Sau dịch, thị trường lao động thay đổi khi người lao động không còn chiếm thế thượng phong trong tìm kiếm việc làm. Ảnh minh họa: Cottonbro Studio/Pexels. |
Megan Burr (41 tuổi), người mẹ 4 con đã ly hôn đến từ bang Oregon (Mỹ), hoàn thành 9 vòng phỏng vấn cho vị trí marketing để rồi không bao giờ nhận được tin tức từ công ty nữa.
Đó chỉ là một trong số trải nghiệm cô gặp phải trong 4 tháng chật vật tìm việc kể từ khi bị sa thải vào tháng 11/2022.
Burr làm việc trong lĩnh vực marketing suốt một thập kỷ và có 4 lần tìm kiếm công việc mới kể từ năm 2018. Ở các lần trước, cô đều nhận được nhiều lời mời chỉ trong vài tuần.
Tuy nhiên, lần này, quá trình tìm việc của Burr kéo dài với nhiều vòng phỏng vấn và yêu cầu thuyết trình hơn. Sau khi nộp đơn ứng tuyển khoảng 150 công việc, cô cuối cùng nhận được vị trí cố vấn marketing, theo Insider.
Câu chuyện của Burr cho thấy sự thay đổi trong thị trường lao động: người sử dụng lao động rất cần nhân sự trong thời kỳ đại dịch khó khăn, giúp người lao động chiếm thế thượng phong trong tìm kiếm việc làm. Bây giờ, các vai trò đã đảo ngược.
Megan Burr chật vật trong nhiều tháng mới có thể tìm được việc mới. Ảnh: Megan Burr. |
Khi tình trạng sa thải làm rung chuyển nhiều ngành công nghiệp và nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi sự không chắc chắn, các nhà tuyển dụng đang đình trệ quá trình tuyển người.
Điều đó khiến những người thất nghiệp phải trải qua rất nhiều vòng phỏng vấn. Thế nhưng, quá trình tìm việc kéo dài đôi khi dẫn đến ngõ cụt, the The Wall Street Journal.
“Tôi thường phải dành 20 tiếng cho một quá trình phỏng vấn. Từ góc độ kinh doanh, tôi không hiểu vì sao cần tốn quá nhiều thời gian như vậy. Tôi từng trải qua 8 cuộc phỏng vấn trong hơn 2 tháng trước khi công ty nói rằng họ quyết định chọn ứng viên khác. Mục đích của nhiều cuộc phỏng vấn thật sự không rõ ràng”, Burr nói.
Cuối năm 2022, một số công ty như Apple bắt đầu áp dụng biện pháp đóng băng tuyển dụng, trong khi những doanh nghiệp khác, như Meta, trải qua nhiều đợt sa thải do dự đoán về suy thoái kinh tế.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, người lao động rất lạc quan về việc điều hướng thị trường việc làm, với khoảng 2/3 người lao động nói rằng họ đang cân nhắc chuyển việc vào năm 2023.
Kể từ đó, số lượng đăng tuyển vị trí nhân viên văn phòng trong lĩnh vực bất động sản, tài chính, bảo hiểm và quảng cáo giảm.
Các nhân viên văn phòng đang từ bỏ ý định nhảy việc và chọn ở lại vị trí hiện tại, báo hiệu sự kết thúc của “Sự từ chức vĩ đại”, cây viết Madison Hoff của Insider đưa tin.
Tình hình lại khác đối với những người lao động cổ cồn xanh, với các công việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, kiến trúc và khách sạn đang có cơ hội việc làm tăng lên.
“‘Sự từ chức vĩ đại’ kết thúc vài tháng rồi. Điều này vẫn còn có thật trừ khi bạn đang ở tuyến đầu chống dịch với tư các nhân viên dịch vụ trực tiếp hoặc thợ lành nghề”, Aaron Terrazas, nhà kinh tế trưởng tại Glassdoor, nói với Insider vào đầu tháng 5.