Nỗi ám ảnh mang tên Thái Lan
Thống kê trong quá khứ đã để lại một ký ức không mấy vui vẻ cho đội tuyển Việt Nam khi đối đầu với Thái Lan. Trong 29 lần chạm trán, "Những chiến binh sao vàng" chỉ giành được 3 chiến thắng, hòa 8 và thua tới 18 trận. Điều đáng nói, mỗi chiến thắng cách nhau ít nhất 10 năm: bán kết Tiger Cup 1998 (3-0), chung kết lượt đi AFF Cup 2008 (2-1), và King's Cup 2019 (1-0).
Qua nhiều thế hệ, đội tuyển Việt Nam dường như luôn chịu áp lực khi gặp "Voi chiến". Những năm đầu, thế hệ Hồng Sơn, Huỳnh Đức thường xuyên thua đậm trước Thái Lan, khi khoảng cách trình độ là quá lớn. Ngay cả thời của Tài Em và Công Vinh, dù có chiến thắng lịch sử tại AFF Cup 2008, đội vẫn chưa hoàn toàn vượt qua được cái bóng của đối thủ.
Sự xuất hiện của HLV Park Hang Seo đã mang đến một giai đoạn khởi sắc. Năm 2019, đội tuyển Việt Nam bất bại trước Thái Lan trong 3 trận liên tiếp, không để thủng lưới. Tuy nhiên, Thái Lan nhanh chóng khôi phục phong độ với 2 chức vô địch AFF Cup liên tiếp (2020, 2022). Đội tuyển Việt Nam thua Thái Lan cả ở bán kết AFF Cup 2020 (tổng tỷ số 0-2) và chung kết AFF Cup 2022 (tổng tỷ số 2-3), dù đội hình đối thủ không mạnh nhất.
HLV Kim Sang Sik từng mô tả Thái Lan như "một ngọn núi" khó vượt qua. Đội bóng của HLV Masatada Ishii mang đến AFF Cup 2024 một đội hình pha trộn giữa kinh nghiệm và sức trẻ. Những cựu binh như Theerathon Bunmathan, Chanathip Songkrasin, Sarach Yooyen và Teerasil Dangda tuy đã qua thời kỳ đỉnh cao nhưng vẫn là trụ cột, hỗ trợ các tài năng trẻ trong đội hình mới.
Thái Lan cũng cho thấy bản lĩnh đáng sợ trong giải đấu năm nay. Họ lội ngược dòng thắng Singapore 4-2 sau khi bị dẫn 0-2 và vượt qua Philippines ở bán kết bằng chiến thắng đầy kịch tính sau 120 phút.
HLV Kim Sang Sik đã có cơ hội đối đầu với Thái Lan vào tháng 9/2024, và ông hiểu rõ sức mạnh của đối thủ. Tuy nhiên, đây không còn là lúc đội tuyển Việt Nam sống trong nỗi ám ảnh quá khứ. Đã đến thời điểm để "Những chiến binh sao vàng" gạt bỏ áp lực, chinh phục thách thức và hướng đến mục tiêu lớn lao hơn: truất ngôi vương của Thái Lan, để khẳng định vị thế mới trên bản đồ Bóng đá Đông Nam Á.
Vượt qua sợ hãi, khẳng định chính mình
Lịch sử đã chỉ ra rằng, mỗi khi đội tuyển Việt Nam tự tin và vượt qua được áp lực tâm lý, chúng ta đều tạo ra những kết quả đáng tự hào trước Thái Lan. Điển hình là tại Tiger Cup 1998, khi Thái Lan bị dồn vào thế sợ hãi đến mức cùng Indonesia tạo nên trận đấu gây tranh cãi nhất lịch sử giải đấu (cả hai đội đều cố ý đá phản lưới nhà để tránh gặp Việt Nam). Cuối cùng, Việt Nam đã khiến Thái Lan ôm hận bằng chiến thắng 3-0 đầy thuyết phục ở bán kết.
Tại AFF Cup 2008, tinh thần kiên cường đã giúp đội tuyển Việt Nam tạo nên chiến thắng lịch sử 2-1 ngay trên sân Rajamangala. Ở trận lượt về trên sân Mỹ Đình, bàn thắng muộn màng của Công Vinh đã đưa "Rồng vàng" lên đỉnh vinh quang Đông Nam Á lần đầu tiên.
