Tin tức pháp luật mới nóng ngày 12/5/2020: Ca sĩ Lam Trường và vụ kiện đất đai

Admin
Xét xử phúc phẩm vụ tranh chấp quyền sử dụng đất liên quan đến ca sĩ Lam Trường; Lời khai khó tin vụ nâng điểm 64 thí sinh ở Hòa Bình… là tin pháp luật đáng chú ý.

Xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp quyền sử dụng đất liên quan đến ca sĩ Lam Trường

 
TAND TP Hồ Chí Minh vừa mở phiên tòa phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có liên quan đến nam ca sĩ Lam Trường. Tuy nhiên, phiên xử phải tạm dừng để HĐXX có thời gian thẩm định các chứng cứ mới. Dự kiến phiên tòa sẽ tuyên án vào ngày 18/5.
 
Theo hồ sơ, năm 2000, vợ chồng bà Nguyễn Thị Tân cùng các thành viên khác trong gia đình (trong đó có con của hai ông bà là Tiêu Sinh, Tiêu Lộc, Tiêu Lam Trường - tức ca sĩ Lam Trường) cùng góp tiền để mua một miếng đất có diện tích hơn 3.902 m² tại quận 9 (TP.HCM). Gia đình thống nhất để bà Tân làm đại diện đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), được UBND quận 9 cấp vào năm 2000 (sổ đỏ ghi cấp cho hộ bà Nguyễn Thị Tân).
 
Tin tức pháp luật mới nóng ngày 12/5/2020
Ca sĩ Lam Trường và anh rể sau phiên xử phúc thẩm
 
Nhưng tháng 3/2017, UBND quận 9 cập nhật thay đổi tên chủ sử dụng trên sổ đỏ từ hộ Nguyễn Thị Tân sang tên cá nhân ông Diệu và bà Tân. Đến tháng 4/2017, ông Lộc đã sử dụng hợp đồng ủy quyền (ngày 7-5-2015) để chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất trên cho bà N.T.T.T với giá hơn 27 tỉ đồng.
 
Vì lẽ đó, một người con khác là Tiêu Sinh đã khởi kiện, yêu cầu tòa tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng do văn phòng công chứng lập giữa vợ chồng bà Tân (do ông Lộc làm đại diện) và bà T.
 
Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Tiêu Sinh và các thành viên cho rằng, việc ký hợp đồng chuyển nhượng của ông Lộc để bán đất là vượt quá thẩm quyền đại diện trong giấy ủy quyền. Cạnh đó, việc mua bán không thông qua những thành viên trong hộ gia đình, gây ảnh hưởng nghiêm trọng, xâm phạm quyền lợi của các thành viên.
 

Lời khai khó tin của bị cáo nâng điểm 64 thí sinh ở Hòa Bình

 
Trong phiên tòa sơ thẩm ngày 11/5, TAND tỉnh Hòa Bình xét xử 15 bị cáo trong vụ gian lận thi cử THPT Quốc gia 2018. Bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn – cựu phó hiệu trưởng trường THPT dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy khai: quá trình can thiệp, sửa chữa bài thi của các thí sinh giống với nội dung cáo trạng.
 
Đáng chú ý, khi chủ tọa hỏi bị cáo nhận thức thế nào về hành vi phạm tội của mình, cựu hiệu phó đã đưa ra câu trả lời vô cùng bất ngờ. Bị cáo khai, mặc dù biết việc can thiệp vào bài thi không đúng quy định nhưng trong suy nghĩ ở thời điểm đó, bị cáo “không nghĩ sự việc nghiêm trọng đến mức độ như thế này, cứ nghĩ sai quy chế thi thì chỉ bị xử lý vi phạm hành chính”.
 
Tin tức pháp luật mới nóng ngày 12/5/2020
Bị cáo Tuấn được áp giải đến tòa
 
Bị cáo Tuấn cũng khẳng định, xuất phát điểm không nghĩ sẽ thực hiện gian lận nâng điểm. Tuy nhiên, sau khi có sự mở lời của bị cáo Nguyễn Quang Vinh và Khương Ngọc Chấy, cùng việc một số người thân nhờ cậy, bị cáo nghĩ rằng “đằng nào không nhận thì cũng phải làm”.
 
Về hành vi nhận hối lộ, ông Tuấn giữ nguyên lời khai tại cơ quan điều tra về việc nhận 300 triệu đồng của Hồ Chúc (cựu giáo viên Trường THPT Thanh Hà), 250 triệu đồng của Đào Ngọc Thuật (cựu giáo viên Trường THPT Mường Bi) và 500 triệu đồng của ông Khương Ngọc Chất.
 

VKSND cấp cao kiến nghị HĐXX tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại vụ vợ chồng ông Lẫm

 
Trong phiên xử phúc thẩm vụ án Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản liên quan đến vợ chồng ông Nguyễn Văn Lẫm (SN 1962, Giám đốc Công ty TNHH Lâm Quyết) và vợ Phạm Thị Quyết (SN 1967) tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi bị cáo và bị hại.
 
Khi bước vào phần tranh tụng, đại diện VKSND Cấp cao trình bày quan điểm về toàn bộ những vấn đề, những dấu hiệu còn nhiều mâu thuẫn chưa được làm rõ, cần phải tiếp tục điều tra bổ sung.
 
Tin tức pháp luật mới nóng ngày 12/5/2020
Đại diện VKSND tại phiên xử hôm nay (Ảnh VTC.new)
 
Phía VKSND cấp cao, quá trình điều tra có nhiều mâu thuẫn, cần làm rõ bản chấy cụ thể, các mối quan hệ để xác định vợ chồng ông Lẫm, bà Quyết có phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay không?
 
Đại diện VKSND cấp cao cho rằng, phiên tòa hôm nay không có cơ sở cũng như không thể khắc phục thiếu sót trên, nhất là vấn đề về đối chất giữa bị cáo, nhân chứng và người bị hại. Cần thiết một lần nữa kiểm tra lại hệ thống chứng cứ để xác định chắc chắn hành vi phạm tội của các bị cáo.
 
Để bảo đảm chắc chắn hành vi phạm tội của bị cáo, bảo đảm khách quan chính xác, xét xử đúng người đúng tội, đúng pháp luật, tránh oan sai, vị đại diện Viện KSND Cấp cao đề nghị HĐXX tuyên hủy toàn bộ án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra, xét xử lại từ đầu vụ án này.
 
 
Nga Đỗ (t/h)