Sự thật phía sau vụ mất tích bí ẩn của bé trai 10 tuổi khiến nhiều người rùng mình

Bé trai 10 tuổi được tìm thấy đã tử vong sau 20 ngày mất tích. Quá trình điều tra phát hiện nhiều bằng chứng cho thấy nạn nhân bị sát hại dã man.

Ngày 24/5, Văn phòng Công an huyện Lâm Nghi nhận được tin báo từ anh Tạ, cư dân của thị trấn Lâm Tấn, Lâm Nghi, Sơn Tây, Trung Quốc về việc cậu con trai 10 tuổi họ Trương (mang họ mẹ) của anh đã mất tích vào ngày 3/5, xin nhờ công an giúp đỡ tìm kiếm.

Nhận được trình báo, Công an huyện Lâm Nghi nhanh chóng thành lập đội tìm kiếm, cố gắng giúp đỡ gia đình trong công tác tìm kiếm cậu bé. 

Trải qua nhiều ngày thăm dò, tìm kiếm và điều tra, đến ngày 23/5, công an đã tìm thấy em Trương. Đáng tiếc thay, thời điểm được tìm thấy, cậu bé 10 tuổi đã không còn dấu hiệu sự sống, nhiều bằng chứng cho thấy bị giết hại dã man.

su mat tich bi an cua be trai 10 tuoi khien nhieu nguoi rung minh

Bé trai 10 tuổi bị bố dượng và mẹ ruột giết hại dã man. Ảnh: Sina

Qua điều tra, cơ quan chức năng địa phương ra lệnh bắt giữ đối với hai nghi phạm là Trương và Vương. Được biết Trương chính là mẹ ruột của bé trai, Vương là bố dượng. 

Tại cơ quan điều tra, Vương khai nhận, trong suốt quá trình ngược đãi con riêng của người tình, anh ta được người mẹ ruột của bé giúp đỡ. Theo đó, bé trai đã cố gắng thoát khỏi tay bố dượng độc ác, nhưng chính mẹ của bé đã chạy tới đè bé xuống cho người đàn ông đánh đập.

Công an huyện Lâm Nghi cho biết, họ đang tiến hành khám nghiệm tử thi, điều tra sâu hơn nguyên nhân dẫn đến cái chết của cậu bé. Đồng thời, thông qua thẩm vấn, công an cũng đang tìm hiểu động cơ gây án, bóc tách mâu thuẫn chồng chéo giữa 3 người Tạ, Trương và Vương.

Sự việc đau lòng của bé trai 10 tuổi sau đó đã được đăng tải, thu hút sự chú ý của cư dân mạng. Đa số mọi người đều vô cùng phẫn nộ, cho rằng hổ dữ cũng không ăn thịt con nhưng cô Trương lại sẵn sàng cùng chồng mới bạo hành, ngược đãi, giết chết con trai, nên cần phải trừng phạt thật nghiêm khắc.

Trong một cuộc khảo sát với 1.500 trẻ em ở miền Tây nước này cho thấy, 12% trong số đó từng bị lạm dụng thể chất, theo báo cáo được xuất bản bởi Tạp chí Nghiên cứu Môi trường Quốc tế và Sức khỏe cộng đồng năm 2019.

Tờ báo này cho biết con số tương đương cũng được ghi nhận khi khảo sát trẻ em 10-15 tuổi đến từ các tỉnh Tứ Xuyên và Sơn Tây. Những đứa trẻ được khảo sát nói rằng họ đã phải chịu nhiều hình thức ngược đãi, bao gồm bị lạm dụng về thể chất, tinh thần, tình dục và bị bỏ rơi.

Nhiều sự việc đau lòng khi trẻ em bị chính cha mẹ đẻ bạo hành tàn bạo, đến mức tử vong đã khiến người dân Trung Quốc phẫn nộ.

Theo điều tra của Zhang Xuemei, tỷ lệ các vụ bạo lực gia đình ở thành thị cao hơn nông thôn. Trong khi đó, một số vùng nông thôn hẻo lánh không được chú ý, khiến nhiều vụ xâm hại trẻ em chưa tạo được sự quan tâm trong xã hội.

Theo báo cáo, phần lớn nạn nhân của bạo lực gia đình là trẻ bị bỏ rơi, trẻ ngoài giá thú, cũng như trẻ vị thành niên có hoàn cảnh gia đình thay đổi như cha mẹ đơn thân, cha mẹ kế...

Trong nhiều gia đình có mối quan hệ bất hòa, trẻ em cũng thường được coi như công cụ để trút giận hoặc trả thù. Trong số đó, bạo lực gia đình do thói hư tật xấu của cha mẹ gây ra cũng không phải là ít.

Hầu hết bậc cha mẹ trong các vụ bạo hành đều tin rằng “con mình sinh ra, mình có quyền dạy, đánh con là chuyện thường”, “con hư đánh chết cũng được”, “con là của riêng mình”, “phải kỷ luật con để răn đe, để người khác không thể kiểm soát được”, cho dù con họ bị thương nặng hoặc qua đời.

Trong nhiều vụ việc được phát hiện, một số cha mẹ hối hận vì đã đánh con mình dã man song không ít người chống chế rằng đó không phải là hành hạ mà chỉ là một bài học nhỏ cho đứa trẻ.

Thùy Dung (t/h)