Ở Nhật Bản, trẻ em được xem là 'có nguy cơ tuyệt chủng’

Tỷ lệ sinh thấp và ác cảm kết hôn của người trưởng thành đang tạo nên cuộc khủng hoảng kép ở xứ Phù Tang, khiến nhà chức trách nước này đau đầu.

Cùng với tình trạng già hóa dân số, Nhật Bản còn phải đối mặt với tình trạng tỷ lệ sinh thấp. Ảnh: Eri Gustke/The New York Times.

“Trẻ em ở Nhật Bản có nguy cơ tuyệt chủng”, Japan Today nhận xét.

Ngày càng có ít trẻ em được sinh ra. 799.278 ca sinh được ghi nhận vào năm 2022 cho thấy mức giảm 5,1% so với năm 2021. Đây là mức thấp kỷ lục thứ 7 liên tiếp - giảm từ mức cao nhất năm 1973 là 2,09 triệu.

Người Nhật từ 65 tuổi trở lên chiếm 28,6% dân số tính đến năm 2020 - mức cao nhất thế giới. Trong khi đó, trẻ em từ 15 tuổi trở xuống là 11,8% - mức thấp nhất thế giới.

Số lượng trẻ em ở Nhật Bản đang sụt giảm nghiêm trọng, ít hơn 13 triệu so với năm 1950. Đó là thực trạng mà Cơ quan Trẻ em và Gia đình mới của chính phủ, ra đời ngày 1/4, phải đối mặt. Bộ trưởng Bộ các vấn đề về giới Masanobu Ogura, người đứng đầu cơ quan này, tuyên bố sẽ tạo ra “một xã hội lấy trẻ em làm trung tâm”.

Trung Quốc và Hàn Quốc cũng ở trong tình trạng tương tự, theo Spa. Năm 2022, Trung Quốc chứng kiến ​​sự sụt giảm dân số lần đầu tiên sau 61 năm. Hàn Quốc dẫn đầu 37 quốc gia tiên tiến của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) về tỷ lệ tử vong vượt qua tỷ lệ sinh với biên độ lớn nhất.

Điểm chung của cả 3 quốc gia là hiện tượng sẽ đè nặng lên Ogura khi ông tiếp tục kế hoạch của mình: sự ác cảm với hôn nhân.

“Những người độc thân suốt đời” (cá nhân từ 50 tuổi trở lên chưa từng kết hôn) chiếm 23% dân số Nhật Bản ngày nay, so với 5% vào năm 1970. Nhiều nguyên nhân được xác định là do kinh tế, xã hội và tâm lý.

Ngày nay, việc nuôi dạy một đứa trẻ tốn rất nhiều tiền, chứ chưa nói đến 2 hoặc 3. Trẻ em phải được giáo dục hơn bao giờ hết bởi thực tế, công nghệ cao và việc làm liên quan có xu hướng bỏ xa những người được giáo dục rẻ tiền. Điều kiện tiên quyết tối thiểu là công việc ổn định, mà ngày càng khó nắm bắt khi việc tuyển dụng bán thời gian lan rộng.

Người muốn thì không đủ tiền để sinh con, còn những ai không muốn lại coi là gánh nặng có thể tránh được.

Còn rất nhiều việc phải làm. Phụ nữ tự do, độc lập về kinh tế có thể sống không cần chồng với số lượng ngày càng tăng. Họ cũng có thể sống mà không có con. Tại sao phải ràng buộc bản thân với công việc làm mẹ và nội trợ buồn tẻ khi sự nghiệp và hoạt động giải trí sau giờ làm việc mang đến những lựa chọn thay thế thú vị như vậy?

Trung Quốc vào năm 2016, với tình trạng già hóa dân số, đã nới lỏng chính sách một con được đưa ra vào năm 1980 để chống lại tình trạng dân số quá đông. Nhưng sinh con là ưu tiên thấp với người trẻ hiện đại và lời kêu gọi đã không được hồi đáp. Tốc độ lão hóa nhân khẩu học của quốc gia này ngày càng tăng.

Một vấn đề khác là trẻ em thuộc nhóm rất dễ bị tổn thương. Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) vào năm 2020 đã xếp hạng Nhật Bản ở vị trí 37 trong số 38 quốc gia về “hạnh phúc của trẻ em”.

Các trung tâm tư vấn trẻ em trực thuộc chính phủ nước này báo cáo có nhiều vụ lạm dụng trẻ em và tự tử ở trẻ em hơn bao giờ hết. Tình trạng bắt nạt ngày càng nhiều và tồi tệ.

Covid-19 chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề. UNICEF cho biết trẻ em trên toàn thế giới đã mất 2.000 tỷ giờ học tập khi các trường học đóng cửa vì đại dịch. Điều đó nghiêm trọng ở các nước phát triển, là thảm họa tại những quốc gia nghèo hơn - nơi giáo dục có chỗ đứng bấp bênh nhất.

Nhật Bản tương đối may mắn. Tuy nhiên, cuộc khảo sát chung năm 2021 về lối sống của trẻ em Nhật Bản, do Viện Khoa học Xã hội tại Đại học Tokyo và Viện Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục Benesse thực hiện, cho thấy 40% học sinh tiểu học và 60% học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông trả lời “không” với câu hỏi “Em có cảm thấy có động lực học tập không?” - tăng 10% so với năm 2019.

Có lẽ nhiều người bây giờ sẽ ngạc nhiên khi thấy những con đường, công viên và sân chơi tràn ngập trẻ em đang cười, la hét, khóc như trước đây. Một trong số cách giúp nâng cao tinh thần của họ là “90% việc làm toàn thời gian”, nhà báo Miho Kobayashi nói với Spa.

Tỷ lệ sinh con giảm tỷ lệ thuận với sự gia tăng của công việc bán thời gian. Ông Kobayashi hy vọng nó sẽ hồi sinh tương xứng với sự phục hồi của việc làm toàn thời gian, nếu chưa quá muộn.