Người đàn ông mất mạng sau 3 tháng bị mèo cắn, cảnh báo nguy cơ lây bệnh dại từ mèo

Admin
Chủ quan với vết mèo cắn vào tay, người đàn ông không thể ngờ rằng mình đã bị lây bệnh dại. Hậu quả, 3 tháng sau ông phát bệnh dại không thể qua khỏi.

Mất mạng vì vết mèo cắn

 
Theo thông tin từ Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Cà Mau, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận một trường hợp tử vong do bệnh dại sau khi mèo cắn. Nạn nhân là ông Dương Văn U., 43 tuổi ngụ ấp Vàm Đình, xã Phú Thuận, huyện Phú Tân. Trước đó, ông Dương Văn U. có biểu hiện mệt mỏi, ớn lạnh không rõ nguyên nhân đã mua thuốc về uống như không có tác dụng. Sau đó, gia đình đưa ông U. đến bệnh viện Đa khoa huyện Cái Nước và được chẩn đoán theo dõi bệnh dại. Sau đó, bệnh nhân tiếp tục được chuyển lên bệnh viện Nhiệt Đới TP.HCM nhưng cũng không thể qua khỏi. Bệnh nhân đã tử vong hôm 7/10.
 
Người đàn ông mất mạng sau 3 tháng bị mèo cắn, cảnh báo nguy cơ lây bệnh dại từ mèo
Người đàn ông ở Cà Mau mất mạng sau 3 tháng bị mèo cắn

Khi bác sĩ đặt câu hỏi ông U. liệu có thể lây bệnh dại từ đâu, gia đình mới nhớ ra ông từng bị con mèo của gia đình cắn vào ngón trỏ của bàn chân phải. Vết thương chảy nhiều máu nhưng ông U. chỉ sơ cứu và băng bó lại. Không lâu sau, con mèo này bị con chó của gia đình cắn chết. Qua kết quả xét nghiệm ông U. dương tính với bệnh dại. Hiện, cơ quan chức năng cũng lấy mẫu con chó cắn chết con mèo trên gửi Chi cục Thú y vùng VI để xét nghiệm bệnh dại. Cũng theo trung tâm y tế Dự phòng tỉnh Cà Mau, từ ngày 14/9 đến nay, huyện Phú Tân đã có 2 trong số 4 trường hợp tử vong do bệnh dại trên địa bàn tỉnh.
 
Đây không phải trường hợp đầu tiên tử vong do lây bệnh dại từ mèo. Hồi tháng 6/2019, một bé trai 11 tuổi ở Tuyên Quang cũng tử vong do lây bệnh dại từ mèo. Nguyên nhân từ nhiều tháng trước đó, trong lúc chơi đùa với mèo cháu bé có bị mèo cào một vết ở lưng, có chảy máu. Vì vết cào chỉ gây xây xước ngoài da nên cháu không nói với ai, không xử lý sát trùng. Chỉ tới khi cháu có biểu hiện lạ như mệt mỏi, hay bị rùng mình, sợ nước sợ ánh sáng, bỏ ăn... gia đình đưa đi nhập viện đã quá muộn.

Cảnh báo nguy cơ lây bệnh dại từ mèo


Theo ước tính tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 100 người tử vong vì bệnh dại. Phần lớn các trường hợp đều mắc bệnh do chó dại cắn, chỉ một số ít lây bệnh dại từ mèo. Vấn đề hiện nay là người dân mới có ý thức phòng ngừa bệnh dại từ chó trong khi còn chủ quan với mèo. Rất nhiều gia đình nghĩ rằng mèo là loài vật hiền lành, chỉ nuôi trong nhà nên sạch sẽ, không bệnh tật. Tuy nhiên các chuyên gia cảnh báo bị mèo cào, cắn cũng nguy hiểm không khác nào chó cắn. Theo Bác sĩ Nguyễn Tiến Quân - Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang, con người có thể bị lây bệnh dại từ mèo thông qua vết cào, cắn có dính nước bọt của chúng. Virus dại có trong nước bọt của mèo thông qua vết thương, ngấm vào máu, tấn công hệ thần kinh trung ương tương tự như virus dại ở chó.
 
Người đàn ông mất mạng sau 3 tháng bị mèo cắn, cảnh báo nguy cơ lây bệnh dại từ mèo
Con người cũng có nguy cơ lây bệnh dại từ mèo cào, cắn

Sau khi bị mèo cào, cắn, thời gian ủ bệnh dại có thể từ vài ngày tới vài tháng. Có trường hợp bị chó mèo cào cắn 1 năm sau mới phát bệnh. Thời gian ủ bệnh tùy thuộc vào vị trí vết thương ở xa hay gần hệ thần kinh trung ương. Vết mèo cào, cắn ở các vùng đầu, cổ, mặt... chắc chắn sẽ phát bệnh sớm hơn. Cần lưu ý, chỉ cần để chó, mèo liếm vào da, có vết thương hở cũng có nguy cơ bị lây nhiễm virus. Một khi đã phát bệnh cũng có tỷ lệ tử vong 100%. Chó, mèo nuôi trong nhà có thể mắc bệnh dại ngay cả khi chưa có biểu hiện lâm sàng. Loài mèo ít bị dại hơn chó nhưng một khi mắc cũng có biểu hiện tương tự. Các hộ gia đình có thể nhận biết mèo mắc bệnh dại thông qua một số dấu hiệu sau: Mèo lẩn trốn vào chỗ vắng, kêu nhiều không rõ lý do trong nhiều ngày liền. Có khi con mèo có biểu hiện bồn chồn như động dục. Mèo đột nhiên trở lên hung dữ, nếu con người lại gần có thể cào cấu.
 

Cách xử trí vết thương do mèo cào, cắn


Sau khi bị mèo cào hoặc cắn, cần rửa sạch vết thương với nước xà phòng đặc 20% hoặc nước muối sinh lý 0,9%. Tiếp tục sát khuẩn vết thương bằng cồn sau đó nhanh chóng tới cơ sở y tế để sơ cứu vết thương đồng thời tiêm vắc-xin phòng bệnh dại. Lưu ý, không được băng kín hoặc khâu vết thương sớm, trừ trường hợp vết thương quá lớn ở mặt. Tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định tiêm phòng huyết thanh kháng uốn ván và dùng kháng sinh chống nhiễm khuẩn vết thương.

 
Người đàn ông mất mạng sau 3 tháng bị mèo cắn, cảnh báo nguy cơ lây bệnh dại từ mèo
Sau khi bị mèo cào, cắn cần sơ cứu vết thương rồi nhanh chóng tiêm phòng

Người bệnh tuyệt đối không tự ý điều trị theo các mẹo dân gian như đắp lá cây, thuốc nam... tránh nhiễm trùng, nguy cơ tử vong vì bỏ lỡ thời gian điều trị. Biện pháp tốt nhất để phòng bệnh dại là tiêm vắc xin trong vòng 1 giờ đầu tiên kể từ khi bị chó mèo, cào cắn...
 
Cần đặc biệt lưu ý những vết thương ở vùng đầu, mặt, cổ hoặc những nơi có nhiều dây thần kinh như đầu chi, bộ phận sinh dục, vết thương càng cần được xử lý sớm và tiêm cả huyết thanh kháng dại. Mỗi gia đình cần chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh cho chó, mèo, tránh để vật nuôi làm hại những người thân.
 
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2019/06/24/Sơ cứu khi bị chó cắn zing_24062019130134.mp4[/presscloud]
Hướng dẫn sơ cứu vết thương do chó mèo cắn. Video: Zing.vn
 
 
Hà Ly (t/h)