Vụ thảm sát kinh hoàng ở Thái Lan hé lộ khủng hoảng súng đạn, ma túy và bạo lực gia đình

Admin
Vụ thảm sát ở cơ sở trông trẻ khiến 37 người tử vong hé lộ cuộc khủng hoảng súng đạn, ma túy và bạo lực gia đình ở Thái Lan.

Vụ xả súng vào cơ sở trông trẻ khiến 37 người thiệt mạng ở Thái Lan đã làm lộ góc khuất về tình trạng bạo lực gia đình, vấn nạn nghiện ngập và bệnh tâm thần ở đất nước có tỷ lệ sở hữu súng cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Sự việc là hồi chuông cảnh tỉnh đối với hệ thống hỗ trợ xã hội đang trong khủng hoảng ở Thái Lan, đồng thời đề ra yêu cầu cấp bách triển khai những biện pháp nhằm ngăn chặn thảm kịch tái diễn.

Vào ngày 6/10, cựu sĩ quan cảnh sát Panya Khamrab đã cầm theo súng và dao xông vào một cơ sở trông trẻ ở tỉnh Nong Bua Lam Phu của Thái Lan và giết hại 37 người. Phần lớn nạn nhân là trẻ em. Sau khi gây án, đối tượng đã lái xe về nhà để sát hại vợ và con trai trước khi tự sát. Cảnh sát Thái Lan cho biết Panya đã bị đuổi khỏi ngành vào năm ngoái vì sử dụng ma túy mà cụ thể là yaba, một dạng ma túy tổng hợp hay còn gọi là “thuốc điên”.

Theo các chuyên gia y tế, sử dụng “thuốc điên” có thể dẫn tới hoang tưởng, ảo giác và hành vi bạo lực. Khi người dùng dừng sử dụng thuốc có thể bị rối loạn tâm thần.

tham-sat

Các loại súng sở hữu trái phép bị cảnh sát Thái Lan thu giữ. (Ảnh: Bangkok Post)

Trong khi đó, tại Thái Lan, “thuốc điên” dạng viên được bán với giá chưa tới 20 bath (0,5 USD).

Nhà tâm lý học phục hồi chức năng Shaowpicha Techo cho hay tồn tại khoảng cách lớn trong dịch vụ điều trị cai nghiện và hỗ trợ giảm tác động xấu của chứng nghiện ở khu vực thành thị và nông thôn tại Thái Lan.

Cụ thể, người nghiện sống ở thủ đô Bangkok hay các thành phố có thể dễ dàng tiếp cận cơ sở cai nghiện, nhưng ở các vùng nông thôn là vô cùng khó khăn.

Cũng theo ông Shaowpicha, Thái Lan đặc biệt thiếu các bác sĩ chuyên ngành sức khỏe tâm thần. Ngoài ra, sự kỳ thị đối với bệnh nhân tâm thần và nghiện ma túy khiến nhiều người không dám đi tìm sự hỗ trợ.

“Tại Thái Lan, đa phần người dân không quan tâm tới vấn đề tâm lý hay sức khỏe tâm thần. Nếu ai đó có vấn đề, họ sẽ bị gọi là người điên”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Shaowpicha nhấn mạnh thêm, một số người đã chuyển sang dùng ma túy thay vì đi chữa bệnh.

Chuyên gia an ninh ở Bangkok là ông Anthony Davis cho hay văn hóa Thái Lan né tránh sự đối đầu và công khai tức giận trước đám đông.

“Khi những khó khăn của bản thân và nỗi lo mất mặt bị đè nén đến một mức nào đó, chúng sẽ bùng nổ thành hành động bạo lực”, ông Davis nhận định.

Cũng theo ông Davis, chính môi trường dễ dàng tiếp cận với súng đạn khiến mối nguy hiểm ngày càng gia tăng.

Cách đây chưa đầy một tháng, một sĩ quan quân đội cũng đã bắn chết 2 đồng nghiệp tại căn cứ huấn luyện ở Bangkok. Hay như trong năm 2020, một binh sĩ khác đã bắn chết 29 người trong suốt 17 gây án sau lần tranh cãi với cấp trên.

Ngoài lực lượng an ninh, số người sở hữu súng ở Thái Lan ở mức rất cao với con số 10 triệu người vào năm 2017, theo dữ liệu của Gun Policy tại Đại học Sydney. Con số này tương đương với tỷ lệ cứ 7 người tại Thái Lan thì 1 người có súng.

“Trái với khuôn mẫu Thái Lan là đất nước của những nụ cười và con người thân thiện, Thái Lan hiện là đất nước vô cùng bạo lực”, chuyên gia Janjira Sombatpoonsiri tại Đại học Chulalongkorn nhận định.

Theo lời Phó Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia Thái Lan Damrongsak Kittiprapat, trước khi gây ra vụ thảm sát đẫm máu tại cơ sở trông trẻ, đối tượng Panya đã cãi nhau với vợ vào lúc 4h sáng cùng ngày. Sau khi gây án, hắn đã bắn chết vợ và con trai trước khi tự sát.

tham-sat

Vụ xả súng vào trường mầm non khiến 37 người thiệt mạng mà nạn nhân đa số là trẻ em. (Ảnh: Reuters)

Số liệu của Văn phòng Kinh tế Quốc gia và Ban Phát triển Xã hội ghi nhận trong năm tài khóa 2021, Thái Lan, quốc gia có dân số 70 triệu người, đã xảy ra 2.177 vụ bạo lực gia đình. Song con số thực tế được cho còn cao hơn nhiều, do nhiều vụ việc không được báo cáo.

Theo luật sư Busayapa Srisompong, người sáng lập tổ chức SHero chuyên cung cấp hỗ trợ pháp lý cho các nạn nhân bạo lực gia đình, thảm kịch do cựu sĩ quan cảnh sát Panya gây ra chính là hồi chuông cảnh báo.

Dù hầu hết các tỉnh ở Thái Lan đều có một trung tâm hỗ trợ ngăn chặn bạo lực gia đình tại bệnh viện nhà nước, nhưng đa phần là không hoạt động. Ngay cả Bộ Phát triển Xã hội và An sinh cũng có nhiều cơ quan đảm trách ngăn chặn bạo lực gia đình, song nhiều cơ sở thiếu nhân viên không được đào tạo chuyên sâu.

Cũng theo bà Busayapa, ưu tiên hiện nay vẫn là bảo toàn gia đình mà xem nhẹ trách nhiệm bảo vệ những người phụ nữ và trẻ em yếu thế. Cụ thể, không ít trường hợp phụ nữ được bà Busayapa hỗ trợ báo cáo sự việc nhiều lần và gọi tới đường dây nóng, nhưng vẫn không nhận được sự hỗ trợ kịp thời.

“Nếu như cộng đồng có thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, và không còn văn hóa đổ lỗi cho nạn nhân, nhiều thảm kịch đã có thể được ngăn chặn”, bà Busayapa nhấn mạnh.