Gần đây, hai cuộc thi nhan sắc là Miss Grand Vietnam và Hoa hậu Du lịch Việt Nam cùng tổ chức chung kết vào tối 3/8 dẫn đến việc chỉ trong một đêm, Việt Nam có thêm 2 hoa hậu, 6 á hậu. Trước đó một ngày, cũng có tới 8 người đẹp được vinh danh tại một cuộc thi hoa hậu dành cho doanh nhân.
Trên mạng Xã hội, nhiều khán giả cho biết họ cảm thấy bội thực vì các cuộc thi hoa hậu và người đẹp đang diễn ra với số lượng quá nhiều.
Đây cũng là lần thứ hai trong lịch sử các cuộc thi sắc đẹp Việt Nam, có đến 2 hoa hậu đăng quang cùng một đêm. Tháng 10/2022, Hoa hậu Biển đảo Việt Nam và Hoa hậu Hoàn cầu Việt Nam cùng diễn ra một ngày, từng tạo nên nhiều ý kiến tranh luận trong khán giả.
Chia sẻ với phóng viên , Tiến sĩ Hà Thanh Vân (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nhận định Việt Nam đang "khủng hoảng thừa hoa hậu". Ngày nay, các cuộc thi hoa hậu diễn ra tràn lan nhưng mục đích của việc thi nhan sắc đang trở nên mất ý nghĩa, danh xưng hoa hậu bị giảm giá trị và khán giả cũng khó nhớ nổi các hoa hậu đăng quang.
"Tôi hay nói đùa hoa hậu bây giờ "sản xuất hàng loạt". Tôi nghĩ rằng thi hoa hậu là một hoạt động mang tính văn hóa. Sau khi thi, những hoa hậu, á hậu có thể dùng vị trí, sức ảnh hưởng của mình để làm những việc có ích cho xã hội, truyền cảm hứng cho các bạn trẻ, tham gia các dự án, hoạt động vì cộng đồng.
Tuy nhiên, khi tổ chức quá nhiều cuộc thi hoa hậu sẽ dẫn đến sự nhàm chán cho khán giả. Công chúng sẽ không còn trân trọng giá trị của sắc đẹp nữa", TS. Hà Thanh Vân cho hay.
Nhiều khán giả nhận định tình trạng "bội thực hoa hậu" bùng nổ từ sau Nghị định 144/2020/NĐ-CP về hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
Trước đây, mỗi năm chỉ có hai cuộc thi sắc đẹp cấp quốc gia được cấp phép tổ chức. Sau này, khi Nghị định 144 được ban hành, các đơn vị, doanh nghiệp nào muốn tổ chức thi hoa hậu, không cần phải lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin giấy phép mà chỉ cần qua Sở Văn hóa địa phương.
"Nếu bắt đầu tính năm 2022 là cột mốc bắt đầu của tình trạng "lạm phát" hoa hậu, trung bình mỗi năm có 30 cuộc thi, thì đến năm 2032 chúng ta sẽ có khoảng 300 hoa hậu, hơn 600 á hậu và hơn 3.000 người đẹp đạt các giải phụ", một "phép tính" được cộng đồng mạng chia sẻ.
Ngoài ra, dân mạng còn liệt kê những cuộc thi có tên gọi giống nhau, được ví như "ma trận" đánh đố người xem. Những cụm từ như "du lịch", "đại dương", "biển" xuất hiện trong hàng loạt cuộc thi, khiến công chúng khó có thể phân biệt.
Trước những con số "biết nói" này, TS. Hà Thanh Vân bày tỏ quan điểm: "Tôi từng nghe một số khán giả nói đùa, với tình hình cuộc thi nhan sắc nhiều như hiện nay, sau này con mình khéo lại… lấy hoa hậu!".
TS. Hà Thanh Vân cho rằng, cùng với sự bùng nổ của báo chí và các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, công chúng hiện tại đang bị bội thực bởi hàng ngày phải đọc quá nhiều tin bài, hình ảnh về hoa hậu, á hậu.
Ngoài các cuộc thi lớn, Việt Nam còn có vô số các cuộc thi ở quy mô nhỏ hơn, cũng như mở rộng độ tuổi, hoàn cảnh cá nhân, ví dụ như thi hoa hậu quý bà, hoa hậu phu nhân…
"Dù không phải tất cả, song nhiều người đẹp ngày nay đăng quang với trình độ học vấn, ứng xử văn hóa thua kém với các thế hệ trước, khiến cho công chúng thất vọng.
Với tôi, vấn đề là sau khi có danh xưng, những hoa hậu, á hậu, người đẹp ấy đã làm được những gì? Thực tế cho thấy ngày nay rất ít những hoa hậu, á hậu, người đẹp được đa số công chúng mến mộ.
Thay vào đó chúng ta thi thoảng lại thấy có những bài viết mang tính "bóc phốt" họ, chê trách họ hay các cô gái gặp thị phi về ngôn từ ẩu tả, vô duyên, hành động khiếm nhã… Đó mới là điều đáng báo động thật sự!", TS. Hà Thanh Vân cho hay.
Một số ý kiến cho rằng hoa hậu ngày nay không chỉ là danh xưng mà còn là nghề hấp dẫn, là bàn đạp để các cô gái bước chân vào làng Giải trí, kiếm thu nhập và thậm chí có thể đổi đời. Đó là lý do vì sao các cuộc thi mọc ra nhan nhản và vẫn đủ số lượng thí sinh ồ ạt dự thi.
Về điều này, TS. Hà Thanh Vân cho biết: "Hoa hậu đúng là một bàn đạp, là một nghề hấp dẫn. Bởi thi hoa hậu, dù có giải cao hay thấp, đó cũng là cách thức dễ dàng nhất để mang lại danh tiếng chỉ sau... một đêm chung kết. Sau đó, chúng ta sẽ thấy nhiều hoa hậu, á hậu, người đẹp tham gia vào Showbiz, làm người mẫu, lấn sân sang ca nhạc, điện ảnh, lấy chồng đại gia…
Ngày xưa có câu "hồng nhan bạc phận, nhưng ngày nay phải là "hồng nhan bạc tỷ". Gần như con đường đó đã trở thành công thức chung. Rất ít hoa hậu, á hậu, người đẹp sau khi thi nhan sắc tiếp tục làm những công việc bình thường khác trong xã hội".
Theo chuyên gia, để thật sự dấn thân vào làng giải trí một cách chuyên nghiệp, thì nhan sắc thôi là không đủ. Mọi hoạt động nghệ thuật đều cần có thêm cả tài năng, sự kiên trì khổ luyện.
"Tôi ít thấy được những thành Công nghệ thuật đến từ những người đẹp, hoa hậu hoạt động trong showbiz. Dĩ nhiên vẫn có những người rất thành công, song số này không nhiều và các cuộc thi hoa hậu vẫn tiếp tục là phương thức đổi đời nhanh chóng nhất cho 1 số cô gái có nhan sắc. Do vậy, tôi nghĩ rằng tương lai, các cuộc thi hoa hậu sẽ vẫn ngày càng nhiều", TS. Hà Thanh Vân nhận định.