Hiện nhiều học sinh cảm thấy ít môn thi tốt nghiệp sẽ gây khó cho việc lựa chọn tổ hợp xét tuyển đại học dẫn tới lo lắng trong việc chọn trường, chọn tổ hợp tuyển sinh.
Tuy nhiên, có thực sự đáng lo ngại như tâm lý trên hay không đang là vấn đề thu hút sự chú ý của dư luận?
Được biết, hiện nay theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trung bình các đại học dành khoảng 50 - 60% chỉ tiêu tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp.
Trong khi đó, ngày càng có nhiều kỳ thi riêng để phục vụ cho tuyển sinh đại học như thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy… các kỳ thi này tổ chức thường xuyên nhiều đợt trong năm tạo điều kiện cho thí sinh ứng thi gần như quanh năm.
Ông Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, việc giảm số môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 các trường sẽ cân đối tổ hợp xét tuyển.
Ông Điền khuyên các thí sinh nên chuẩn bị thêm cho bản thân chứng chỉ tiếng Anh, tham gia thêm kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội để có thêm cơ hội xét tuyển vào các trường đại học bằng nhiều phương thức khác nhau.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), với 4 môn thi, trong đó 2 môn thí sinh tự chọn, số lượng tổ hợp các môn thi là 36. Đây cũng là căn cứ để xác định các tổ hợp xét tuyển vào đại học.
"Với phương thức thi 2+2, quan niệm về khối thi truyền thống cũng không còn. Cho nên các trường đại học nếu tiếp tục sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT thì chắc sẽ phải chọn các tổ hợp khác", ông Thanh cho hay.
Ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ không cho phép thí sinh thi hơn hai môn lựa chọn.
Trong khi đó nhiều giáo viên cho rằng, kỳ thi sẽ trở thành kì thi tốt nghiệp "đúng nghĩa hơn" theo xu hướng các đại học sẽ phải tự chủ phương án tuyển sinh của mình.
Việc tổ chức kỳ thi sẽ gọn nhẹ hơn, áp lực với thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp sẽ giảm đi, các thí sinh chỉ muốn thi tốt nghiệp thôi sẽ vô cùng nhẹ nhàng, các trường có thể chọn nhiều tổ hợp xét tuyển vào đại học phù hợp với nhu cầu tuyển sinh.
Trong khi nhiều người lo lắng, thì không ít chuyên gia tỏ ra lạc quan. Họ cho rằng, trường đại học luôn tìm cách tuyển sinh cho đạt chỉ tiêu vì thế cơ hội cho học sinh vào đại học luôn rộng mở. Thậm chí, càng ngày cơ hội càng lớn.
Đầu vào đại học, thường các trường chọn dựa trên cơ sở học sinh nắm kiến thức cơ bản và phù hợp với chuyên ngành đào tạo. Nếu thí sinh thi 4 môn là bài test quá cơ bản để các trường lựa chọn. Bên cạnh đó, các nhà trường còn có thể lựa chọn thêm nhiều tiêu chí phụ để tuyển thí sinh.
Do đó, nhiều chuyên gia khuyên thí sinh không nên quá lo lắng, vì cơ hội vào đại học gần như không thay đổi khi thay đổi cách thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Các trường đại học chắc chắn sẽ có những thay đổi để thích ứng nhằm tuyển sinh đầu vào đủ chỉ tiêu và phù hợp với ngành đào tạo.