Tại Phúc Kiến (Trung Quốc) mới đây, một người đàn ông được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) do say nắng nghiêm trọng. Các thành viên trong gia đình cho biết, ông đã nôn ra máu, không kiểm soát được việc đi đại tiện nên đưa đến bệnh viện gấp.
Đó là ông Ngô (51 tuổi, đến từ Đông Quan, Phúc Kiến). Ông nghe theo lời khuyên của bác sĩ tránh lạm dụng bật điều hòa, quạt ở nhà vì sợ nguy cơ liệt mặt. Thế nhưng thay vì sử dụng đúng cách, người đàn ông này bỏ hẳn việc dùng điều hòa, quạt mát, kể cả trong những ngày nắng nóng như hiện nay.
Rồi ông được con cái tìm thấy trong tình trạng đột quỵ do sốc nhiệt nặng. Người ông nóng bừng, nằm bất tỉnh nhưng tay chân vẫn co giật, người xung quanh la hét gọi tên vẫn không có phản ứng. May mắn, ông được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện, kịp thời cấp cứu và giữ được mạng sống.
Đây không phải trường hợp hiếm hoi bị đột quỵ do sốc nhiệt. Mới đây, một người đàn ông 60 tuổi ở Chiết Giang (Trung Quốc) cũng bị ngã khi đang làm việc ngoài trời.
Khi được đưa vào bệnh viện, nhiệt độ cơ thể ông lên đến 41 độ C. Mặc dù các bác sĩ đã dành 3 ngày trong phòng chăm sóc đặc biệt, để điều trị khẩn cấp nhưng vẫn không thể cứu sống.
Đột quỵ do nhiệt phổ biến nhất trong mùa hè: Tại sao nó lại nguy hiểm?
Các chuyên gia cho rằng, thời tiết nắng nóng liên tục làm tăng nguy cơ đột quỵ do nhiệt. "Nóng đến chết" hoàn toàn không phải là một tuyên bố hoang đường.
Sốc nhiệt là dạng say nắng cao nhất, là tình trạng nghiêm trọng nhất. Nó xảy ra khi cơ thể không thể đối phó với nhiệt độ cực cao. Lúc này, nhiệt độ cơ thể tăng rất cao, thường trên 40°C.
Hãy tưởng tượng cơ thể giống như một cỗ máy. Trong hoàn cảnh bình thường, nó tự điều chỉnh nhiệt độ và tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, khi nhiệt độ bên ngoài quá cao hoặc môi trường quá nóng trong thời gian dài sẽ phát sinh các vấn đề ở hệ thống điều tiết.
Lúc này, nhiệt độ bên trong cơ thể sẽ bắt đầu tăng lên. Nếu nhiệt độ tăng quá cao, các bộ phận quan trọng của cơ thể có Xu hướng bị "nấu chín", bắt đầu không hoạt động bình thường.
BS Chi Cheng (Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân trực thuộc Đại Học Y khoa Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc) nhấn mạnh, sốc nhiệt có thể gây đột quỵ, làm tổn thương, suy giảm chức năng nhiều cơ quan như tim mạch, thận, gan, hệ tiêu hóa. Nếu không được điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong có thể lên tới 70 - 80%.
3 kiểu người dễ bị sốc nhiệt, đột quỵ trong những ngày nắng nóng hiện nay
1. Người có chức năng tuyến mồ hôi bất thường
Những người như vậy không thể điều chỉnh nhiệt độ cơ thể thông qua mồ hôi nên dễ bị say nắng hơn.
Say nắng chuyển thành sốc nhiệt, có nguy cơ đột quỵ cao, nhất là trong những ngày nắng nóng cao điểm hiện nay.
2. Người không quen với nhiệt độ cao
Những người mới bắt đầu làm việc, tập thể dục ngoài trời, hoặc những người mới chuyển từ nơi mát mẻ đến nơi nóng ẩm... có nguy cơ bị say nắng, sốc nhiệt cao hơn. Nguyên nhân là do chưa thích nghi với môi trường nhiệt độ cao.
3. Người có tiền sử say nắng
Những người này có nhiều khả năng bị say nắng, sốc nhiệt bất cứ lúc nào khi trời nắng nóng.
Làm thế nào để biết bạn có bị say nắng hay không để ngăn chặn kịp thời, tránh sốc nhiệt, đột quỵ?
Nói chung cơ thể sẽ có những dấu hiệu cụ thể như sau:
- Tăng thân nhiệt: Nhiệt độ cơ thể tăng đột ngột, thường trên 40°C. Đây chính là dấu hiệu của say nắng.
- Đổ mồ hôi bất thường: Do mất cân bằng trong việc điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, da có thể bị khô, đỏ bất thường hoặc đổ mồ hôi bất thường.
- Lẫn lộn: Đột quỵ do nhiệt có thể gây rối loạn ý thức. Các triệu chứng như nhức đầu, chóng mặt, lú lẫn, kích động, nói lắp, khó chịu và hôn mê có thể xảy ra.
- Sốc: Nhiệt độ cao sẽ làm tim đập nhanh và tụt huyết áp, trường hợp nặng có thể gây sốc.
Đột quỵ do nhiệt - kẻ sát nhân do nắng nóng có thể ngăn chặn thế nào?
1. Tránh tiếp xúc với nhiệt độ cao
Để tránh say nắng, sốc nhiệt và đột quỵ trong những ngày này, tốt nhất không nên ra ngoài, không đến nơi có nhiệt độ cao, không khí lưu thông kém quá lâu.
Khi phải ra ngoài, tốt nhất nên tránh buổi trưa - thời điểm nóng nhất trong ngày.
2. Trang phục phù hợp
Mặc quần áo nhẹ, rộng, thoáng khí, chẳng hạn như vải cotton hoặc chất liệu khô nhanh, để giúp cơ thể bạn tản nhiệt.
3. Bổ sung nước kịp thời
Khi thời tiết nắng nóng, hãy uống nước thường xuyên. Điều này giữ nước cho cơ thể, ngay cả khi bạn không cảm thấy khát cũng nên uống.
4. Sử dụng kem chống nắng
Khi thực hiện các hoạt động ngoài trời, hãy sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF cao để bảo vệ làn da và giảm sức nóng từ ánh nắng trực tiếp.
5. Bật điều hòa
Khi thời tiết nắng nóng, bạn cần bật điều hòa hoặc quạt để hạ nhiệt độ. Ngoài ra, bạn có thể dùng những cách khác để hạ nhiệt như đóng rèm, dùng khăn ướt, miếng làm mát...