Những doanh nhân trẻ xuất sắc, 'gánh' thành công khối tài sản khổng lồ gia tộc

Sinh ra ở "vạch đích" nhưng những doanh nhân này không ngừng nỗ lực, chứng minh mình xứng đáng gánh vác cơ nghiệp khổng lồ của gia đình.

Ông Nguyễn Ngọc Thái Bình (1982)

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh là người chèo lái Công ty Cổ phần Cơ điện Lạnh REE từ một xí nghiệp quốc doanh liên hiệp kinh doanh bế tắc những năm 80-90 đến một tập đoàn lớn mạnh như hiện nay.

Với việc là Chủ tịch Hội đồng quản trị REE, bà Thanh sở hữu 12,2% cố phần công ty với trị giá hơn 2.100 tỷ đồng. Gia đình bà Thanh cũng sở hữu khối tài sản gần 1.500 tỷ đồng cổ phiếu REE.

Nguyễn Ngọc Thái Bình, con trai bà Thanh, làm Giám đốc tài chính và tham gia ban quản trị REE khi mới 27 tuổi. Hiện doanh nhân này sở hữu khoảng 335 tỷ đồng cổ phiếu REE, 57 tỷ đồng cổ phiếu STB.

Những doanh nhân trẻ tài giỏi, 'gánh' thành công khối tài sản gia đình khổng lồ  - 1

Nguyễn Ngọc Thái Bình tốt nghiệp ngành tài chính ngân hàng, Đại học Virginia và sở hữu bằng Thạc sỹ Quản trị kinh doanh Đại học Hawaii. Trước khi được giới thiệu vào REE, ông Bình là Giám đốc quan hệ khách hàng Ngân hàng HSBC Việt Nam.

Ngoài vị trí Giám đốc tài chính tại REE, con trai cả bà Mai Thanh còn giữ vai trò thành viên HĐQT tại các doanh nghiệp như: Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín, CTCP B.O.O Nước Thủ Đức, CTCP Đầu tư và kinh doanh nước sách Sài Gòn, CTCP Cấp nước Nhà Bè.

Ông Dương Nhất Nguyên (1983)

Tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank), ông Dương Nhất Nguyên (1983) là thế hệ thứ hai trong Tập đoàn Hoa Lâm của vợ chồng ông Dương Ngọc Hòa và bà Trần Thị Lâm.

Ông Nguyên có hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh - tài chính - ngân hàng. Trước khi gia nhập Vietbank, ông từng giữ các vị trí điều hành, quản lý tại nhiều doanh nghiệp (Giám đốc đầu tư Công ty CP Đầu tư phát triển Hoa Lâm; Chủ tịch Hội đồng Thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH dược phẩm Hoa Lâm) và điều hành nhiều dự án lớn của Tập đoàn Hoa Lâm.

Những doanh nhân trẻ tài giỏi, 'gánh' thành công khối tài sản gia đình khổng lồ  - 2

Ông tham gia Ban Điều hành Vietbank từ tháng 1/2013 với vị trí Phó Tổng Giám đốc.

Từ năm 2013 đến trước ngày 26/4/2021, ông trải qua các vị trí quản trị, điều hành tại Vietbank: Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Phó Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT Vietbank nhiệm kỳ 2016 - 2020. Ngoài ra, ông còn là Trưởng Ban chỉ đạo các dự án chuyển đổi của Vietbank như: Dự án tiền lương, Dự án tái định vị thương hiệu, Dự án Core banking, Dự án Ngân hàng số...

Từ ngày 26/4/2021 đến nay, ông là Chủ tịch HĐQT Vietbank.

Ông Nguyên cũng gây ấn tượng khi từng là cử nhân trường Greenwich University (Anh), thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Trường Đại học Devry (Mỹ). Thiếu gia này bắt đầu vào Ban Điều hành Vietbank từ đầu năm 2013 với vị trí Phó Tổng giám đốc và từ đó đến nay trải qua nhiều cương vị quan trọng.

Bà Lê Thu Thủy (1983)

Tại SeABank, sau một thời gian nắm giữ vị trí CEO với khá nhiều thành công, bà Lê Thu Thủy, con gái bà Nguyễn Thị Nga thôi đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc nhưng tiếp tục tham gia quản trị ngân hàng với vai trò Phó Chủ tịch HĐQT.

Trong thời gian bà Thủy làm CEO, SeABank có nhiều chuyển biến tích cực. Hồi tháng 3/2021, SeABank chính thức đưa hơn 1,2 tỷ cổ phiếu SSB niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM - HOSE (HSX) với giá tham chiếu 16.800 đồng/cp. Hiện cổ phiếu SeABank có giá khoảng 24.600 đồng/cp. SeABank có vốn hóa đạt hơn 60.000 tỷ đồng.

