Nguyễn Thị Cúc là cô sinh viên của trường ĐH Công Nghiệp Hà Nội. Mọi người vẫn hay thường trìu mến gọi Cúc bằng cái tên 'cô bé đồng nát'. Sinh ra trong một gia đình nghèo có đến 6 anh chị em ở Thanh Hóa, Cúc khao khát được học đại học để tìm kiếm con đường thay đổi vận mệnh.
Ngày biết tin đỗ đại học cũng là ngày Cúc nhận ra cái nghèo đang giày vò cha mẹ mình như thế nào. Để có tiền cho Cúc nhập học, mẹ Cúc đã phải đi vay tiền người ta. Cúc kể lại trong nước mắt: 'Em nhớ là hôm khi biết tin đỗ vào đại học, em có một giấc mơ là mẹ phải đi vay tiền cho em học. Lúc mẹ đi vay tiền người ta đã chửi mẹ, lúc đó em đã khóc cả ngày. Em rất sợ, em đi học đại học như vậy thì lấy tiền đâu?'.
Không đầu hàng trước số phận, Cúc quyết định theo mẹ đi bán đồng nát. 4 năm học đại học cũng là 4 năm Cúc cùng mẹ rong ruổi trên chiếc xe đạp cũ chở đủ thứ phế liệu đạp đến từng ngõ ngách thu mua. Trong khi bạn bè được thỏa thích vui chơi quãng đời sinh viên thì Cúc lại lăn lộn với từng vỏ bia, chai lọ hỏng. Dẫu vậy, cô không lấy đó làm mặc cảm mà còn là động lực để cố gắng nhiều hơn nữa.
Thành tích học tập của Cúc luôn đứng đầu khoa. Cô còn vinh dự trở thành gương mặt đại diện được trường trao cơ hội sang Trung Quốc du học 1 năm. Để có kinh phí cho Cúc đi, bố mẹ đã giấu nước mắt bán đi con trâu cũng là tài sản duy nhất trong nhà khi ấy.
Thấu hiểu sự hi sinh thầm lặng của ba mẹ, ngày Cúc viết thư về câu đầu tiên cô nói là lời xin lỗi.
“Gửi mẹ yêu, mẹ à! Mẹ chắc sẽ rất bất ngờ khi nhận được thư này của con. Lời đầu tiên con muốn nói với mẹ đó là con xin lỗi mẹ. Con xin lỗi mẹ thật nhiều, con biết mẹ không nói ra nhưng mẹ đã chịu rất nhiều cực khổ. Nếu sau này con có thể kiếm được nhiều tiền, con chắc chắn sẽ mua cho bố mẹ lại một con trâu như ngày trước. Vì con mà bố mẹ đã phải bán con trâu gia tài của mình”.
Câu chuyện của Cúc đã lấy đi nước mắt của biết bao người. Đó cũng là bài học về tình mẫu tử và sự không ngừng vươn lên trong cuộc sống của những phận người nhỏ bé.