Thứ khiến New York trở thành thành phố đắt đỏ nhất thế giới

Là thành phố đắt đỏ nhất thế giới, chi phí sinh hoạt, giá cả hàng hóa tại New York luôn ở mức cao ngất ngưởng, vượt sức chi trả của nhiều người.

Giới siêu giàu lũ lượt rời khỏi New York để chuyển đến Texas, Florida, Arizona. Ảnh: Guest of a Guest.

Gần đây, thông tin về một chiếc sandwich phô mai và giăm bông được bán với giá 29 USD ở cửa hàng Eli Zabar tại Upper East Side (New York, Mỹ) đã gây sốc vì con số quá vô lý.

Điều này khiến những lát bánh pizza 5 USD tại Fini ở Williamsburg (Brooklyn) trở thành món hời tương đối, theo New York Post.

Một số chuyên gia cho rằng chi tiết đó đang phản ánh tình trạng: ví tiền của người dân sống tại “quả táo lớn”, vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi chi phí tăng chóng mặt từ rạp chiếu phim đến tiệm làm tóc địa phương, sẽ ngày càng bị siết chặt.

Chẳng hạn, lon bia thủ công sẽ có giá gần 10 USD và một lần đánh giày tốn khoảng 15 USD.

New York chưa bao giờ là một nơi rẻ để sống, nhưng đây là lần đầu tiên nó đứng đầu danh sách những thành phố đắt đỏ nhất thế giới, theo cuộc khảo sát hàng năm của Economist Intelligence Unit công bố vào tháng 12/2022.

Trên toàn nước Mỹ, tỷ lệ lạm phát đã giảm xuống còn 5% - mức thấp nhất trong gần 2 năm - nhưng ở New York, các doanh nghiệp vẫn tăng phí bảo hiểm. Trong khi đó, giá cả hàng hóa và dịch vụ ở một số cửa hàng cao hơn gấp đôi khu vực khác.

Nếu muốn tìm nơi có mức giá thấp hơn, người tiêu dùng chỉ có thể đến những vùng lân cận.

new york dat do anh 1

Chí phí sinh hoạt ở New York ngày càng tăng khiến nhiều người phải di cư đến tiểu bang khác. Ảnh: Bloomberg.

Theo Anoop Rai, giáo sư tài chính tại trường Kinh doanh Frank G. Zarb thuộc Đại học Hofstra ở Long Island, đó là lý do chính khiến cư dân thành phố phải sang các quận khác để mua sắm.

Câu hỏi được đặt ra là: Big Apple tăng giá mạnh vì có lý do chính đáng hay được phép làm vậy?

Theo Rai, đáp án nằm ở cả hai yếu tố trên. New York yêu cầu mức lương cao hơn so với các vùng ngoại ô, chủ yếu là do thuế ở đây nhỉnh hơn.

Tiếp theo là chi phí vận chuyển hàng hóa vào thành phố khá khó khăn và khách hàng phải trả thêm tiền cho phần này.

Mặc dù thu nhập, thuế và các quy định nặng nề đều góp phần vào chi phí đắt đỏ ở New York, mức sống vẫn phụ thuộc vào những yếu tố khác.

Chẳng hạn, các lựa chọn giao thông hạn chế, hầu hết mọi người đều chọn đi bộ hoặc xe buýt. Điều đó khiến các chủ doanh nghiệp biết rằng họ có một lượng khách hàng cố định, những người sẽ trả tiền để có được sự thuận tiện.

“Tương tự, hàng hóa ở ngoại ô kém co giãn (có ảnh hưởng không đáng kể đến sự thay đổi của các biến số thị trường) hơn trong thành phố”, giáo sư Rai giải thích.

Theo một thống kê của Henley & Partners, New York là thành phố giàu nhất thế giới, với khoảng 340.000 triệu phú.

“Nếu xây dựng thương hiệu và tiếp thị một cách phù hợp, bạn có thể thoát khỏi kiểu định giá đó. Do đó, tôi không ngạc nhiên khi biết một chiếc sandwich có giá 29 USD”, ông Rai nói thêm.

Không chỉ mua sắm, ăn uống, dịch vụ, việc sống một mình ở New York cũng khá chật vật với “thuế độc thân”.

Theo dữ liệu của StreetEasy, những người độc thân ở New York có thể trả nhiều hơn tới 19.500 USD so với các gia đình có 2 vợ chồng hoặc cặp đôi. Loại phí này nhảy vọt lên gần 24.000 USD ở Manhattan.

Ngoài “quả táo lớn”, theo danh sách của Economist Intelligence Unit, Singapore cũng là đô thị đắt đỏ nhất thế giới vào năm 2022. Thành phố này từng xếp hạng thứ 2 trong năm 2021 và giữ vị trí số một 8/10 năm qua.