Những doanh nhân trẻ tài giỏi, 'gánh' thành công khối tài sản gia đình khổng lồ  - 3

SeABank là một trong những ngân hàng tầm trung có tăng trưởng mạnh mẽ nhất vài năm gần đây. Lợi nhuận của nhà băng này đã tăng gấp nhiều lần, đạt ngưỡng nghìn tỷ trong 3 năm qua. Vốn điều lệ cũng tăng mạnh, từ 5.465 tỷ đồng vào cuối năm 2018 lên tới hơn hơn 20.000 tỷ đồng. 

Bà Thủy cũng có học vấn cao, với bằng tốt nghiệp cử nhân Quản trị kinh doanh và cử nhân Tài chính ngân hàng tại Đại học George Mason, Mỹ. Con gái bà Nga hiện sở hữu hơn 48 triệu cổ phiếu SSB của SeABank, giá trị khoảng 1.500 tỷ đồng.

Ông Phạm Trần Nhật Minh (1983)

Minh Nhựa tên thật là Phạm Trần Nhật Minh - một đại gia TP.HCM nổi tiếng với thú vui mua siêu xe. Ông Minh sinh năm 1983, tốt nghiệp Đại học Hùng Vương, là con trai duy nhất của doanh nhân Phạm Văn Mười – Tổng giám đốc Công ty Nhựa Long Thành, cũng là người kế thừa để phát triển doanh nghiệp này.

Những doanh nhân trẻ tài giỏi, 'gánh' thành công khối tài sản gia đình khổng lồ  - 4

Tuy sinh ra trong một gia đình giàu có nhưng Minh Nhựa cho rằng mình không "ở vạch đích", ông cũng phải nỗ lực lao động mười mấy năm, trải qua những vị trí khác nhau trong công ty của cha, rồi mới đảm nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc.

Ông Trần Hùng Huy (1987)

Trong thời gian gần đây, giới đầu tư trầm trồ thán phục khi “chủ tịch hát một đêm hơn team marketing chạy cả tháng”. Ông Huy là doanh nhân thuộc thế hệ thứ hai đã dẫn dắt một ngân hàng tư nhân hàng đầu Việt Nam gặt hái nhiều thành công.

Ông Trần Hùng Huy đã nối gót bố mẹ (ông Trần Mộng Hùng và bà Đặng Thu Thủy) để lèo lái Ngân hàng ACB cả chục năm qua. Tuy bận rộn nhưng vị chủ tịch ngân hàng này vẫn sôi động, trẻ trung và truyền cảm hứng tích cực tới lớp thanh niên trẻ Việt Nam.

Những doanh nhân trẻ tài giỏi, 'gánh' thành công khối tài sản gia đình khổng lồ  - 5

Chủ tịch Ngân hàng ACB Trần Hùng Huy (sinh năm 1978) được biết đến là nhà lãnh đạo trẻ đã vực dậy ACB sau cuộc khủng hoảng gắn liền với vụ án Bầu Kiên ACB. Trong 5 năm gần nhất, ACB ghi nhận lợi nhuận tăng theo từng năm và duy trì được tỷ lệ nợ xấu thuộc tốp thấp nhất trong hệ thống. Năm 2012, ông Huy trở thành chủ tịch ngân hàng trẻ nhất, khi mới 34 tuổi.

Ông Trần Hùng Huy có học vấn đáng nể với bằng cử nhân ba chuyên ngành: quản trị kinh doanh, tài chính, kinh doanh quốc tế; sau đó là thạc sĩ Đại học Chapman và tiến sĩ tại Golden Gate (Mỹ).

Ông Huy là một trong 45 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, hiện sở hữu số lượng cổ phiếu ACB (tính tới 10/10/2023) trị giá khoảng 2.900 tỷ đồng.

Ông Đào Hữu Duy Anh (1988)

Ông Đào Hữu Duy Anh - Tổng giám đốc, ủy viên HĐQT Hóa chất Đức Giang (DGC), là con trai Chủ tịch Đào Hữu Huyền.

Ông Đào Hữu Duy Anh sinh năm 1988, tốt nghiệp thạc sĩ Hóa đại học Cambridge, Anh. Sau khi trở về Việt Nam, ông Duy Anh gần như dành toàn bộ thời gian để làm quen với công việc kinh doanh của gia đình.

Những doanh nhân trẻ tài giỏi, 'gánh' thành công khối tài sản gia đình khổng lồ  - 6

Công việc đầu tiên tại DGC của Duy Anh là công nhân đổ bê tông, sau đó là công nhân ở xưởng nguyên liệu với thời gian làm việc 8 tiếng một ngày.

