ích.

Say nắng, sốc nhiệt là gì?

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Chi, tình trạng say nắng, sốc nhiệt xảy ra khi hệ thống thần kinh trung ương và các mô khác bị tổn thương do nhiệt độ tăng quá cao. Thông thường, nhiệt độ cơ thể được giữ cân bằng và điều hòa ổn định ở mức 37 độ C.

Say nắng, sốc nhiệt thường trình trạng không hiếm gặp

Khi làm việc hoạt động trong điều kiện thời tiết nắng nóng, cơ thể vừa sinh ra nhiệt, vừa hấp thụ nhiệt từ môi trường bên ngoài nên nguy cơ tăng thân nhiệt là rất cao. Khi nhiệt độ tăng lên, cơ thể sẽ thực hiện các cơ chế để điều tiết giữ thân nhiệt như thở nhanh, dãn mạch dưới da, toát mồ hôi,...

Tuy nhiên nếu tình trạng này kéo dài, cơ thể sẽ xuất hiện tình trạng mất nước khiến các cơ quan và bộ phận khác hoạt động không hiệu quả. Đặc biệt, khi nhiệt độ trong cơ thể tăng đến 41 độ kéo dài, các hoạt động của tim, não, phổi và thận sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thậm chí là xuất hiện tình trạng hôn mê, co giật.

Dấu hiệu nhận biết sốc nhiệt, say nắng

Dấu hiệu đầu tiên của chứng sốc nhiệt, say nắng là vã mồ hôi, thân nhiệt tăng cao, choáng váng, cuối cùng là người bệnh kiệt sức và ngất xỉu.

Ngoài ra, các dấu hiệu khác của sốc nhiệt, say nắng còn có da đỏ, nóng và khô do mất nước, yếu cơ hoặc chuột rút, buồn nôn và ói mửa, nhịp tim nhanh; thở nhanh, thở nông. Nếu tình trạng nặng hơn, bệnh nhân sẽ có những biểu hiện khác như nhầm lẫn, mất phương hướng hoặc loạng choạng, thậm chí co giật, mất ý thức, hôn mê. Nếu không xử trí kịp thời rất dễ dẫn đến những tình huống đáng tiếc.

Người say nắng có thể bị đỏ da do tiếp xúc ánh nắng cường độ cao

Đối tượng dễ mắc phải tình trạng say nắng, sốc nhiệt chủ yếu là những người phải hoạt động lâu trong môi trường nắng nóng như nông dân, nhân viên giao hàng, vận động viên tập luyện ngoài trời, trẻ em, người cao tuổi và đặc biệt là lực lượng quân đội, công an và nhân viên y tế đang phải chiến đấu với đại dịch Covid-19.

Đội ngũ y bác sĩ chống dịch đang là đối tượng dễ bị say nắng nhất

Làm thế nào để phòng tránh sốc nhiệt, say nắng?

Để phòng tránh say nắng, sốc nhiệt trong những ngày tiết trời nắng nóng gay gắt, PSG.TS Nguyễn Văn Chi khuyến cáo người dân lao động, công nhân hoặc những người phải hoạt động ngoài trời hãy cố gắng tránh khung giờ từ 11h trưa đến 15h chiều bởi đây là thời điểm cường độ nắng cao nhất cũng như mức độ tia cực tím nguy hại nhất.

Nên hạn chế ra đường vào khung giờ 11 giờ -15 giờ 

Ngoài ra, nên có đồ bảo hộ lao động để che nắng nhưng vẫn cần đảm bảo thông thoáng để tránh bí khí. Chú ý uống đủ nước và cố gắng nghỉ ngơi từ 10 - 15 phút mỗi khi hoạt động, làm việc dưới nắng. Trung bình, 1 người cần uống từ 2 - 3 lít nước một ngày trong thời điểm nắng nóng cao điểm.

Cần sơ cứu người bị say nắng, sốc nhiệt nhanh chóng nhất có thể

Khi phát hiện người bệnh bị sốc nhiệt, say nắng, ngay lập tức cần sơ cứu, hạ nhiệt khẩn cấp cho bệnh nhân bằng cách đưa vào chỗ thoáng mát, cởi bớt quần áo, hạ nhiệt bằng quạt mát, lau khăn ẩm và bù nước nga khi có thể. Sau đó nhanh chóng gọi cấp cứu 115 hoặc đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được đánh giá tình trạng bệnh và kịp thời cứu chữa.