Năm 2019, đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang Seo đạt phong độ đỉnh cao, không còn e ngại trước bất kỳ đối thủ nào. Thắng lợi 1-0 trước Thái Lan tại King's Cup hay chiến thắng 4-0 của U23 Việt Nam trước U23 Thái Lan tại vòng loại U23 châu Á là minh chứng cho tâm lý vững vàng và sức mạnh vượt trội. Thậm chí, hành động nóng nảy của Suphachai khi đánh nguội Đình Trọng cho thấy người Thái đã thực sự bất an trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Việt Nam.
Phải thừa nhận rằng, Thái Lan không dễ dàng chịu thua. Sau mỗi thất bại, họ đều nỗ lực tái thiết đội hình và tìm cách trở lại mạnh mẽ hơn. Chính vì thế, dù có những chiến thắng trước "Voi chiến", đội tuyển Việt Nam vẫn chưa duy trì được vị thế vượt trội.
Thế nhưng, nếu đội tuyển Việt Nam thể hiện tinh thần chiến đấu cao độ, vượt qua được tâm lý dè dặt, chúng ta hoàn toàn có thể làm nên chuyện. Trong hai trận chung kết AFF Cup, đối thủ lớn nhất của Việt Nam không phải Thái Lan mà chính là tâm lý của chúng ta.
HLV Kim Sang Sik đã gửi thông điệp mạnh mẽ: “Không có ngọn núi nào không thể vượt qua.” Ông sẵn sàng đánh đổi cả sự nghiệp để chinh phục chức vô địch AFF Cup, mang về niềm tự hào cho người hâm mộ.
Thời cơ vàng của "Rồng vàng"
So với trận thua 1-2 trước Thái Lan tại giải Tam hùng vào tháng 9/2024, đội tuyển Việt Nam đã có những thay đổi tích cực. Sau hành trình tại AFF Cup, "Rồng vàng" dần ổn định với bộ khung vững chắc và lối chơi rõ ràng hơn. Đặc biệt, HLV Kim Sang Sik đã tìm ra nhân tố chủ chốt – Nguyễn Xuân Son.
Tiền đạo gốc Brazil chỉ mất 3 trận để ghi 5 bàn thắng, dẫn đầu danh sách Vua phá lưới AFF Cup. Sự xuất hiện của Xuân Son không chỉ mang lại khả năng ghi bàn xuất sắc mà còn giúp tăng cường sự gắn kết trong lối chơi toàn đội. Nhờ đó, những cầu thủ như Hoàng Đức, Tiến Linh cũng thi đấu tự tin và hiệu quả hơn.
Mặc dù Thái Lan sở hữu hàng phòng ngự cao to và được đào tạo bài bản như Jonathan Khemdee, Pansa Hemviboon, hay Chalermsak Aukkee, nhưng thực tế cho thấy họ đã thủng lưới tới 7 bàn từ đầu giải. Đây là điểm yếu mà Việt Nam, với sự sắc bén của Xuân Son, hoàn toàn có thể khai thác.
Sân Việt Trì đã trở thành “thánh địa” khi đội tuyển Việt Nam duy trì thành tích toàn thắng từ đầu giải. Không chỉ vậy, truyền thống bất bại tại mảnh đất Phú Thọ của các đội tuyển Việt Nam cũng mang lại sự tự tin lớn cho thầy trò HLV Kim Sang Sik.
Thái Lan vừa trải qua 120 phút căng thẳng trước Philippines, chắc chắn thể lực của họ bị bào mòn đáng kể. Đây là cơ hội để Việt Nam giành chiến thắng trong trận chung kết lượt đi, tạo lợi thế lớn trước chuyến làm khách đầy thử thách tại Bangkok.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, lợi thế sân nhà và phong độ cao của các cầu thủ, đội tuyển Việt Nam đang đứng trước thời cơ chín muồi để truất ngôi vương của Thái Lan. Chỉ cần chúng ta thi đấu với tinh thần quyết tâm và niềm tin mãnh liệt, chiến thắng hoàn toàn nằm trong tầm tay. “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đã hội tụ – giờ là lúc để "Rồng vàng" bay cao trên đỉnh Đông Nam Á.