Tranh luận trái chiều về đề xuất cắt điện, nước để xử vi phạm hành chính

Đề xuất cắt điện, nước là biện pháp cưỡng chế để xử lý vi phạm hành chính tại điều 86 theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính đang gây ra những tranh luận trái chiều.
Chiều 22/5, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Dự án luật trước Quốc hội, cho biết, Tờ trình đưa ra 2 loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất đề nghị bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm” và dự thảo Luật thể hiện theo loại ý kiến này.

Tranh luận trái chiều về đề xuất cắt điện, nước để xử vi phạm hành chính
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính - Ảnh: Quochoi.vn
 
Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định biện pháp này là biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý xử lý vi phạm hành chính.

Tùy hành vi và đối tượng vi phạm


Trao đổi với Tuổi trẻ, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho hay, xử phạt vi phạm hành chính là việc cơ quan hành chính nhà nước thi hành chế tài đối với người vi phạm, vì lợi ích công. Quan trọng là việc xử phạt này phải đạt hiệu quả và phải có tính răn đe, nếu không tuân thủ thì tăng nặng dần lên, nặng nhất là chuyển sang truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ông Nghĩa cho rằng việc cắt điện, cắt nước đối với người vi phạm hành chính có thể cần thiết nhưng phải tùy hành vi, đối tượng và loại vi phạm, chủ yếu phải xem có đạt hiệu quả hay không và tác động đến xã hội ra sao.
 
Ví dụ những chủ đầu tư công trình trái phép hay những cơ sở kinh doanh gây ô nhiễm, gây mất trật tự, vệ sinh, có nguy cơ cháy nổ… bị phạt nhiều lần vẫn không dừng, không sửa thì có thể cắt điện, nước. Còn cắt điện, nước đối với những khu dân cư đông người, những khu lao động thu nhập thấp, hay gây ảnh hưởng đến trường học, bệnh viện... phải cân nhắc về tác động và hiệu quả.
 
Về câu hỏi "việc cung cấp điện, nước là quan hệ dân sự, cơ quan xử phạt hành chính có quyền đụng đến hay không?", quan điểm của đại biểu Trương Trọng Nghĩa là xử phạt hành chính là nhân danh lợi ích công để chế tài những kẻ vi phạm gây thiệt hại cho người khác, cho xã hội. Vì vậy, khi cần thiết, Nhà nước có quyền đình chỉ các quan hệ dân sự của những người vi phạm để hạn chế thiệt hại và buộc chấm dứt hành vi vi phạm. Tất nhiên, điều này phải được quy định bằng luật và cần cụ thể để chống lạm quyền.
 
Tranh luận trái chiều về đề xuất cắt điện, nước để xử vi phạm hành chính
 
Ông Bùi Trung Kiên (Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM) cho hay: Hiện nay, ngành điện chỉ cắt điện với những trường hợp có quyết định cưỡng chế để đảm bảo an toàn cho người thi hành công vụ, còn với những trường hợp khác sẽ không cắt điện.
 
"Nếu sử dụng doanh nghiệp kinh doanh điện như một "công cụ" trong xử lý vi phạm hành chính, theo tôi, là không nên". Dù vậy ông Kiên cũng bày tỏ quan điểm vì là doanh nghiệp nhà nước nên ngành điện cũng sẵn sàng hỗ trợ việc thực thi luật pháp, nếu yêu cầu ngành điện thực hiện, chúng tôi sẵn sàng chấp hành nhưng cần phải có những quy định rõ ràng, cụ thể.
 

Không nên buộc nhà cung cấp cắt điện, nước

 
Trước đó, tại phiên họp Thường vụ Quốc hội sáng 10/2/2020, Ủy ban Pháp luật - cơ quan chủ trì thẩm tra đã bác bỏ đề xuất trên. Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm ủy ban lí giải, việc cung cấp điện, nước là giao dịch dân sự giữa nhà cung cấp và người sử dụng. Nếu người sử dụng không vi phạm các điều khoản trong hợp đồng hoặc vi phạm pháp luật trong việc sử dụng điện, nước thì không nên buộc nhà cung cấp cắt điện, nước.
 
Tuy nhiên, theo ông Tùng, có thể sử dụng việc "ngừng cung cấp điện, nước" như một biện pháp ngăn chặn vi phạm (không phải cưỡng chế). Biện pháp này chỉ được áp dụng đối với những hành vi mà điện, nước là điều kiện cần để thực hiện vi phạm; không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, hoạt động của cá nhân, tổ chức khác.
 
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho hay, việc cắt điện, nước có thể hiệu quả trong một số trường hợp như vi phạm trật tự xây dựng, nhưng nếu coi đây là biện pháp cưỡng chế để áp dụng cho tất cả các vụ vi phạm hành chính thì chưa phù hợp.
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị cân nhắc đề xuất nêu trên để "không hành chính hóa quan hệ dân sự". Bà nhấn mạnh, Chính phủ cần làm rõ bản chất của việc ngừng cung cấp điện, nước là biện pháp cưỡng chế hay ngăn chặn, từ đó quy định cho phù hợp.
 
 
Hà Ly (t/h)