Ngày 24/7, Tiến sĩ Nguyễn Đình Liên, Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E (Hà Nội), đã chia sẻ về ca phẫu thuật đặc biệt này. Theo đó, một nữ bệnh nhân 65 tuổi, đã trải qua một trường hợp hiếm có trong y văn thế giới, khi mầm niệu quản phát triển bất thường trong giai đoạn bào thai, dẫn đến việc hình thành 4 quả thận thay vì 2 như người bình thường.

Trước đó, bệnh nhân đã từng phẫu thuật để lấy sỏi niệu quản tại TP. Hồ Chí Minh cách đây 15 năm. Gần đây, bà gặp phải tình trạng đau lưng và tiểu đục, tự dùng thuốc nhưng không thấy cải thiện. Do đó, con gái của bà đã nhanh chóng đưa mẹ đến Bệnh viện E để thăm khám.
Qua chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị sỏi niệu quản gây ứ nước ở đơn vị thận dưới bên trái, trong cấu trúc thận đôi hoàn toàn ở cả hai bên. Tình trạng này trở nên phức tạp hơn do hẹp niệu quản từ ca mổ cũ, khiến phẫu thuật gặp nhiều thách thức.
Ê-kíp bác sĩ đã khẩn trương xử lý tình huống. Trong giai đoạn đầu, họ thực hiện thủ thuật nong niệu quản hẹp, đặt ống dẫn lưu vào cả hai niệu quản và dẫn lưu thận ứ nước để ổn định tình trạng bệnh nhân. Sau một tuần, ca nội soi được tiến hành để tán sỏi và loại bỏ viên sỏi niệu quản. Các bác sĩ cũng đã xông JJ trong niệu quản, dự kiến duy trì trong 12 tháng để đảm bảo lưu thông nước tiểu. Ca mổ diễn ra thành công và bệnh nhân đã hồi phục tốt.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Liên cho biết, dị tật 4 quả thận là cực kỳ hiếm, do mầm niệu quản phát triển bất thường trong bào thai. Thông thường, mỗi mầm niệu quản hình thành một quả thận, nhưng ở trường hợp này, sự phân chia bất thường đã tạo ra 4 quả thận.
Bác sĩ Liên giải thích thêm về mức độ nguy hiểm đối với người bệnh có nhiều quả thận hơn so với người bình thường, có nguy cơ hình thành sỏi. Đặc biệt đối với một số người có cấu tạo bất thường về giải phẫu cơ thể bẩm sinh khiến họ có những khác biệt về các bộ phận bên trong cơ thể mà nhìn bên ngoài không thể phát hiện được, chỉ khi khám sức khỏe, làm các cận lâm sàng mới phát hiện ra. Đây là một ca bệnh đặc biệt, không chỉ thách thức về mặt y khoa mà còn góp phần ghi dấu trong nghiên cứu về dị tật bẩm sinh.
Trang Đào (Tổng hợp)