Đến nay, vị lãnh đạo trẻ đã gắn bó ở Đức Giang hơn 11 năm, tham gia 6 - 7 dự án nhà máy hóa chất. Trong quá trình đó, Duy Anh tham gia toàn diện vào việc lựa chọn công nghệ, kỹ thuật, nhà thầu, trang thiết bị vận hành rồi đến lúc chạy thử nhà máy... 

Mới đây nhất, Công ty cổ phần tập đoàn hoá chất Đức Giang công bố Nghị quyết HĐQT thành lập Công ty TNHH MTV hóa chất Đức Giang - Đăk Nông, trong đó DGC chiếm 100% vốn góp và Đào Hữu Duy Anh là người đại diện phần vốn góp của DGC trong Đức Giang - Đăk Nông, đồng thời là Chủ tịch của doanh nghiệp này.

Như vậy, ông Đào Hữu Duy Anh đã chính thức trở thành Chủ tịch Công ty con của DGC ở tuổi 34.

Ông Đỗ Quang Vinh (1989)

Sau đại hội cổ đông thường niên năm 2023, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã bầu ông Đỗ Quang Vinh, con trai ông Đỗ Quang Hiển (Bầu Hiển) làm Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) nhiệm kỳ 2022-2027.

Hiện, ông Đỗ Quang Hiển vẫn là Chủ tịch SHB. Tuy nhiên, ông Đỗ Quang Vinh được xem là gương mặt sáng giá cho vị trí lãnh đạo cao nhất tại SHB trong tương lai không xa.

Những doanh nhân trẻ tài giỏi, 'gánh' thành công khối tài sản gia đình khổng lồ  - 7

Ông Đỗ Quang Vinh sinh năm 1989, là thạc sĩ chuyên ngành tài chính và quản trị tại University of East Anglia (Vương quốc Anh) và có 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Ông Vinh có nhiều năm làm trong doanh nghiệp, ngân hàng ở nước ngoài trước khi trở về Việt Nam năm 2019.

Năm 2021, Đỗ Quang Vinh trở thành Phó Tổng Giám đốc trẻ tuổi nhất SHB. Hiện ông Vinh là lãnh đạo trực tiếp dẫn dắt việc triển khai chiến lược và chuyển đổi toàn diện của Ngân hàng SHB.

Đỗ Quang Vinh cũng từng giữ vai trò lãnh đạo tại SHB Finance, công ty con của SHB hoạt động lĩnh vực tài chính tiêu dùng. Đơn vị này đã có thỏa thuận chuyển nhượng 100% vốn điều lệ cho Ngân hàng Krungsri của Thái Lan, với giá trị được đồn đoán lên tới 156 triệu USD.

Doanh nhân Trần Thị Quỳnh Ngọc (1990)

Trần Thị Quỳnh Ngọc là con gái của doanh nhân quá cố Trần Văn Cường và Chủ tịch đương nhiệm Tập đoàn Nam Cường Lê Thị Thúy Ngà. Trần Thị Quỳnh Ngọc nổi tiếng khi trở thành Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nam Cường khi mới ở tuổi 20.

Những doanh nhân trẻ tài giỏi, 'gánh' thành công khối tài sản gia đình khổng lồ  - 8

Trần Thị Quỳnh Ngọc sinh năm 1990 và có 8 năm tu nghiệp tại Anh ngành Địa lý Kinh tế. Cô được biết đến là một người yêu thích thiên nhiên, nghệ thuật và những hoạt động xã hội. Nhưng dưới những lời khuyên và sự ảnh hưởng từ bố, Quỳnh Ngọc đã chọn đi theo con đường bất động sản.

Doanh nhân Trịnh Thị Mai Anh (1992)

Tại Ngân hàng TMCP Phương Đông, ông Trịnh Văn Tuấn giữ vị trí Chủ tịch hơn thập kỷ qua. Còn con gái Trịnh Thị Mai Anh (1992) hiện là thành viên HĐQT của ngân hàng này. Đây là cũng là gương mặt nữ 9x hiếm hoi trong HĐQT của một ngân hàng tại Việt Nam.

Những doanh nhân trẻ tài giỏi, 'gánh' thành công khối tài sản gia đình khổng lồ  - 9

Trịnh Thị Mai Anh tốt nghiệp London School of Economics and Political Science (Anh) và đã từng làm tại HSBC London, VinaCapital, Tập đoàn Temasek Singapore…Mai Anh sở hữu hơn 40 triệu cổ phiếu OCB, tương đương tỷ lệ sở hữu 2,29%, trị giá khoảng 810 tỷ đồng.

Công Hiếu