Bức tượng "Nàng tiên cá" được tạo ra bởi trường trung học nghệ thuật IISS Luigi Russo (miền Nam nước Ý) như một cách tôn vinh Rita Levi-Montalcini, cố thượng nghị sĩ người nước này, cũng là người đoạt giải Nobel.
Tuy nhiên, ngay khi bức tượng xuất hiện trên quảng trường, người dân bản địa và cộng đồng mạng tại Ý đã tranh cãi dữ dội. Nhiều người cho rằng cách khắc họa những đường cong của bức tượng nàng tiên cá đã bị thực hiện quá đà, dẫn tới cảm nhận tiêu cực rằng bức tượng này đã bị "gợi tình hóa".
Nhiều cư dân mạng thậm chí còn đùa tếu rằng có lẽ nàng tiên cá này đã đi... phẫu thuật thẩm mỹ nên mới có hình thể như vậy. Nhiều người cho biết họ chưa từng thấy ở bất cứ nơi nào trên thế giới này lại có một bức tượng nàng tiên cá sở hữu 3 vòng "nảy lửa" như vậy.
Một số ý kiến cho rằng tác phẩm này đang "đặt ra tiêu chuẩn sắc đẹp phi thực tế cho các nàng tiên cá ở khắp mọi nơi".
Một bình luận mỉa mai cuộc tranh cãi: "Vâng, nàng tiên cá là có thật! Và chúng ta biết chắc là trông nó sẽ phải như thế nào".
Trên Facebook, diễn viên Tiziana Schiavarelli cho biết một người bạn của cô "cảm thấy có một chút bối rối về bức tượng này".
"Trông bức tượng giống như một nàng tiên cá với 2 bầu ngực silicon. Và hơn hết, cặp mông của bức tượng là quá to so với hình tượng một nàng tiên cá", cô viết.
Cũng có những người thể hiện cách nhìn nhận lạc quan hơn khi cho rằng một bức tượng gây sửng sốt như thế này có thể sẽ trở thành nét hấp dẫn du lịch cho địa phương.
"Mọi cuộc tranh luận về bức tượng 'Nàng tiên cá' đều được hoan nghênh, miễn nó liên quan đến những vấn đề như quyền tự do thể hiện nghệ thuật, hoặc tàn dư về cách nhìn cổ xưa liên quan đến cơ thể phụ nữ (hoặc nam giới)", Adolfo Marciano, hiệu trưởng trường trung học nghệ thuật IISS Luigi Russo nói.
Ông giải thích rằng các sinh viên được Thị trưởng Monopoli giao nhiệm vụ tạo ra một số bức tượng cho thị trấn, trong đó có một bức tượng về chủ đề biển cả.
"Các sinh viên đã cùng nhau và nảy ra ý tưởng về nàng tiên cá. Hội đồng đã được xem mô hình thu nhỏ và nói rằng nó rất tốt, sau đó quyết định tác phẩm điêu khắc hoàn chỉnh sẽ được đặt tại quảng trường", ông Marciano nói.
Marciano cho biết ông không muốn đánh giá về cảm hứng sáng tạo của học trò, nhưng ông coi tác phẩm như một sự thể hiện của thực tế, nhất là trong trường hợp này là cơ thể của phụ nữ. "Bạn thấy quảng cáo trên truyền hình với những người mẫu rất gầy, nhưng nàng tiên cá giống như một lời tri ân dành cho đại đa số phụ nữ có thân hình nảy nở, đặc biệt là ở nước Ý. Sẽ rất tệ nếu chúng tôi đại diện cho một người phụ nữ cực kỳ gầy gò", ông nói thêm.
Một số bức tượng lấy cảm hứng từ phụ nữ được đặt ở các khu vực khác của Ý cũng gây ra tranh cãi tương tự. Vào năm 2021, một bức tượng đồng khắc họa hình ảnh người phụ nữ mặc váy trong suốt ở thị trấn Sapri (miền Nam nước Ý) đã gây ra một cuộc tranh luận lớn. Nhiều người cho rằng tác giả có ý phân biệt giới tính.
Vào năm 2016, một bức tượng nàng tiên cá nóng bỏng khác, được đặt ở Cape Cod (Mỹ) cũng bị chê bai và nhận những phàn nàn tương tự.
Linh Chi (T/h)